Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

CỬU VIỆN

Thanh Tam
(@thanh-tam)
Thành Viên
Tòa Nội Chánh Cửu Trùng đài - Thánh Thất Cao Đài
 
 
Cửu Viện tức chín viện nơi Trung ương Toà Thánh thuộc Hành Chánh Đạo. Đây là chín cơ quan nắm giáo quyền trung ương để điều hành trực tiếp nền Đạo, thực thi quyền hành pháp của Đạo, dưới quyền chưởng quản của ba vị Chánh Phối Sư.
 
Cửu Viện chính thức hình thành trong cửa Đạo Cao Đài vào ngày 14 tháng 7 năm Mậu Thìn (1928) khi Hội Thánh thông qua “Chương trình Cửu Viện Hội Thánh Cửu Trùng Đài”.
 
Nguyên thủy, Chưởng Quản Cửu Viện là chức Tổng lý Cửu Viện do ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung 1876-1934) làm Tổng lý, dưới có ngài Phối Sư Thái Ca Thanh (Nguyễn Văn Ca 1875-1956) giữ chức Hiệp lý Cửu Viện (đứng đầu tất cả các Quản lý Cửu Viện), ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang 1879-1936) là Phó Hiệp lý. Đứng đầu mỗi viện là Quản lý, Phó Quản lý.
 
Lúc bấy giờ, Cửu Viện gồm có:
 
• 𝗡𝗼̣̂𝗶 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: Giao thiệp với các Thánh Thất và chư chức sắc Thiên Phong, công văn, ban hành ấn dụ, tàng văn phòng. Xem xét các hành động của chư Thiên Phong và tín đồ, đệ sổ cầu phong cho Tổng lý, thuyên bổ chức sắc, phổ độ, xem xét đơn từ xin thành lập Thánh Thất trước khi đệ lên cho Tổng lý, lập Họ. Thâu nhập Thánh Thất, chùa hay là đất cúng, xem xét các tờ tam nguyệt kỳ của Thánh Thất và chủ địa phận gửi đến. Gìn giữ sổ nhựt ký vi bằng nhóm Cửu Viện.
 
• 𝗕𝗶̀𝗻𝗵 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: thuận phân các việc thưa kiện phần Đạo và phần Đời. Giải hoà về các việc bất bình xảy đến trong Đạo. Tra xét, phân đoán, xử trị về các điều vi phép trong Đạo. Việc hệ trọng như trục xuất Đạo hữu hay là giáng cấp Thiên Phong thì Bình Viện trình lên cho Cửu Viện phân xử. Trọng hơn nữa phải đệ lên Toà Tam Giáo phân đoán (y theo Tân luật điều thứ 30). Kiểm soát ngân vụ, tài chánh, tài sản... Ngân vụ phải kiểm soát một năm ít nữa hai kỳ (kiểm soát viện bộ nhập vô Bình Viện). Giao thông với tòa bố, toà án trạng sư và trưởng tòa.
 
• 𝗖𝗼̂𝗻𝗴 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: lo các việc tạo tác tại Toà Thánh cùng các Thánh Thất. Tu bổ các việc, sắm đồ từ khí, cất học đường, dưỡng lão đường... Lập họa đồ Toà Thánh cùng các Thánh Thất rồi trình cho Cửu Viện công nhận. Lập tờ giảo giá trước khi mua tài liệu dùng trong việc tạo tác. Mỗi khi lập giao kèo phải trình cho Cửu Viện nhứt định trước.
 
• 𝗛𝗼̣̂ 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: giữ bút toán về tài chánh, phỏng định sổ thâu xuất tại Toà Thánh. Phê y số phỏng định thâu xuất của các Thánh Thất, xem xét các tờ khai thâu suất tài chánh của các Viện và các Thánh Thất. Định lương hướng cho Ký Lục các Viện và các nhơn công tại tòa Thánh. Ấn tống kinh sách, Thánh tượng. Lập tờ giảo giá trước khi in rồi dâng cho Cửu Viện phê chuẩn chứng kiến các giấy tờ cho Tổng Quản tài chánh xuất bạc. Tạm thu tiền kinh sách Thánh tượng trữ bán tại Toà Thánh, tại Sài Gòn và các chỗ khác rồi đóng lại cho Tổng quản tài chánh.
 
