Thông báo
Làm sạch tất cả
Một hình ảnh rất khó tin xảy ra trên đường sá Việt Nam nhưng lại quá bình thường ở Lào: hai chiếc xế hộp mới cáu qua đường sơ ý phang nhau cái rầm. Hai tài xế bình thản tháo dây đai, cùng vào lề đường ngồi nói chuyện trong hòa bình! Họ còn vui vẻ gọi Coca-Cola cho nhau uống như bạn bè và chờ cảnh sát, bảo hiểm đến làm việc… Mấy lần trước qua Lào, tôi đã nghe nhiều chuyện về văn hóa lái xe hiền lành ở nước họ, nhưng chưa có đủ thời gian để trải nghiệm tường tận. Chuyến này đi hơn chục ngày, lại có việc phải rong ruổi suốt trên đường, nên có chút điều kiện để hiểu được phần nào tâm tính của những tay lái ở xứ sở Phật giáo. Họ sống thoải mái với triết lý “cuộc đời ngắn ngủi, chẳng biết ra sao ngày mai” nhưng lái xe lại cực kỳ cẩn thận và thân ái với nhau. Văn hóa này khác hẳn với các quái xế đất Việt, thậm chí các công dân cổ cồn trông có vẻ rất “trí thức” vẫn sẵn sàng cắm đầu cắm cổ tranh nhau từng mét đường, chẳng sợ sống chết và cũng chẳng ngại… đấm nhau.
Đụng nhau… thành bạn!
Một buổi sáng đầu tháng 4, tôi rảo bộ trên đường phố thủ đô Vientiane tìm mua card điện thoại quốc tế. Chuẩn bị vào giờ học, đường phố đông đúc học sinh vui vẻ đến trường. Bất ngờ một chiếc ôtô bảy chỗ đánh gấp tay lái sang trái tránh hai nữ sinh đột ngột sang đường. Chiếc xe bán tải đi chiều bên phải không thắng kịp, thế là hai chiếc đụng nhau cái rầm. Do tốc độ trên phố không cao, tài xế cũng cài dây an toàn nên họ bình an vô sự bước xuống. Cả hai vội vã nhìn đầu xe đã vỡ đèn, móp méo, cong cả cản trước… Theo phản xạ, trong đầu tôi nghĩ ngay đến một cuộc thư hùng “đẫm máu và nước mắt” như vẫn thường thấy ở đâu đó. Nhưng không. Họ bình thản bước vào lề đường, móc điện thoại gọi cho công ty bảo hiểm, cảnh sát và cùng nhau ngồi đợi.
Trời Vientiane mùa này như đổ lửa với nhiệt độ 39-40 độ C. Họ mua Coca-Cola mời nhau uống rồi trò chuyện tự nhiên như bạn bè đã thân thiết nhiều năm. Ấn tượng đập vào mắt mạnh đến nỗi tôi không thể rời chân mà cố đợi xem đoạn kết thế nào. Chưa đầy 15 phút sau cảnh sát giao thông đã có mặt, rồi nhân viên bảo hiểm cũng đến. Không có người chết hay ai bị thương nên thủ tục khám nghiệm hiện trường tai nạn chỉ thoáng chốc đã xong. Hai anh tài xế cười tươi, quay sang… bắt tay chào nhau rồi tiếp tục lên xe, đường ai nấy đi.
Tôi ngỡ ngàng nhìn theo, thầm nghĩ những tai nạn đến hư hỏng xế hộp này mà xảy ra ở Việt Nam thì phần lớn là rách việc. Nếu tài xế không lao vào đấm nhau thì ít nhất cũng có lắm lời chửi thề văng mạng được tung ra hỗn loạn trên phố. Rồi người qua đường hiếu kỳ đứng lại xem “phim hành động bạo lực” và kế tiếp là kẹt xe, tiếng còi, tiếng người phàn nàn, la lối um sùm.
