Thông báo
Làm sạch tất cả
Ở Mỹ, đi xin việc làm, nếu vào thấy có ứng viên tốt nghiệp trường West Point cùng tham gia thì thôi coi như mình cầm chắc rớt, đi về cho nhanh, khỏi phỏng vấn nữa. Rất đông các CEO của các tập đoàn ở Mỹ tốt nghiệp trường West Point, tỷ lệ CEO trên sinh viên tốt nghiệp (nhớ là tỷ lệ nhé) cao hơn Harvard, Stanford hay Yale…
Ở Mỹ, nghe nói ai từng học ở West Point, người ta sẽ nhìn người đó từ trên xuống dưới, như một thực thể lạ, một con người hoàn hảo, không xếp hạng được vì nó không có tiêu chuẩn để xếp.
Vậy West Point là trường gì?
Đó chính là học viện quân sự Hoa Kỳ.
Điều khá lạ là mặc dù là học viện quân sự, nhưng lại cung cấp các quản trị cao cấp cho nền kinh tế Mỹ và thế giới. Sau 5 năm bắt buộc phải phục vụ trong quân đội, phần lớn họ rời bỏ binh nghiệp, học thêm một MBA rồi đi làm cho các tập đoàn. Rồi thăng tiến rất nhanh. Ở West Point, có một slogan là cứ đưa cho tôi một người không phải tâm thần, tôi đều có thể đào tạo thành 1 công dân ưu tú.
Mỗi năm West Point chỉ tuyển khoảng 1300 người. Và trong 4 năm học, bắt buộc phải loại thải 10%/năm. Tức năm cuối chỉ còn dưới 1000 người ra trường. Chương trình học từ thiên văn vũ trụ đến cách bắt tay, cách uống rượu vẫn tỉnh táo, cách gấp mùng mền chiếu gối đến tranh luận các tác phẩm của Victor Hugo. Trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, giữa thấu nhân tâm.
Tôi quen với anh bạn, tốt nghiệp trường WP và đang làm sếp một công ty đa quốc gia ở Singapore, mỗi lần gặp, ảnh kể về trường WP với một thái độ tự hào, mình nghe mà say mê, chiếc nhẫn biểu tượng của cựu sinh viên WP trên tay anh lấp lánh.
Anh kể, sinh viên vừa vào trường đã phải bị khủng bố tinh thần. Quan niệm là trụng nước sôi 100 độ rồi đem qua trụng nước đá. Nên sau này, dù có sự khó khăn gì trong đời, họ cũng cảm thấy bình thường, chẳng xi nhê gì. Đầu tiên là họ nhốt sinh viên từng tốp vào trong phòng, sau đó 2h sau thì thả ra, yêu cầu trả lời các câu hỏi như :có bao nhiêu bóng đèn trong phòng, bàn ghế màu gì, lúc vào mấy giờ mấy phút, lúc ra mấy giờ mấy phút, người ngồi bên trái bạn có đeo đồng hồ không, người bên phải tên gì…. Trả lời không được là tự động cuốn gói về nhà.
Bài học đầu tiên về ÓC QUAN SÁT, cái quan trọng nhất của một nhà quản trị tài ba. Và bài học tương tự như vậy. Sau này, ảnh đem các bài học này chế biến lại thành tài liệu dạy sinh viên các đại học khác hay nhân viên thực tập cho tập đoàn, cứ một đứa “đoạt giải nhất ngáo ngơ toàn quốc” vào mà chịu học, 6 tháng sau thì lột xác thành một người mới hoàn toàn, thành Steve Job luôn.
Rõ ràng việc đào tạo rất quan trọng với người trẻ. Nếu chịu khó và có phương pháp đào tạo đúng, ngây ngô vẫn trở thành xuất sắc, vì chúng ta giỏi lắm chỉ sử dụng có 1/10 khả năng của bộ não. Giáo dục Mỹ nói chung là kỹ, vì họ đào tạo là cho nước Mỹ có thể sử dụng, không phải chỉ với mục đích xuất cảng giáo dục như một số nước khác. Nên với sinh viên ngoại quốc, đầu vào cũng rất khó, phải vượt qua các kỳ thi như Toefl, SAT, GMAT, GRE…tuỳ theo cấp và ngành, còn trường nào không kiểm tra đầu vào, thì trường đó hoặc là diploma mill, hoặc không ai biết tới.
Họ cho rằng, việc học viên có được các chứng chỉ này thể hiện sự nghiêm túc trong việc theo đuổi học thuật. Thật ra, các kỳ thi này, so với khả năng của sinh viên , thì chẳng là gì, vì để vào đại học , kiến thức còn khổng lồ hơn nhiều, khó hơn nhiều. Cũng vì là đào tạo để nước Mỹ có thể sử dụng, nên thời gian cũng lâu hơn, như MBA cũng phải mất 3 năm….so với 12 hay 18 tháng ở một số nước.
Trở lại học viện WP lừng danh bên bờ sông Hudson, cách không xa New York, đây là ước mơ của mọi ông bố khi có đứa con ra đời, và muốn nó ” đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Đào tạo trở thành công dân có ích, giỏi giang, để thoả chí tang bồng hồ thỉ, vùng vẫy giữa đất trời.
Khi 18-30 tuổi, trong lúc đám ngây ngô kia đốt tuổi trẻ trong các quán bar, các quán cà phê, vũ trường, rũ rượi xoã tóc đi ra đi vô vì không biết làm gì, suốt ngày chit chat nhăng cuội, ngủ nhiều hơn học và làm nên đầu óc u u mê mê, nông cạn, cái gì cũng làm biếng, cũng lười…thì các bạn này đã phải vất vả đầu tư trí lực và thể lực. Thư viện West Point mở 24/24, ở đó người ta thấy những cái đầu cắm cúi ghi ghi chép chép, những cuốn sách dày cộm phải đọc xong trong một vài ngày. Đọc nhanh và rất nhanh, để sau này đi làm, giấy tờ công văn, đọc nhanh để phúc đáp, chứ thể loại thấy chữ nhiều đọc nhức mắt, thì thôi khỏi tuyển dụng. Nếu đánh vần 1 công văn đọc xong mất hết cả ngày, năng suất lao động sẽ kém. Trí thức là phải đọc nhanh để làm việc giỏi, mà muốn đọc nhanh thì phải tập luyện.
Kỹ năng thuyết trình, thuyết pháp sao cho người khác nghe mà rụng rời tay chân nằm trong chương trình học. Những bức tường ở WP luôn đông nghẹt học viên đứng nhìn vào đó, tập nói với bức tường, thu âm, nghe đi nghe lại, nói đi nói lại sao cho hay mới thôi. Dưới trời tuyết lạnh khủng khiếp, họ phải lăn lê bò trườn để tập thể lực. 5h sáng là kẻng đánh thức dậy, tập thể lực bằng các bài tập với cường độ nặng của vận động viên nhà nghề. Tập bơi, đứng nước 5h, ai đuối quá thì vớt lên, coi như rớt. Rồi tập vượt mọi địa hình. Rèn luyện thể lực sao cho mọi điều kiện thời tiết đều phải thích nghi, nóng 45 độ ở châu Phi hay âm 20 độ ở Alaska đều chịu được. Kỹ năng tồn tại và óc sáng tạo được chú ý đào tạo kỹ. Những lần trong đêm tối, họ bị thả giữa rừng, và tìm cách về lại trường bằng mọi khả năng có thể, nhìn các vì sao trên trời đoán hướng, tìm thức ăn, dựng lều. Kiến thức lãnh đạo phải có và phải nhớ vanh vách. Và có khi đang ngủ say giấc, 2h sáng bị đánh thức dậy để kiểm tra, với các câu hỏi như 10 vị tướng giỏi nhất mọi thời đại là ai, nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ viết lại lịch sử của Waterloo như thế nào…. Không trả lời được, phải đứng ngoài hành lang cả đêm để suy nghĩ.
Đào tạo để mỗi WPer có được dáng vóc của một người mẫu, sức khoẻ của một vận động viên Olympic, trí tuệ của một học giả, ăn nói như một thuyết gia, cư xử như một chuyên gia tâm lý….
Khi về già, họ thành lập các hội WPer alumni, đi câu cá bên bờ biển Caribe, đi ngắm hoàng hôn ở Bali, thong dong tự tại, phong lưu tuyệt đỉnh, vì ai cũng có một tuổi trẻ học và làm như điên. Còn có những người đàn ông trên đời, về già rồi, mà vẫn cứ vật lộn mưu sinh, xin tiền vợ, xin tiền con cái, thì cũng có thể họ kém may mắn, nhưng cũng có thể họ đã lãng phí tuổi trẻ một cách vô bổ trong các trò trai gái, ăn chơi đàn đúm, xài tiền của cha mẹ, hay đơn giản là lười nhớt thây. Làm biếng thì sau này phải khổ, thế thôi. Trách ai!
Nhìn các học viên WP đánh đàn, nhảy, khiêu vũ, võ thuật, hát, ảo thuật, thám hiểm, vẽ…hay thậm chí tỉ mỉ ngồi cắt tỉa giấy để rèn luyện đôi tay khéo léo, bạn sẽ thấy mình sẽ phải cố gắng thật nhiều. Một ngày chỉ có 24h, là công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta phải ngủ 6-8 tiếng, ai cũng chỉ còn 16h trong ngày, nên phải chia ra, làm gì, học gì trong quỹ thời gian ít ỏi đó. Một WPer nếu sáng sớm không nộp được bảng mô tả công việc trong ngày (daily to-do list) cho bạn trưởng nhóm, thì coi như nắm chắc suất cuốn gói về quê. Không có chuyện ngủ dậy và ngày đó không biết mình phải làm gì.
Sinh viên người Việt ở West Point khá đông, nhưng đều là Mỹ gốc Việt, nữ nhiều hơn nam. Du học sinh quốc tế ở WP một năm chỉ vài ba chục người, vì đầu vào khó quá. Con trai cả của thủ tướng Cambodia Hun Sen cũng tốt nghiệp trường này. Chúng ta mà nhìn thấy cậu này, không mê thì thôi. Sáng ngời từ ngoại quan đến nhân cách, mạnh mẽ nam tính và thông tuệ, quý phái từ cốt cách đến tinh thần, một nụ cười cũng chứa sự bao dung.
Sự tranh chấp đền Preah vihear với Thái Lan, hai bên quyết không bên nào chịu nhường bên nào, thậm chí đã vang lên tiếng súng. Trước tình hình cấp bách đó, anh ta nhận nhiệm vụ của tổ quốc và lên đường đi đàm phán với người Thái. Và chỉ với ánh mắt ấm áp và vài câu nói sắc sảo theo phong cách West Point, bên Thái Lan phải xin lỗi và rút quân, nhường lại ngôi đền này cho quê hương Cambodia của anh…
(Sưu tầm)
Chủ đề này đã được sửa đổi3 năm Trước đây bởiTrung Chanh
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 21/03/2022 1:16 sáng