Thông báo
Làm sạch tất cả
Tiến trình tu tập của người tín đồ Cao Đài là nhập môn, giữ gìn giới luật, thờ cúng, làm công quảû, phổ độ chúng sanh, trau tâm sửa tánh, tự xét mình có đủ tiêu chuẩn tam lập (lập đức, lập công, lập ngôn) mới bước vào giai đoạn tịnh luyện, thiền định để tự giải thoát lấy mình. Tiến trình này liên tục và từng giai đoạn thăng tiến đều có sự hướng dẫn đúng lúc.
Về phương diện hữu hình gọi là thể pháp của Đạo: có ba con đường để các chơn linh xuống thế lập vị mình.
I- CON ĐƯỜNG THỨ NHỨT
Lấy quyền hành phẩm tước hữu hình làm phương tiện hành Đạo, phẩm tước ấy phải do công nghiệp hành Đạo và đức hạnh mới có được. Tùy theo công nghiệp phụng sự vạn linh và tài năng đức hạnh có được nhiều hay ít sẽ được thăng phẩm từ tín đồ lên Giáo Tông, ấy là con đường lập quyền Đạo để nương nhờ vào quyền hành ấy làm phương tiện phổ độ chúng sanh.
Các phẩm tước hữu hình trong Hội Thánh chỉ là những nghi thức đối phẩm với các Đấng Thiêng Liêng trong thế giới vô hình, nó đòi hỏi người thọ nhận phải làm tròn thiên chức của mình, khi chết linh hồn mới xứng đáng được gọi là Thần Thánh Tiên Phật. Chẳng hạn phẩm Giáo sư, Pháp Chánh Truyền buộc phải lo lắng cho tín đồ như anh ruột lo cho em. Ôi! được bao nhiêu người có tâm đức ấy, chẳng trách nào Đức Chí Tôn định chỉ có 72 Giáo Sư hành quyền trên toàn thế giới. Hay là phẩm Giám Đạo của Hiệp Thiên Đài đòi hỏi người chức sắc phải có đủ quyền năng tâm linh để tự mình hay biết những vụ vi phạm về luật pháp Đạo đã hay đang xảy ra ở một nơi nào đó mà về phương diện hữu hình chưa lộ tông tích mới đúng nghĩa Giám Đạo, đúng với câu trong Pháp Chánh Truyền "chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết".
Vì vậy phẩm tước hữu hình chỉ là giả tạm và trạng thái sống thực của chơn thần có tinh tấn hay không mới là yếu tố quyết định giá trị của hai tiếng đối phẩm. Con đường đó là Cửu Trùng Đài. Khi chết Chơn Thần rời khỏi xác thân trở về cùng Đức Chí Tôn. Con đường thứ nhất này bao gồm cả những chức sắc cấp dưới của Hiệp Thiên Đài mà sở hành của họ cũng lấy quyền Đạo làm phương tiện lập công.
II- CON ĐƯỜNG THỨ HAI
Con đường thứ hai là Phước Thiện với thập nhị đẳng cấp thiêng liêng cũng có phẩm tước hữu hình để đối chiếu với Thiêng Liêng từ Minh Đức đến Phật Tử.
Sở hành của họ chú ý nhiều đến việc lập đức, tạo ra nhiều của cải vật chất để tế khó trợ nghèo, yểm trợ đời sống hữu hình cho chức sắc hành đạo bất kỳ ở cơ quan nào, nuôi nấng binh vực trẻ mồ côi, người già cả, tật nguyền. Cũng phải đợi đến khi chết chơn thần mới rời khỏi thân xác trở về cùng Đức Chí Tôn.
III- CON ĐƯỜNG THỨ BA
Con đường thứ ba Đại Đạo là tu chơn, tức là con đường tịnh luyện, thiền định, chú ý tới sự rèn luyện, năng lực sống trong nội thân mình theo tiến trình tinh hóa khí, khí hóa thần, thần huờn hư đến chỗ chơn thần có đủ khả năng rời khỏi xác phàm trước khi chết trở về cùng Đức Chí Tôn được. Đây là con đường đi tắt trong kiếp sanh, dĩ nhiên chơn thần xuất ngoại xác thân được thì phải trở về được và sống trọn kiếp người của mình theo đúng Thiên ý. Có rất nhiều lầm lạc vì ảo tưởng ảo giác trong loại sinh hoạt này.
Nếu như ở con đường thứ nhứt và thứ hai người ta có thể lầm lạc chạy theo danh, lợi, quyền trong tôn giáo, cũng là ảo ảnh của cuộc đời, nhầm lẫn phương tiện với cứu cánh làm biến tướng nền chơn giáo thành tả đạo bàn môn thì ở con đường thứ ba này nhầm lẫn chính là ảo tưởng và ảo giác rất tinh vi.
Trong phép thông công của con người với thế giới thần linh cũng có vô vàn những điều đáng tiếc như vậy xảy ra, hậu quả của nó đối với đời sống tín ngưỡng của một số đông người cũng rất đáng thương tâm.
(Trích: "Tu Chơn")
Chủ đề này đã được sửa đổi2 năm Trước đây 2 lần bởiThanh Tam
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 06/07/2022 2:22 sáng