Trong một vụ tai nạn khác tôi không chứng kiến, nhưng được chính chứng nhân trong cuộc là anh Trần Văn Tài – người Việt, làm nghề buôn bán nhỏ đã chín năm ở cố đô Luangprabang – kể: Vài tháng trước, sau một buổi chiêu đãi bạn bè từ Nghệ An sang chơi, anh đã say nhưng vẫn cố lái xe về nhà. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa ngủ, Tài đã lao thẳng chiếc xe bán tải của mình vào một nhà dân bên đường. Cú đâm chính diện làm vỡ toang cửa gỗ, rồi làm sập thêm một lớp tường gạch và hất văng chiếc giường ngủ nằm sâu bên trong phòng. Tuy lao vào đến giường, chiếc xe đã giảm tốc độ vì các chướng ngại vật nhưng vẫn làm người đàn ông ngủ trên đó văng xuống đất sây sát nhiều chỗ.
“Gần sáng, khi tôi mở mắt ra thì thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Bên cạnh người nhà ngồi ở đầu giường còn có một người đàn ông lạ đầy vết xây xước trên mặt và cánh tay. Hỏi ra mới hay đó chính là người bị tôi cho “đo ván” khi tự đâm xe vào nhà ông ta” – anh kể.
Đến giờ, anh Tài vẫn xúc động kể chính nạn nhân này lại là ân nhân của mình. Khi xe tông vào ngôi nhà, anh bất tỉnh ngay. Nạn nhân bị thương, nhưng thấy người lái xe bị nặng hơn mình nên cố đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Rồi người này còn tìm số điện thoại trên máy của Tài để gọi thân nhân tới hỗ trợ. “Nếu ông ta cứ bỏ mặc tôi nằm đấy mà chờ cảnh sát tới giải quyết, không biết hậu quả với tôi sẽ thế nào rồi” – Tài nhớ lại.
Ra viện, Tài và phía bảo hiểm đền bù đầy đủ cho nạn nhân sửa lại ngôi nhà, sau đó hai người trở thành bạn bè thân thiết. Trước khi qua Lào mưu sinh, Tài đã có gần mười năm đi buôn đường dài ở Việt Nam, từng gặp nhiều tai nạn bất ngờ trên đường. Anh kể, có lần đã phải chạy vào đồn cảnh sát để khỏi bị hành hung dù người cầm gạch đuổi đánh mình lại chính là tài xế gây tai nạn.
“So sánh khập khiễng những chuyện này cũng hơi kỳ, nhưng quả thật tôi biết ơn người chủ nhà Lào vô cùng. Nếu gặp người nóng tính, tôi không bị mất mạng vì tai nạn tự mình gây ra thì cũng bị hành hung rồi” – Tài tâm sự với thái độ đầy biết ơn.
Cư xử thân ái
Anh Chế Quang Long, đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Vientiane, kể: “Sang đây từ năm 2009, suốt bảy năm trời tôi trực tiếp cầm lái di chuyển trên đường nhiều hơn ngồi ghế văn phòng. Kinh tế Lào phát triển, ôtô bây giờ đã nhiều hơn xe máy.
Giờ cao điểm đi học, đi làm, đường phố thủ đô cũng bị kẹt không khác gì ở Việt Nam. Nhưng thật sự tôi chưa bao giờ thấy một vụ tai nạn nào dẫn đến ẩu đả, đánh nhau tơi bời, náo loạn. Hầu hết họ đều có thái độ rất nhẹ nhàng, chờ đợi sự phán xét đúng sai của công quyền và giải quyết thiệt hại bởi công ty bảo hiểm.
Anh Long còn nhắc tôi hãy để ý xem có tài xế Lào nào cố tình đi lấn làn đường không, mặc dù bóng dáng cảnh sát giao thông hay camera giám sát là cực kỳ hiếm bên Lào.
Thi thoảng có ai chạy lấn đường một chút thì chắc chắn là người mới mua xe, còn đang tập tành cầm lái hoặc tài xế nước khác mới sang. Một hình ảnh văn hóa giao thông khác trên đường phố Lào là hầu như không nghe thấy tiếng còi xe. Tôi ở đây suốt chục ngày cũng rất hiếm nghe tiếng còi nào.
Người bạn đồng hành nhiều chuyến đi với tôi là giáo sư Soulyphan Tha Kanni, Trường đại học Quốc gia Lào, đã chia sẻ rất nhiều chuyện xe cộ xứ mình.
Từng học ở Hà Nội, xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình và trực tiếp cầm lái nên ông đồng cảm với những suy nghĩ của tôi: “Người Lào theo Phật giáo, quan niệm cuộc đời là vô thường, nên họ sống theo lẽ thoải mái của tự nhiên. Gần đây, tốc độ phát triển ôtô ở Lào nhanh hơn cả xe máy nhưng không có nghĩa là lái xe phô trương, bừa bãi, góp phần làm tăng tai nạn giao thông”.
Với sở học và sự trải nghiệm của mình, vị giáo sư này quan niệm nhân quả của Phật giáo khiến dân Lào xem ai đó phía trước mũi xe có thể là cha mẹ hay vợ chồng, con cái của mình ở kiếp trước hoặc kiếp sau này nên họ lái xe rất cẩn thận. Nếu hiếm hoi xảy ra tai nạn, họ cũng hóa giải thành nhẹ nhàng, cư xử nhân ái cho nhau với tâm niệm rằng đó là chuyện chẳng ai muốn.
Những ngày ở đất Lào, tôi đã được cả tài xế Việt lẫn người bản địa chở rong ruổi trên nhiều nẻo đường xuyên đất nước này. Chuyện kể hay dở thế nào cũng không thể bằng trải nghiệm tận mắt.
Anh Khăm Sak, người chở tôi, đã kiên nhẫn dừng xe chờ các học sinh qua đường hết mới đi tới. Tuổi thơ hiếu động, các em chạy qua chạy lại, lượn lách tốp năm tốp ba nhưng Khăm Sak vẫn chỉ bình thản, tươi cười nhìn. Khi tôi hỏi tại sao Khăm Sak không dùng còi để các em tránh đường? Anh nhẹ nhàng trả lời: “Mình chậm lại một chút có sao đâu. Bấm còi tội các cháu mà cũng ảnh hưởng cả những người khác”.
“Ở lâu rồi cũng đầm dần xuống như người Lào thôi. Bởi ở đây mọi người đều hiền thì mình dữ được với ai” – anh Long cười triết lý chuyện sau tay lái…
Nước Lào rộng 236.800km, dân số khoảng 6,6 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 8% năm. Theo Ngân hàng Thế giới, Lào hiện có gần 1 triệu ôtô, tức cứ bảy người dân Lào thì một người có xe. Đặc biệt, số lượng này tiếp tục gia tăng với khoảng 30.000 xe mỗi năm. Nó rất ấn tượng nếu so với thu nhập đầu người Lào mới chỉ hơn 1.700 USD (riêng ở các thành phố lớn như Vientiane, Luangprabang đạt hơn 3.000 USD).
Người ta cho rằng nhiều người Lào có ôtô nhờ thuế suất nước này rất thấp. Gần đây Chính phủ Lào tăng thuế ôtô, nhưng giá xe hiện vẫn rẻ hơn hẳn Việt Nam trong khi chất lượng xe tốt hơn do nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Nếu như mật độ xe trên các quốc lộ Lào vẫn rất thông thoáng thì tình trạng quá tải ôtô giờ cao điểm đã xảy ra ở các thành phố lớn của Lào, nhưng chỉ làm chậm tốc độ chứ không dẫn đến kẹt đường trầm trọng. Bởi người Lào tuân thủ luật giao thông, họ kiên nhẫn nối đuôi chờ xe trước chứ không lấn làn, tranh đường dẫn đến kẹt xe.
Người Lào cho rằng người tham gia giao thông gây tai nạn là điều hổ thẹn, xấu hổ và cũng không có những người dân hiếu kỳ nào tập trung tìm hiểu nguyên nhân, gây nên cảnh ùn tắc.
(Sưu tầm)
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 09/05/2022 3:22 sáng