Không muốn yên phận làm một người nông dân giỏi như mong muốn của cha, Chung Ju Yung có 4 lần bỏ nhà ra đi. Sau đó từ 1 con bò và 500 Won định mệnh ông đã trở thành một trong số người kinh doanh đáng nể nhất lịch sử doanh nghiệp châu Á.
Từ một chàng nông dân, Chung Ju Yung đã đương đầu với thử thách để biến những điều không thể thành có thể, cuộc đời ông quả thật như một bộ phim Hàn…
Con cả trong gia đình bần nông
“Ngay từ nhỏ, ngày nào cũng vậy, cứ đúng 4 giờ sáng là cha đánh thức tôi dậy và dẫn ra đồng. Ðến nơi thì mặt trời còn chưa ló dạng. Thế là tôi bắt đầu ngày làm ruộng vất vả ngoài đồng mà từ sớm đến tối chẳng lúc nào ngơi nghỉ.
Tuy lúc đó chỉ là cảm nhận của một đứa trẻ, nhưng tôi cũng phần nào hiểu được rằng nghề nông chẳng mang lại bao nhiêu lợi ích so với công sức cực nhọc phải bỏ ra. Nhiều lúc tôi thở dài tự hỏi, chẳng lẽ cả đời mình sẽ sống cuộc sống thế này sao?”
Đó là những dòng chia sẻ mà nhà sáng lập Hyundai Chung Ju Yung viết trong cuốn tự truyện “Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách” của mình.
Bốn lần bỏ nhà đi
Vì nhà nghèo nên từ nhỏ, cha của Chung Ju Yung chỉ cố gắng đào tạo con trở thành một người nông dân giỏi để đỡ đần gia đình, vì vậy nên ông không được học hành nhiều, nhưng nung nấu ý định ra ngoài kiếm tiền.
Lần thứ nhất năm 16 tuổi, Chung Ju Yung cùng bạn trốn nhà lên thành phố làm công nhân xây dựng với mức lương ít ỏi với khát vọng đổi đời. Dù lao động cực nhọc nhưng Chung Ju Yung khá thích thú khi được độc lập kiếm tiền và phát hiện ra niềm đam mê của mình là công nghệ dân dụng. Tuy nhiên khi mới chỉ làm được 2 tháng thì bị cha tìm thấy và lôi về.
Lần thứ 2 ông lại lên kế hoạch cùng bạn trốn nhà xuống miền nam, tới Seoul. Lần này, ông lại bị lừa hết tiền rồi bị cha lôi về lần nữa nhưng sự phồn hoa của Seoul trong chuyến đi ngắn ngủi đã kịp in dấu trong Chung Ju Yung, khiến ông càng nung nấu ý định rời quê hương để khởi nghiệp.
Lần thứ ba Chung Ju Yung lại trốn nhà lên Seoul. Thế nhưng chỉ 2 tháng sau đó, cha ông lại lên lôi con về.
Năm 18 tuổi, Chung Ju Yung lại quyết tâm bỏ làng lên thành phố một lần nữa. Tại Seoul, Chung Ju Yung xin làm chân chạy vặt và ship hàng ở một cửa hàng gạo.
Bán trộm con bò cơ nghiệp của bố
Trong lần thứ ba trốn nhà trước đó, Chung Ju Yung đã trộm lấy một con bò của cha, vốn là cơ nghiệp của nhà nông thời đó và bán làm lộ phí lên Seoul.
Suốt những ngày sau đó, ông đắn đo giữa một bên là trách nhiệm gia đình với một bên là khát vọng đổi đời mãnh liệt. Và khát vọng làm giàu đã chiến thắng, ông bỏ nhà lên Seoul lần thứ tư.
Khi làm cho một cửa hàng gạo, ông đã chăm chỉ làm ăn, ghi nhớ các mối hàng, tích cóp tiền cho kế hoạch của mình. Thời gian sau người chủ bị bệnh nặng không thể tiếp tục kinh doanh, ông mua lại cửa hàng và trở thành ông chủ ở tuổi 22.
Thế rồi, hành trình bôn ba khởi nghiệp nơi xứ người của chàng trai đầy nghị lực đã chính thức bắt đầu từ giây phút này.
Tờ 500 Won định mệnh
Khoảng năm 1940, chế độ phân phối gạo bị siết chặt, Chung Ju Yung không thể kinh doanh gạo được nữa, phải chuyển sang mở gara sửa xe.
Đến năm 1946, ông mở lại doanh nghiệp sửa xe và đặt tên là Huyndai (có nghĩa là hiện đại). Cũng từ đây, công ty của Chung Ju Yung nhanh chóng phát triển.
Đầu thập niên 1970, Hyundai bành trướng mạnh, bắt tay thành lập công nghiệp đóng tàu nhưng gặp phải trở ngại lớn về tài chính. Lúc này, Chung Ju Yung đến nhiều ngân hàng quốc tế để vay vốn nhưng đều bị từ chối. Không nản lòng, ông quyết định sang Anh, vào ngân hàng Barclays tại Luân Đôn và rút ra tờ 500 won.
Tờ tiền này in hình một chiếc tàu mà người Triều Tiên từng đóng vào thế kỷ 16, 300 năm trước khi người Anh cho ra đời con tàu sắt đầu tiên của họ. Ông nhấn mạnh rằng người Hàn Quốc cũng có khả năng đóng tàu. Vậy là với tờ 500 won, Chung Ju Yung đã được vay 50 triệu USD từ ngân hàng Barclays như thế.
Người giàu nhất Hàn Quốc và đế chế Hyundai nổi tiếng thế giới
Năm 1975, Chính phủ Hàn Quốc ra lệnh tất cả dầu nhập từ Trung Ðông phải được chở bằng tàu dầu Hàn Quốc. Nhờ vậy, cuối thập niên 1980, Hyundai đã trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới.
Không dừng lại ở đó, Hyundai của Chung Ju Yung còn liên tục mở rộng sang các ngành đóng tàu, xe hơi, điện tử…và dành nhiều thành công đáng kinh ngạc. Trong đó có Hyundai Electronics – nơi không đầy 10 năm sau trở thành nhà sản xuất chip vi tính thứ nhì thế giới.
Trước thời điểm xảy ra vụ đại khủng hoảng tài chính châu Á 1997, doanh số hàng năm Hyundai đã vượt hơn 90 tỷ USD. Riêng Chung Ju Yung với gia sản 6 tỷ USD đã trở thành người giàu nhất Hàn Quốc.
Vậy là từ những thất bại cay đắng nhất thời trai trẻ, Chung Ju Yung đã vươn lên, đương đầu với thử thách để biến những điều không thể thành có thể.
Những năm tháng của tuổi thơ ấu, chẳng ai có thể ngờ được rằng cậu bé từng không một xu dính túi, mấy lần trốn chạy khỏi gia đình để tìm cơ hội đổi đời nhưng thất bại một ngày lại trở thành ông trùm gã khổng lồ trong nền kinh tế Hàn Quốc.
Sau mọi nỗ lực và những quả ngọt thu về, Chung Ju Yung đã phần nào giúp Đại Hàn Dân Quốc sánh vai với các cường quốc trên thế giới và trở thành hình mẫu kinh điển cho mọi doanh nhân thế giới.
Thái An