• 𝗡𝗼̂𝗻𝗴 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: Khai phá Thánh địa Tây Ninh Và các đất cúng, trồng trỉa. Mộ nhơn công lập vườn. Lập tờ cho mướn. Giữ sổ công quả của chư Đạo hữu đến giúp việc tại Toà Thánh. Giữ bộ từ khí nông diện. Gin giữ các văn khế, bằng khoán đất của Đạo, họa đồ đất…
 
• 𝗟𝘂̛𝗼̛𝗻𝗴 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: Lo lương thực. Phòng trà. Sắp đặt công quả phái nữ nơi phòng trù và trai đường. Giữ sổ sách đồ từ khí vật liệu nơi phòng trù và các phòng khách. Tiếp đãi khách và chư Thiên Phong phái nữ.
 
• 𝗟𝗲̂̃ 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: Sắp đặt việc lễ nhạc tại Toà Thánh và các Thánh Thất. Tiếp khách và chư Thiên Phong phái nam. Coi bộ sổ tài sản chung. Giữ gìn bộ sổ chư tín đồ và bộ sanh tử, hôn thú. Lập bộ sổ các Thiên phong và tín đồ được trường chay.
 
• 𝗛𝗼̣𝗰 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: Lo giáo hoá Đạo hữu nam nữ. Lo việc thuyết Đạo, lập tạp chí. Nhứt trình và soạn các bài thuyết Đạo. Xem xét đơn từ xin lập nhà trường, dưỡng lão đường, ấu trĩ viện… Xin cứu giúp kẻ cô độc.
 
• 𝗡𝗴𝗼𝗮̣𝗶 𝗩𝗶𝗲̣̂𝗻: lo khai Đạo ngoại quốc.
 
Đến ngày 28 tháng 1 năm Tân Mùi (dl 16–3–1931), ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh y theo Đạo Nghị Định thứ Tư ban hành Châu tri số 9 sắp đặt lại Cửu Viện như sau:
 
- 𝗧𝗵𝘂̛𝗼̛̣𝗻𝗴 𝗖𝗵𝗮́𝗻𝗵 𝗣𝗵𝗼̂́𝗶 𝗦𝘂̛ cai quản:
 
1. Nội giao, Ngoại giao Viện
2. Học Viện
3. Y Viện
 
- 𝗧𝗵𝗮́𝗶 𝗖𝗵𝗮́𝗻𝗵 𝗣𝗵𝗼̂́𝗶 𝗦𝘂̛ cai quản:
 
1. Hộ Viện
2. Công, Nông Viện
3. Lương Viện
 
- 𝗡𝗴𝗼̣𝗰 𝗖𝗵𝗮́𝗻𝗵 𝗣𝗵𝗼̂́𝗶 𝗦𝘂̛ cai quản:
1. Lại Viện
2. Hoà Viện
3. Lễ Viện
 
Nhưng tiếp đến, ngày 7 tháng 5 năm Tân Mùi (Dl: 22–6–1931), Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt gởi văn thư số 199 cho ba vị Chánh Phối Sư sắp đặt lại Cửu Viện và phân nhiệm cho ba vị như sau:
 
- Thượng Chánh Phối Sư làm Tổng Lý 3 Viện là:
 
1. Học Viện – Y Viện: là trường học,nhà thương và các việc cứu giúp tương tế, vv…
 
2. Nông Viện: là các việc canh nông, công nghệ khai phá đất của Hội Thánh, sở dệt vải dệt hàng, đương ghế, khai phá đất 80 mẫu, lo sắp đặt Nghĩa địa, lo cai quản các nhà ở trong Thánh địa và sắp đặt chợ Từ Bi, vv...
 
3. Nội giao – Ngoại giao Viện: là giao thiệp với chánh phủ và nhơn sanh, giao thiệp và điều đình các Thánh Thất, lo lập Thánh Thất các nơi chưa có, vv...
 
