Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

ĐẰNG SAU NỖ LỰC NGĂN CHẬN CHIẾN TRANH CỦA CÁC ĐIỆP VIÊN

Trung Kien
(@trung-kien)
Thành Viên

 
Trong gần hơn chục ngày vào tháng 2 vừa qua, một nhóm các quan chức tình báo đi ngủ sớm. Họ đã xem thông tin tình báo dự đoán về một cuộc chiến tranh và biết rằng Nga sẽ thật sự xâm lược Ukraine, và điều này sẽ bắt đầu vào thời điểm lúc sáng sớm. Thế nhưng khi thông tin cuối cùng xuất hiện vào ngày 24/02 thì vẫn có cảm giác khó tin, một người nhớ lại: "Thật khó mà tin được chuyện gì đang thật sự diễn ra cho đến khi tôi dậy sớm vào buổi sáng đó và bật radio lên."
 
Trong hàng tháng họ đã đưa ra lời cảnh báo.
 
 
"Ngày hôm đó mọi người chuyển từ "tại sao bạn lại quá cuồng loạn?" sang "tại sao bạn lại không cuồng loạn hơn chứ?", một quan chức nhớ lại.
 
Không có sự thỏa mãn nào trong chuyện được chứng minh là đúng, một quan chức tình báo khác nói thêm. Nhưng ít ra thì họ cảm thấy đã cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến với quy mô được họ lên tiếng cảnh báo trong hàng tháng qua.
 
 
Quãng thời gian cuối cùng trước khi chiến tranh xảy đến và những tuần sau khi bùng phát, thì giới chức tình báo Anh và Mỹ đã công khai một số bí mật được giấu kín nhất của họ, thuộc một phần chiến dịch chưa từng có.
 
Trong hàng thập kỷ, thông tin tình báo thường được xem là điều được chia sẻ với số ít cá nhân nhất có thể. Giờ đây không còn nữa. Quyết định được thực thi là để cả thế giới biết về điều đó.
 
Điều này không chỉ đánh dấu một bước chuyển đáng kể về cách thức tình báo phương Tây hoạt động mà còn mang ý nghĩa đối mặt với di sản đau đớn về cuộc xâm lược Iraq.
 
 
Những dấu hiệu đầu tiên về ý định của Nga xuất hiện cách đây một năm. Thông tin tình báo từ hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã huy động binh sĩ gần Ukraine. Nhưng giới phân tích lại có ít thông tin về ý định thật sự của Moscow.
 
Điều này thay đổi vào giữa năm 2021. "Từ mùa hè, chúng tôi đã thấy một nhóm các quan chức cấp cao hoạch định một cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào một quốc gia," một quan chức tình báo phương Tây giải thích.
 
Thu thập và phân tích thông tin tình báo là vấn đề phối hợp Anh-Mỹ, một số người liên quan nói - một người gọi đây là hoạt động "gia đình". Không có thời điểm thông tin duy nhất mà hơn thế đó là một bức tranh ngày càng rõ rệt hơn theo thời gian.
 
Và xuất xứ chính xác thông tin tình báo vẫn còn là vấn đề mật - một số quan chức nói thông tin đến từ nhiều nguồn. Nhưng điều này mang đến một bức tranh tiếp tục được lắp đầy khi London và Washington nhận thấy đã có kế hoạch cuối cùng.
 
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như tin rằng ông ta phải hành động đủ nhanh để hoàn thành tham vọng đưa Ukraine trở lại dưới tầm kiểm soát của Nga. Và ông tin rằng cách duy nhất để làm điều này là sử dụng vũ lực. "Ông ấy cảm thấy đang có quãng thời gian mang tính quyết định," một người trực tiếp liên quan nói.
 
Trước mùa thu, Washington đã quyết định cần làm điều gì đó với thông tin từ các điệp viên. Quyết định đó, theo những người liên quan cho biết đã được những quan chức ở cấp cao nhất trong Nhà Trắng thực thi.
 
 
Thời khắc quan trọng xuất hiện vào đầu tháng 11 khi Giám đốc CIA William Burns đến Moscow để cảnh báo rằng Washington biết chuyện gì đang được lên kế hoạch. Chuyến đi này đã không được giữ bí mật. Lần đầu tiên giới chức Nga được thông báo là quốc gia của mình có thể đang nghiêm túc mang ý định hành động nhằm vào Ukraine khi họ nghe thông tin từ Giám đốc CIA, một quan chức nói.
 
Giai đoạn tiếp theo là công khai một số thông tin tình báo. Một quan chức có tham gia các cuộc thảo luận, giấu tên giống như người khác, đã nhớ lại những lần được hỏi: - Mục đích của chuyện biết hết tất cả những điều này là gì, nếu chúng ta không thể làm gì để thay đổi?
 
Tại Washington, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines - người đã gửi thông tin cho các đồng minh Nato hồi tháng 11 - và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan được cho đã thúc đẩy việc công bố tài liệu. Các chuyên gia chuyên về loại bỏ phân loại tài liệu mật, vốn được đào tạo hiểu về các rủi ro, bắt đầu làm việc ngày đêm nhằm thiết lập điều có thể được chia sẻ.
 
 
"Intelligence Community (Cộng đồng tình báo) đã tăng nhân sự và nguồn lực để hỗ trợ quá trình xem xét phân loại nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh và đối tác và xem xét bỏ phân loại mật để có thể cung cấp cho công chúng (và) nâng cao quy trình bỏ phân loại mật vốn được thiết lập để bảo vệ các nguồn tin và phương pháp," Nicole de Haay, người phát ngôn Intelligence Community Mỹ nói.
 
 
Một ưu điểm đó là có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh thương mại sẵn có để hỗ trợ vụ việc. Trước đầu tháng 12, các chi tiết về những kế hoạch xâm lược của Nga gồm 175.000 binh sĩ tinh nhuệ đã xuất hiện trên Washington Post.
 
Ở London, thông tin tình báo từ GCHQ và MI6 đã vấp phải sự hoài nghi từ một số cơ quan. Một vấn đề phổ biến bên trong và ngoài chính phủ đó là mọi người chỉ đơn giản không tin một cuộc chiến lớn trên đất liền lại có thể bùng nổ tại châu Âu trong thế kỷ 21.
 
 
Và chỉ khi vào cuối năm - sau khi tài liệu đã được thẩm định chính thức và Ủy ban Tình báo phối hợp công bố quan điểm được xem xét đó là một cuộc xâm lược hiện nay "rất có thể xảy ra" - rồi thì mọi người bắt đầu nhận ra điều này đã thành sự thật.
 
Thông tin chính xác từ quy trình này là kết quả trực tiếp của những bài học trong gần 2 thập niên trước đây khi thông tinh tình báo được công khai trong cuộc chiến Iraq một cách bừa bãi và thiếu sự chuẩn bị. Vào năm 2003, trong bối cảnh các cáo buộc về chính trị hóa, uy tín của các điệp viên Mỹ và Anh đã bị tổn hại - đặc biệt sau khi thông tin tình báo bị sai.
 
Bóng ma Iraq vẫn còn ám ảnh các cuộc thảo luận về việc sử dụng thông tin tình báo công khai - thế nhưng Ukraine đã mang đến một cơ hội để đưa di sản này chìm vào quên lãng. Các quy trình mới đã được thiết lập đảm bảo thông tin bí mật trải qua một quy trình thẩm định nghiêm ngặt để giám sát việc sử dụng chúng.
 
 
Một số đồng minh khác cũng được thông báo. Nhưng nhiều người vẫn còn hoài nghi. Bởi vì nguồn thông tin tình báo không thể chia sẻ được, cho nên đôi khi khó khăn để vượt qua sự hoài nghi này, một quan chức cho biết.
 
Một số đối tác châu Âu cho rằng bảng phân tích từ việc Nga huy động binh sĩ không gì hơn ngoài sự lừa bịp. Sự ngờ vực về thông tin tình báo Anh-Mỹ cũng là di sản khác từ việc không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq. Pháp gần đây cũng đã sa thải người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự vì không tuân thủ điều đã được lên kế hoạch.
 
 
Điều quan ngại khi các điệp viên công khai tài liệu đó là chuyện này có thể tạo cảnh báo cho phía bên kia rằng họ đã bị rò rỉ thông tin và có thể sẽ đóng thông tin đó lại. Đó là lý do tại sao trong Thế chiến lần 2, Anh đã lưu giữ chặt chẽ thông tin mật về Bletchley Park. Và cũng có những tình huống khác kể từ cuộc chiến tranh Iraq khi thông tin tình báo được công khai, ví dụ như việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, tuy nhiên quy mô tại Ukraine lần này là chưa từng thấy.
 
Việc công bố bao gồm Anh Quốc chia sẻ thông tin về kế hoạch của Nga cài cắm các cá nhân thuộc một chính phủ bù nhìn tại Kyiv - và Washington tiết lộ các kế hoạch của Moscow lên kế hoạch tạo tiền đề chiến tranh, chiến dịch gọi là cờ giả, bao gồm những thi thể mà họ cáo buộc sai lệch đã bị Ukraine giết chết.
 
 
Các tình báo Mỹ và Anh đều tin rằng việc công bố tài liệu này đã tước mất khả năng biện minh cho cuộc xâm lược của Moscow trước người dân và các quốc gia khác như một động thái phòng vệ.
 
Một điệp viên nói rằng những ngày trước khi xảy ra cuộc xâm lược, ông chưa từng chứng kiến điều tương tự - đó là tài liệu tuyệt mật nằm trên bàn làm việc của ông và chỉ một ngày sau xuất hiện trước công chúng.
 
Thế nhưng việc đổ dồn công khai thông tin tình báo chưa từng có tiền lệ này đã không đủ để ngăn chặn cuộc xâm lược.
 
Thông tin công khai đã không ngăn cản được Moscow. Điều này có thể không bao giờ khả thi nhưng giới chức tin rằng có thể ngăn chặn kế hoạch của Nga. Điều này có nghĩa phản ứng của phương Tây đã nhanh chóng và đoàn kết hơn trước, các quan chức tình báo lập luận.
 
Họ cũng nói rằng các quốc gia cũng dễ đồng lòng thực thi các biện pháp cứng rắn hơn khi hình ảnh về kẻ xâm lược thật sự là rõ ràng và không bị tranh cãi.
 
Thông tin được công bố cũng được công bố sau khi cuộc xâm lược xảy ra thông qua bài phát biểu, tuyên bố và thông tin họp báo - người đứng đầu GCHQ nói cách đây một tuần rằng Putin đang không được giới chức cung cấp thông tin đầy đủ và cũng có những cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hóa học "cờ giả".
 
Và cũng có sự thừa nhận từ một thế giới mới theo đó thông tin tình báo nguồn mở như vậy - như hình ảnh và dữ liệu vệ tinh thương mại - đã khiến việc xác minh và hậu thuẫn các khẳng định khả thi hơn và rằng việc chiến đấu trong cuộc chiến thông tin - bao gồm thông qua thông tin tình báo - hiện nay mang tính sống còn, một phần chống lại những khẳng định từ phía Nga.
 
Ở một mức độ, nhiều thông tin tình báo là chính xác. Và cũng có, như dự báo, về một cuộc xâm lược toàn diện từ nhiều hướng với mục đích lật đổ và thay thế chính phủ của ông Zelensky.
 
 
Các điệp viên phương Tây cũng dự đoán chính xác Moscow đã đặt niềm tin sai lầm về sự đáp trả mà nước này có thể vấp phải. "Họ thật sự tin rằng sẽ có cờ vẫy chào mình," một quan chức tình báo phương Tây nói.
 
Thế nhưng một giả định đã sai - rằng quân đội Moscow sẽ thống lĩnh chỉ trong vài tuần. Thay vào đó, cuộc chiến tranh sẽ không diễn ra như nhiều người mong chờ, Ukraine đã thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng vượt trội trong khi Nga thì lại có màn phô diễn kém thế.
 
 
Đây là một lời nhắc nhở rằng thông tin tình báo cũng có giới hạn - đặc biệt trong việc dự đoán những mặt phức tạp của chiến tranh và sự bất định trong nhuệ khí và phản ứng của con người. Và đối với sự thành công trước chiến tranh thì các điệp viên phương Tây thừa nhận rằng thông tin tình báo không thể chắc chắn mách bảo cho họ điều gì sẽ xảy ra kế tiếp.
 
Gordon Corera
 
Chủ đề này đã được sửa đổi3 năm Trước đây bởiTrung Kien
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 13/04/2022 12:37 sáng
Chia sẻ: