Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

LIỆU TỔNG THỐNG PUTIN CÓ THỰC SỰ KHAI HỎA VŨ KHÍ HẠT NHÂN?

thanhliem
(@thanhliem)
Famed Member Admin

Tổng thống Mỹ: Can dự trực tiếp vào Ukraine sẽ gây ‘Thế chiến thứ ba’

***

LIỆU TỔNG THỐNG PUTIN CÓ THỰC SỰ KHAI HỎA VŨ KHÍ HẠT NHÂN?
 
Lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến nhiều người quan ngại, nhưng liệu có thực tế?
 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa được Nga phóng thử nghiệm trong năm 2020 (Ảnh: BQP Nga)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa được Nga phóng thử nghiệm trong năm 2020 

 

Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ dường như đã chấm dứt bằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân để khiến NATO không nhúng tay vào xung đột Ukraine lại làm sống dậy nỗi lo sợ từ mấy thập kỷ trước.

Lời đe dọa của ông Putin được đưa ra giữa lúc mà các thỏa thuận về vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ trang giữa hai siêu cường hạt nhân – vốn giúp bình ổn mối quan hệ chiến lược giữa họ suốt nhiều thập kỷ qua – đã suy giảm.

Cuộc chiến ở Ukraine tuy đã gây thêm căng thẳng nhưng không hẳn là một đòn chí mạng đối với hệ thống đã giúp cho cả thế giới tránh khỏi sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân. Hệ thống đó đã tiến hóa trong suốt nhiều thập kỷ, cho phép giới chức Mỹ và Nga kiểm soát được xem bên còn lại có đang chuẩn bị một đòn tấn công hay không.

Quan sát lẫn nhau

Các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân đều phải dựa vào trách nhiệm của mỗi siêu cường hạt nhân trong việc chia sẻ thông tin về các hệ thống phóng được triển khai – như tên lửa hoặc các máy bay ném bom có thể được sử dụng để triển khai các đầu đạn hạt nhân – và cho phép bên còn lại xác thực những thông tin đó.

Các hiệp ước này thường bao gồm hạn chế về số lượng vũ khí hạt nhân, và việc thực thi một hiệp ước thường là bắt đầu bằng việc mỗi bên tự công bố số lượng, địa điểm vũ khí hạt nhân. Và số lượng vũ khí hạt nhân được cập nhật hàng năm. Hai bên cũng thường xuyên thông báo cho nhau về những thay đổi đáng kể cho một cơ quan có tên Trung tâm Giảm thiểu Rủi ro Hạt nhân.

Một yếu tố quan trọng của tất cả các hiệp ước kiểm soát vũ trang là việc hai bên có khả năng sử dụng “các biện pháp kỹ thuật quốc gia”, như các vệ tinh, cùng với các kỹ thuật kiểm soát từ xa như các máy phát hiện phóng xạ, để kiểm soát việc thực thi hiệp ước của bên còn lại. Các kỹ thuật kiểm soát từ xa được thiết kế để phân biệt chi tiết từng trang thiết bị một, như tên lửa bị hạn chế theo hiệp ước, và đảm bảo rằng chúng không được sử dụng.

Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 đã đưa ra một điểm đổi mới đáng chú ý: Thị sát tại cơ sở. Trước khi có hiệp ước này, Liên Xô đã phản đối đề xuất của Mỹ về việc áp dụng quy trình xác nhận mới này. Nhưng đến khi Mikhail Gorbachev tăng cường chính sách minh bạch và cởi mở, ông ủng hộ việc thị sát tại cơ sở, và các hiệp ước sau INF bắt đầu có thêm các điều khoản tương tự.

Các điều khoản này bao gồm việc kiểm tra thường lệ có thông báo và một số đợt kiểm tra thường niên không thông báo để đảm bảo các bên không vi phạm hiệp ước.

Liệu Tổng thống Putin có thực sự khai hỏa vũ khí hạt nhân? ảnh 1

Các thanh sát viên Liên Xô kiểm tra 2 tên lửa Pershing II bị tháo rời trong năm 1989)

Lịch sử kiểm soát vũ khí hạt nhân

Các học giả an ninh quốc gia như Thomas Schelling và Morton Halperin đã phát triển khái niệm kiểm soát vũ trang vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960 ngay trong bối cảnh chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô.

Các biện pháp kiểm soát vũ trang được thiết kế sao cho tăng sự minh bạch và tính dễ đoán để tránh sự tính toán sai lầm hay cảnh báo sai, điều có thể dẫn tới một cuộc xung đột hạt nhân không mong muốn hoặc do tai nạn. Khi khái niệm này dần phát triển, mục tiêu của các biện pháp kiểm soát vũ trang là đảm bảo cho các bên phòng thủ có đủ khả năng đáp trả trước một đòn tấn công hạt nhân nhờ vào vũ khí hạt nhân của chính họ - điều này làm giảm động lực tham gia vào một cuộc chiến hạt nhân ngay từ ban đầu.

Hướng tiếp cận này nhận được sự ủng hộ sau Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, khi Liên Xô triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở vị trí cách Mỹ chưa đầy 100 dặm, đặt cả thế giới trước bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Liệu Tổng thống Putin có thực sự khai hỏa vũ khí hạt nhân? ảnh 2

Lãnh đạo Liên Xô, Mỹ ký INF tại Nhà Trắng vào ngày 8/12/1987 

Các thỏa thuận ban đầu bao gồm Thỏa thuận Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT 1) năm 1972, trong đó áp mức trần đối với số lượng vũ khí hạt nhân mà Mỹ và Liên Xô có thể sở hữu. Tiếp đó, Gorbachev đàm phán INF và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START I), từ đó làm giảm các lực lượng hạt nhân của hai bên.

INF là hiệp ước đầu tiên cấm toàn bộ một lớp vũ khí: tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km. Nó bao gồm các tên lửa Mỹ đủ khả năng phóng từ lãnh thổ của các đồng minh Mỹ ở châu Âu, Đông Á sang Nga; và ngược lại. START I thì áp dụng với các vũ khí hạt nhân chiến lược, như các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), phóng từ lãnh thổ của một siêu cường để tấn công bên còn lại.

Năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã ký hiệp ước New START, tăng cường hạn chế các lực lượng hạt nhân chiến lược của hai bên. Và đến năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm. Các hiệp ước này đã giúp giảm đáng kể số lượng vũ khí hạt nhân của hai bên.

Hệ thống già cỗi và những thách thức mới

Các cuộc thanh sát theo khuôn khổ của hiệp ước INF đã chấm dứt vào năm 2001, sau khi các loại tên lửa bị cấm đã bị gỡ bỏ.

Dưới thời chính quyền Obama và Donald Trump, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF khi phát triển, thử nghiệm và triển khai các tên lửa hành trình có tầm bắn vượt quá 500 km, một cáo buộc mà Nga bác bỏ.

Được NATO ủng hộ, chính quyền Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước này vào năm 2019. Kết quả là, các loại vũ khí chiến lược tầm xa là loại vũ khí hạt nhân duy nhất bị hạn chế trong các hiệp ước kiểm soát vũ trang. Trong khi, các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược tầm ngắn hơn – có tầm bắn dưới 500 km – không bị hạn chế bởi bất kỳ thỏa thuận nào. Điều này được xem là điểm bất lợi cho Mỹ và NATO, bởi Nga sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn họ.

Liệu Tổng thống Putin có thực sự khai hỏa vũ khí hạt nhân? ảnh 3

Tên lửa Iskander của Nga có thể phóng được cả đầu đạn truyền thống và hạt nhân 

Kiểm soát vũ trang cũng bị suy giảm theo nhiều cách khác. Nga theo đuổi một chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân đầy tham vọng, và một số hệ thống vũ khí chiến lược mới của họ nằm ngoài các hạn chế do New START quy ước. Trong khi đó, sự xuất hiện các cuộc tấn công mạng và vũ khí chống vệ tinh cũng được coi là những mối đe dọa mới đối với các hệ thống kiểm soát hạt nhân.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tên lửa siêu thanh có thể làm giảm thời gian cảnh báo trước khi một đòn tấn công hạt nhân xảy ra. Nga hiện đang triển khai nhiều loại tên lửa có thể mang theo cả đầu đạn truyền thống lẫn đầu đạn hạt nhân, càng gây thêm sự rối loạn.

Nga lo ngại rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, đặc biệt là các hệ thống được lắp đặt ở châu Âu, đe dọa tới sự ổn định chiến lược của họ bằng cách cho phép Mỹ thực hiện đòn tấn công hạt nhân phủ đầu và sau đó ngăn chặn hữu hiệu đòn tấn công hạt nhân đáp trả của Nga.

Trước khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, ông Biden và ông Putin đã khởi động Đối thoại Ổn định Chiến lược nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên và đặt nền móng cho các vòng đàm phán về việc thay thế New START trước khi nó hết hạn vào năm 2026. Nhưng cuộc đối thoại này đã bị hoãn, và chưa biết đến bao giờ mới có thể được nối lại.

Ông Putin làm tăng nhiệt – nhưng chưa đến điểm sôi

Những động thái mới đây của Tổng thống Putin càng làm lay chuyển cấu trúc an ninh chiến lược vốn đã lung lay. Trước khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, ông nói rằng “bất cứ ai cố gắng can thiệp vào…thì cần phải hiểu rằng phản ứng mà Nga đưa ra sẽ là tức thì và mang tới những hậu quả chưa từng được chứng kiến trong lịch sử” và rằng Nga sở hữu “những ưu thế nhất định xét về số lượng các loại vũ khí mới nhất.”

Trong lúc xung đột ở Ukraine diễn ra, ông Putin tuyên bố “tăng cường mức độ cảnh báo chiến đấu” của các lực lượng hạt nhân Nga, cấp độ cảnh báo được xem là bất thường nếu xét hệ thống của Nga, so với thang DEFCON của Mỹ.

Trên thực tế thì cảnh báo chiến đấu mà ông Putin ra lệnh phần lớn chỉ là tăng thêm đội ngũ làm việc ở các địa điểm đặt vũ khí hạt nhân. Tuyên bố này chủ yếu là nhằm cảnh báo NATO không can thiệp vào xung đột ở Ukraine, và cũng để đe dọa Ukraine.

Tuy nhiên, giới chức an ninh quốc gia Mỹ vẫn quan ngại rằng Nga có thể sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine nếu như lực lượng NATO bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Việc sử dụng những vũ khí như vậy là phù hợp với học thuyết quân sự “Leo thang để Giảm thang” của Nga, theo giới chức Mỹ.

Nhưng cho dù Nga có đưa ra cảnh báo đáng sợ, hay có nhiều quan ngại về việc Nga sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật, thì nền tảng kiểm soát vũ trang vẫn có thể bảo vệ được sự ổn định chiến lược ở mức độ nhất định.

Các tướng lĩnh phụ trách lực lượng hạt nhân của Mỹ đã chỉ trích động thái của Tổng thống Putin. Thế nhưng họ lại không có bằng chứng cho thấy ông Putin có những bước đi leo thang tình hình, như đặt các đầu đạn hạt nhân chiến lược lên máy bay hay tàu, hoặc chuyển chúng lên các tàu ngầm hạt nhân.

Đến nay, kiểm soát vũ trang vẫn đóng một vài trò nào đó trong việc hạn chế quy mô và mức độ bạo lực ở Ukraine, áp hạn mức cho một cuộc xung đột để nó không bị biến thành một cuộc thế chiến.

(Theo: Asia Times)

Chủ đề này đã được sửa đổi3 năm Trước đây bởiAdmin
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 14/03/2022 9:40 chiều
Chia sẻ: