Thông báo
Làm sạch tất cả
(Lễ Nghi Cao Đài, bài số 322)
Khi các bạn vào lạy Điện thờ Phật Mẫu thì niệm:
- Nam mô Diêu Trì kim Mẫu vô cực thiên tôn
- Nam mô Cửu vị Tiên Nương
- Nam mô BẠCH VÂN ĐỘNG CHƯ THÁNH
chớ không có lấy dấu Phật Pháp Tăng, nên có người thắc mắc rằng:
- Tại sao Cửu vị NỮ PHẬT trong kinh Di Lạc lại không niệm mà niệm Tiên Nương
- Bạch vân Động là ai? Tại sao có trong câu niệm mỗi khi cúng thời hay bái lễ vậy?
Hôm nay đầu tiên, chúng ta tìm hiểu về BẠCH VÂN ĐỘNG trước.
1/ BẠCH VÂN ĐỘNG Ở ĐÂU VÀ NHIỆM VỤ CỦA CHƯ THÁNH BẠCH VÂN ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Trong quyển Tự Điển Cao Đài, tác giả Đức Nguyên có trích lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp về BẠCH VÂN ĐỘNG như sau:
"Theo kinh Phật thì trái địa cầu ta đang ở nay đã đến kiếp thứ nhì. Sau bảy lần tiến hóa, mỗi kỳ 61 triệu năm, vị chi là 427 triệu năm, địa cầu đã chết một lần rồi, di hài kiếp trước còn lại là NGUYỆT CẦU (mặt trăng là một tinh tú đã chết, ở trên đó không có một vật sống nào). Xưa nay, người ta vẫn xem NGUYỆT CẦU là nơi dừng chân của những vị THÁNH, THẦN trước khi xuống TRẦN GIỚI đầu thai. Các vị đó phải ở lại Nguyệt Cầu ít lâu để liên lạc với địa cầu và với các Thần linh ở địa cầu để quen dần với đời sống ở thế gian nầy.
Từ cổ, thần thoại đã mệnh danh Nguyệt Cầu là BẠCH VÂN ĐỘNG (QUẢNG HÀN CUNG). Cơ giáng bên châu Âu mệnh danh là LOGE BLANCHE (BẠCH ĐỘNG). Giáo chủ của Bạch Vân Động là Bạch Vân Hòa Thượng, miêu duệ của Từ Hàng Đạo Nhơn, dòng dõi đức Phật Quan Âm.
Bạch Vân Hòa Thượng đã hai lần giáng trần tại Pháp:
Một lần là HỒNG Y GIÁO CHỦ RICHELIEU
Một lần là QUẬN CÔNG LA ROCHE FOUCAULT.
Ở Việt Nam, Ngài giáng trần là TRÌNH QUỐC CÔNG (Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức TRẠNG TRÌNH).
Như vậy, BẠCH VÂN ĐỘNG là CUNG TRĂNG, hay MẶT TRĂNG, mà mặt trăng là VỆ TINH của ĐỊA CẦU nên nó là trạm tiếp chuyển từ ĐỊA CẦU ĐI VÀO CÀN KHÔN VŨ TRỤ, hay từ các cõi của CÀN KHÔN VŨ TRỤ ĐI VÀO ĐỊA CẦU. Trên cung trăng không có sinh vật sống nên chỉ làm nơi trú ngụ cho các đấng thiêng liêng mà thôi.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và Bạch vân Hoà thượng đều là chiết linh của Từ Hàng Bồ Tát. Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản tầng trời PHI TƯỞNG THIÊN trong Cửu Trùng Thiên. May mắn cho dân tộc VIỆT NAM, Bạch Vân Hoà Thượng chuyển kiếp làm dân Việt Nam với tên là NGUYỄN BỈNH KHIÊM. Khi trở về cõi thiêng liêng, Ngài có thánh danh là THANH SƠN ĐẠO SĨ, cầm quyền động chủ, và cũng là SƯ PHÓ BẠCH VÂN ĐỘNG.
Trong thời ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, các vị thánh của BẠCH VÂN ĐỘNG lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần để Chí Tôn lập thành Hội Thánh, giúp Chí Tôn khai đạo, làm hình thể của Đức Chí Tôn tại thế mà hoằng dương chánh pháp, giúp tay vào công cuộc chuyển thế, gọi là. NHO TÔNG CHUYỂN THẾ. Do đó, Tam thánh đứng đầu BẠCH VÂN ĐỘNG là:
* THANH SƠN ĐẠO SĨ (Trạng trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM)
* NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN (VICTOR HUGO)
* TÔN SƠN CHƠN NHƠN (TÔN VĂN)
được lịnh đứng ra công bố bản THIÊN NHƠN HOÀ ƯỚC cho toàn thể nhơn loại trên thế giới biết. Nếu ai thực hiện được 4 chữ BÁC ÁI CÔNG BÌNH, Chí Tôn cam kết sẽ rước về cảnh THIÊNG LIÊNG HẰNG SỐNG.
Bạch Vân Động Chư Thánh có nhiệm vụ HỘ VỆ ĐỨC PHẬT MẪU mỗi khi Đức Phật Mẫu xuất hành đến các cõi trần".
2/ HÀNH TÀNG CỦA CHƯ THÁNH BẠCH VÂN ĐỘNG BUỔI ĐẦU KHAI ĐẠO.
Giai đoạn khó khăn của buổi đầu khai đạo thì chư Thánh BẠCH VÂN ĐỘNG là những thiên mạng phải chịu KHỔ NÃO CỰC KỲ, có khi phải hy sinh tính mạng để làm lá chắn tiên phuông, gánh trọng trách bảo vệ chức sắc và tín đồ yên tâm hành đạo. Thân của các vị luôn nằm trong giữa cái chết và sống gang tấc, ngàn cân treo sợi tóc. Vai tuồng đó được chứng minh qua bức thư kỷ niệm sau đây:
BỨC THƯ KỶ NIỆM
TOÀ THÁNH TÂY NINH, ngày 25/8/Nhâm Tý (02/10/1972)
Kính gởi Đạo huynh HIỀN TRUNG.
Kính Đạo huynh,
Hân hạnh được đạo huynh gởi tặng quyển HỒI KÝ của đạo huynh. Mặc dù chưa có dịp nghe nhắc đến nhưng những khúc khiêu của đời người sống HY SINH VÌ ĐẠO VÌ ĐỜI đã in sâu trong trí não của đạo đệ thành trang ký ức đầy cảm thông, đầy trìu mến. Nay, được xem lại, thật là những phút phập phồng từ nhịp thở.
Nghĩ rằng, cổ kim, những trang phải sống cho giống nòi, rồi còn thêm nghĩa vụ vì Đạo nhà đã thành ra một thông lệ. Ai ai cũng phải NẾM MẬT NẰM GAI, thăng trầm để rèn trui cho nên trang tuấn kiệt. Rồi nhớ lại Đức quyền Giáo Tông là đấng thiêng liêng hộ mạng cho đạo huynh còn phải xúc động. Nhưng rồi chỉ khuyến khích mấy vần thơ Vân Tiên:
Nghêu ngao nay chích mai đầm,
Một bầu trời đất vui thầm ai hay.
Kinh luân sẵn nắm trong tay,
Ngửa nghiêng mặt nước vui say trong trời.
Thật lắm lúc cũng nở gan mà cũng lắm hồi teo ruột, nhưng đã là NGƯỜI CÓ THIÊN MẠNG thì mọi nguy hiểm gay go vẫn trôi như gió thoảng, chỉ có những người như chí sĩ Hồ văn Ngà, không có sứ mạng thiêng liêng, cũng đồng thọ nạn với đạo huynh nhưng bị hại một cách thảm thương, sau nhờ giác ngộ về phần hồn nên mượn cơ giáng bút nơi THANH TRƯỚC ĐÀN than lên những câu não nuột. Chư môn đệ Đức THANH SƠN ĐẠO SĨ toàn là đấng NHƠN TÀI, sanh ra để thi thố cách mạng, thì trong việc làm cách mạng phải xem CÁI CHẾT LÀ THƯỜNG để đổi lấy VINH QUANG CHO XỨ SỞ, CHO ĐẠO NHÀ.
Đạo đệ chúc đạo huynh còn nhiều sứ mạng và sẽ nêu cao danh nghĩa trong cuộc đời để nối tiếp thêm quyển Hồi Ký này, mà có lẽ còn các bạn BẠCH VÂN sẽ đúc kết đầy đủ thêm hơn.
Thân ái kính chào đạo huynh.
Chưởng Ấn
NGUYỄN VĂN HỢI
Đạo hiệu: TỊCH QUANG.
Xem ra như thế. Tiền bối đã hy sinh rất nhiều, trong đó mồ hôi nước mắt là chuyện đương nhiên trong bối cảnh đạo nghèo mà phải làm nhiều công chuyện. Nhưng cái TÂM TRÍ lại không dao động trước việc phải TRẢI THÂN LAO TÙ, chịu mọi sự khắc nghiệt của ĐỜI mà MÁU ĐỔ vẫn không sờn lòng người ĐẠO SĨ. THÁNH BẠCH VÂN ĐỘNG LÀ ĐẠO SĨ.
Nay lục lại danh sách chức sắc tiền khai Đại Đạo trong hàng môn đệ của THANH SƠN ĐẠO SĨ, tức đệ tử BẠCH VÂN, hầu cúi đầu bái kính:
- SƯ PHÓ: NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- SƯ PHÓ: VICTOR HUGO
- ĐỆ TỬ:
*TÔN DẬT TIÊN .
* Phối Sư THƯỢNG VINH THANH, Đạo hiệu: HIỂN TRUNG
* Phối Sư THÁI ĐẾN THANH, Đạo hiệu: THÔNG QUANG
* Phối Sư ĐẶNG TRUNG CHỮ, Đạo hiệu: NGẠN SƠN
* Phối sư THƯỢNG TUY THANHĐ, Đạo hiệu: TỪ HUỆ
* Phối Sư THÁI HÀO THANH
* Phối sư THƯỢNG NHÃ THANH, Đạo hiệu: MINH TẤN
* Tiếp Đạo CAO ĐỨC TRỌNG, Đạo hiệu CHÁNH ĐỨC
* Giáo Sư THƯỢNG BẢY THANH, Đạo hiệu: PHONG CHÍ
* Giáo Sư THÁI GẤM THANH, Đạo hiệu: TỪ HÓA
* Giáo Hữu NGỌC SỰ THANH, Đạo hiệu: NHÀN TỊNH
* Tiếp Dẫn Đạo Nhơn NGUYỄN VĂN HỢI, Đạo hiệu: TỊCH QUANG.
3/ VÌ SAO LẠY PHẬT MẪU NIỆM CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG?
Khi lấy dấu PHẬT PHÁP TĂNG lạy Chí Tôn thì có 3 ngôi PHẬT TIÊN THÁNH trong TAM GIÁO, cho nên, khi lạy PHẬT MẪU cũng phải đủ TAM GIÁO: PHẬT TIÊN THÁNH
- Nam mô DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN PHẬT
- Nam mô CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG: TIÊN
- Nam mô BẠCH VÂN ĐỘNG CHƯ THÁNH: THÁNH.
Nếu niệm CỬU VỊ NỮ PHẬT thì không có đại diện ngôi TIÊN. Nên dù là Phật vị thì với vai trò trong câu niệm là đại diện TIÊN. Nếu niệm Phật là dư hay ngang với phật mẫu thì không được.
Trong ĐẠO CAO ĐÀI, chúng ta thấy có ÂM VÀ DƯƠNG. Như trong tượng NGŨ CHI thì các đấng là NAM, tức DƯƠNG, thì có PHẬT BÀ là NỮ, tức ÂM.
Tại Điện Thờ Phật Mẫu thì PHẬT MẪU và CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG là NỮ, tức ÂM, thì có BẠCH VÂN ĐỘNG chư Thánh là NAM, tức DƯƠNG.
Trên CHÍ TÔN: Trong DƯƠNG CÓ ÂM. Tại PHẬT MẪU: Trong ÂM CÓ DƯƠNG.
Nay, các bạn đã hiểu vai trò của BẠCH VÂN ĐỘNG. Đạo Cao Đài tồn tại thất ức niên thì chư Thánh Bạch Vân Động vẫn hằng vâng mạng lịnh của CHÍ TÔN tái kiếp để điều hành cơ chuyển thế do Ngài định quyết.
Nhiệm vụ TRUYỀN GIÁO TOÀN CẦU tức là vai trò CỦA HỘI THÁNH NGOẠI GIÁO. CHƯỞNG QUẢN HỘI THÁNH NGOẠI GIÁO LẠI LÀ ĐỨC CHƯỞNG ĐẠO NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN, SƯ PHÓ BẠCH VÂN ĐỘNG. Vì vậy, GÁNH NẶNG CỦA CHƯ THÁNH BẠCH VÂN ĐỘNG CHÍNH LÀ TAY CHƠN ĐẮC LỰC CỦA ĐẠO SAU NÀY, KHI ĐẠO TRUYỀN RA KHẮP NĂM CHÂU ./.
Ngày 19/12/Tân Sửu (Dl: 21/12/2022 )
HẠC NỘI.
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 30/01/2022 2:26 sáng