Thông báo
Làm sạch tất cả
Dân chúng thủ đô Tbilisi của Georgia lắng nghe lời kêu gọi quốc tế cứu giúp Ukraine chống quân Nga của ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, ngày 4 Tháng Ba.
Hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Ba, ngoài hai hãng thông tấn AP và AFP, các báo lớn như Daily Mail của Anh, New York Post của Mỹ, Times of Israel, và The Telegraph của Ấn Độ, cùng các tạp chí như The Nation của Mỹ và The New Age World của Anh… cùng đưa tin có tới 20,000 chiến binh của 52 quốc gia từ Âu Châu và các nước khác trên thế giới đã tình nguyện đến Ukraine.
Họ tình nguyện để hợp sức với các lực lượng quân sự và thường dân Ukraine chiến đấu chống quân xâm lược Nga.
Trước đó, hôm Thứ Năm, 24 Tháng Hai, ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đã ra lệnh cho các lực lượng Nga tiến vào đánh chiếm Ukraine nhằm xóa bỏ tư cách một quốc gia độc lập của nước này, để rồi biến Ukraine thành một nước Cộng Hòa trong Liên Bang Nga như thời Cộng Sản Liên Xô hồi thế kỷ trước.
Hôm Chủ Nhật, ông Dmytro Kuleba, ngoại trưởng Ukraine, nói rằng từ nhiều năm qua, cộng đồng thế giới vẫn căm ghét giới lãnh đạo Nga về những hành vi xâm lược các nước láng giềng, tiêu biểu là Georgia và Ukraine, nhưng chẳng ai dám công khai chống đối hoặc đánh trả lại. Vì thế, lần này, khi người ta chứng kiến toàn quân và toàn dân Ukraine không chịu bỏ cuộc mà cùng vùng lên chiến đấu chống quân Nga thì nhiều người lại lấy đó làm nguồn cảm hứng và muốn tham gia cuộc kháng chiến hiện nay của Ukraine, nhằm bắt các nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh xâm lược của họ.
Tuy nhiên, vị ngoại trưởng cho rằng điều quan trọng nhất là đất nước và dân tộc Ukraine phải nhận được sự ủng hộ và yểm trợ trợ lâu bền về chính trị, kinh tế và quân sự từ bè bạn quốc tế. Ông Kuleba cũng nhấn mạnh rằng mọi người tham gia cuộc chiến đấu chung này đều cần đến sự lãnh đạo và cố vấn của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lãnh vực phòng không chống các máy bay và hỏa tiễn tầm xa của Nga.
Hồi cuối tháng trước, khi Nga mới khởi sự tấn công vào Ukraine, Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã công khai mời gọi các chiến binh ngoại quốc đến nước ông để cùng nhau thành lập một “Binh Đoàn Quốc Tế” đặng sát cánh chiến đấu với quân đội và dân chúng Ukraine trong sứ mạng đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.
“Tin vui giữa giờ tuyệt vọng”
Đây quả là một “tin vui giữa giờ tuyệt vọng,” bởi vì cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine hiện nay là một cuộc đọ sức không cân xứng chút nào giữa đại cường nguyên tử Nga, kẻ sở hữu một kho võ khí chiến lược và chiến thuật vào hàng lớn nhất thế giới, chống lại một tiểu quốc như Ukraine, nước hiện chỉ có các loại vũ khí lỗi thời vì được sản xuất từ thời Chiến Tranh Lạnh, cách nay hơn ba thập niên.
Thêm nữa, nỗi tuyệt vọng ở đây còn là do thái độ “bình chân như vại” của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu, những nước cứ việc đứng ngoại mà dậm chân và la ó, chứ không có ai dám nhảy vào tham gia cuộc chiến để bênh đỡ cho Ukraine, chỉ vì họ quá lo sợ quân Nga sử dụng võ khí nguyên tử, thứ mà cả Mỹ và Âu Châu đều dư sức có. Cho tới nay, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu chỉ tiến xa hơn chút đỉnh trong sách lược đối phó với Nga, bằng cách dùng ngón đòn cấm vận kinh tế, mà thực tế từng cho thấy là chẳng mấy hiệu quả kể từ sau khi ông Putin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Liên Bang Nga hồi năm 2014.
Tinh thần “hiệp sĩ” của Âu Châu ngày xưa đến nay vẫn còn
Nghĩa cử của hàng ngàn chiến binh từ khắp bốn phương trời, mà đa số là từ các quốc gia Âu Châu, tình nguyện đến Ukraine để đem máu đào của chính mình ra mà bảo vệ nền độc lập và tự do của Ukraine thật là hào hiệp và cao cả không sao kể xiết. Phải biết rằng các chiến sĩ tự nguyện này không tuân theo mệnh lệnh của đất nước họ mà chỉ hành động theo lương tâm của chính mình, tức là khác xa với các “chí nguyện quân” Cộng Sản Trung Hoa, những kẻ trực thuộc các đơn vị Giải Phóng Quân Nhân Dân và được đưa đến để giúp Cộng Sản Bắc Hàn và Cộng Sản Việt Nam chống Mỹ và chống Pháp trong ba cuộc chiến tranh hồi thế kỷ trước, là Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953), Chiến Tranh Đông Dương (1946-1954) và Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975).
Điều này chứng tỏ tinh thần “hiệp sĩ,” tưởng đã mất đi sau hai thế kỷ 12 và 13 vàng son tại Âu Châu rồi nhưng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Cũng còn có thể ví nghĩa cử cao đẹp của các chiến binh ngoại quốc tình nguyện đến giúp Ukraine hiện nay như những dũng sĩ Kinh Kha từng liều mạng sống xông vào cung điện để ám sát bạo chúa Tần Thỉ Hoàng (221-210 Trước Công Nguyên) bên Tàu, nhưng chuyện bất thành nên chàng dũng sĩ của nước Yên bị giết tại chỗ.
Thế giới chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Putin tại Ukraine bằng hành động
Sự thể hàng ngàn chiến binh tình nguyện tham gia cuộc chiến đấu chống đội quân xâm lược của ông Putin vào Ukraine cho thấy những công dân thế giới đã có hành động cụ thể đánh trả lại cuộc xâm lăng tàn bạo và phi nghĩa của Nga vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền, một thành viên hẳn hoi của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức quốc tế hữu danh, vô thực này chỉ biết ngồi đó lên án Nga một cách tuyệt vọng mà không có cách nào bắt buộc ông Putin phải chấm dứt cái gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” vào lãnh thổ Ukraine của quân Nga, mà thực chất là một cuộc chiến tranh có tính diệt chủng, nhằm tiêu diệt nhà lãnh đạo Zelensky dũng cảm và luôn cả đất nước cùng dân tộc Ukraine anh hùng.
Mặc dù chính nhà độc tài Putin đã buông lời hăm dọa sẽ đối xử tàn bạo với các chiến binh tình nguyện này một khi họ bị bắt tại trận – chỉ vì họ không thuộc bất cứ quân đội nào trên thế giới – các chiến sĩ kiên cường đó, những người mang trên vai sứ mạng cứu khổn, phò nguy một dân tộc anh hùng nhưng thất thế trước nanh vuốt của quân xâm lăng tàn bạo vẫn không hề nao núng.
Chắc chắn rằng không ai trong các dũng sĩ kia thèm muốn bữa cơm tù do quân Nga dọn ra, mà điều họ thật sự khao khát chính là “Tự do hay là chết” (“Give me Liberty, or give me death), như lời của chính khách Patrick Henry nói trước Nghị Hội Lần Thứ Nhì của Virginia vào ngày 23 Tháng Ba, 1775, trước khi diễn ra Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Giành Độc Lập của Mỹ (The American Revolutionary War, 1775-1783) chống Đế Quốc Anh, từ 1775 đến 1783.
Đức công bằng, lòng dũng cảm và nghĩa cử cứu khổn phò nguy của các chiến binh quốc tế
Có thể nói rằng đức công bằng, lòng dũng cảm và nghĩa cử cứu khổn, phò nguy của các chiến binh quốc tế nói trên đang đánh động lương tâm của những con người yêu chuộng tự do và hòa bình trên khắp hành tinh này, đồng thời hành động của họ cũng sẽ khiến cho các nhà lãnh đạo thế giới, nhất là Hoa Kỳ và Âu Châu, phải tự soi gương để thấy mình đã làm được gì cụ thể để bảo vệ những quốc gia dân chủ và tự do trong cơn nguy biến như Ukraine hiện nay hay chưa.
Vann Phan
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 14/03/2022 9:51 chiều