- Ngọc Chánh Phối Sư làm Tổng Lý 3 Viện là:
 
1. Lại Viện: là Chủ trưởng các Chức sắc Thiên phong, lập và giữ Sổ Thiên phong, sổ Lễ Sanh và Chánh Phó Trị Sự nam phái. Lo việc cầu phong, cấp bằng, thuyên bổ Thiên phong Chức sắc, sổ tánh hạnh Thiên phong Chức sắc, giữ gìn và ban hành luật lệ Hội Thánh, buộc Thiên phong Chức sắc và Đạo hữu phải tuân luật Đạo.
 
2. Lễ Nhạc Viện: là lập Lễ nhạc hoàn toàn trong Đại Đạo, lập sổ bộ tín đồ nam nữ của Đấng Chí Tôn, bộ Sanh Tử, Hôn thú, lo tầm kiếm văn xưa tích cũ, lo sắp đặt kho sách, phòng sách, in kinh sách, sổ Tài vật bửu điện (Inventaires).
 
3. Hoà Viện: cầm quyền cai trị, xử đoán về phần Đạo và phần Đời, cầm quyền Tòa Tạp tụng, lo các việc Tòa Tam Giáo.
 
- Thái Chánh Phối Sư làm Tổng lý 3 Viện là:
 
1. Hộ Viện: là lo tài sản, sổ thâu xuất, mỗi nãm lo phỏng định thâu xuất đặng trình cho Hội Thánh, lo sổ sách tài liệu và tài sản của Đại Đạo.
 
2. Công Viện: là lo các việc tạo tác, tu bổ đường lộ, giếng nước, kho tàng trữ đồ từ khí hay là vật liệu.
 
3. Lương Viện: là phòng trù, lo nuôi công quả và hành hương, lo lương bổng Chức sắc và nhơn công, lo lập sổ lương.
 
Ngày 7 tháng 3 năm Quí Dậu (dl 1–4–1933), Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đồng ký tên ban hành Châu tri số 1 thông báo việc thuyên bổ ba vị Khai (Khai Pháp, Khai Đạo, Khai Thế) của Hiệp Thiên Đài qua cầm quyền Chánh Phối Sư ba phái của Cửu Trùng Đài trong lúc tạm khuyết và đặt lại Cửu Viện như sau: Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện (phái Thái); Học Viện, Nông Viện, Nội Viện (phái Thượng); Lại Viện, Lễ Viện, Hoà Viện (phái Ngọc).
 
Cho đến ngày 22 tháng 5 nhuần năm Quí Dậu (dl 14–7–1933), ba vị Chánh Phối Sư ban hành Châu tri số 1, thuyên bổ chức sắc cầm quyền Quản lý, Phó Quản lý của mỗi Viện thì Học Viện được lập thêm một phần nữa là Phước Viện, gộp chung là Học và Phước Viện. Cũng từ đây, Cửu Viện được gọi chính thức là Toà Nội Chánh.
 
Ngày 2 tháng 9 năm Đinh Sửu (dl 5-10-1937), Hội Thánh ra Châu tri số 44 sắp đặt Phước Y Viện.
 
Năm 1940, Hội Thánh sắp đặt lại Cửu Viện gồm: Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện, Học Viện, Y Viện, Nông Viện, Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện qua bài Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông:
 
𝐓𝐡𝐚́𝐢, Hộ Lương Công, nội chủ trương,
𝐓𝐡𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠, Nông Y Học, chấp phương cương.
𝐍𝐠𝐨̣𝐜, Hoà Lại Lễ, quyền cai quản,
Cửu Viện phân qua khả khán tường.
 
Và đổi gọi danh từ Quản lý, Phó Quản lý Cửu Viện thành Thượng Thống và Phụ Thống. Cách sắp đặt Cửu Viện và danh từ lãnh đạo Cửu Viện như trên tồn tại đến nay không thay đổi.
 
Qua thời gian, khi nền Đạo phát triển lớn mạnh thì nữ phái Cửu Trùng Đài cũng lập Cửu Viện y như nam phái. Hội Thánh Phước Thiện cũng có đầy đủ Cửu Viện nam nữ như Cửu Trùng Đài. Cửu Viện nam và nữ của Hành Chánh hay Phước Thiện chỉ hành quyền về bên phái của mình và cơ quan của mình, không xâm phạm quyền hành lẫn nhau.
 
Chủ đề này đã được sửa đổi3 năm Trước đây bởiThanh Tam
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 29/12/2021 2:28 sáng
Chia sẻ: