Đường vào lăng mộ Nguyễn Bá Thanh.
Vài ngày trước, trên đường đi về thăm quê vợ của thằng bạn, ở Điện Bàn, Quảng Nam, xe xuất phát từ ngã ba Huế. Đến tỉnh lộ 605 thì quẹo phải, hướng Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng, đi ngang khu lăng mộ ông Nguyễn Bá Thanh, nên tôi nói dừng lại. Bạn tôi ngạc nhiên hỏi: “Mày vào thắp hương à?!”. Tôi trả lời bạn rằng: “Tao có thể thành kính thắp hương cho một ngôi mộ vô chủ ven đường, nhưng quan chức trong thời đại này thì không”. Từ đường tỉnh lộ 605, quẹo phải đi vào tầm 300 mét, là đến lăng mộ Bá Thanh, nằm bên phải mặt tiền đường. Đập vào mắt chúng ta là cái cổng khu lăng mộ đồ sộ nguy nga, đá làm cổng là loại đá con ong, có thể được đưa từ Tây Ninh về, còn những cánh cổng bằng gỗ, điêu khắc cầu kỳ.
Để dễ hình dung, mức độ rộng lớn, tôi không ghi hình cái cổng, mà chụp từ phía sau ngôi mộ, phần mặt tiền đường, như bức hình, mới thấy dài tít tắp.
Quả thật chỉ bằng với lăng mộ này, đã phổ quát câu đồng dao của những người dân Đà Nẵng hiểu chuyện: “Con cá dưới nước, con chim trên trời cũng của Bá Thanh”.
Đương nhiên những người hiểu chuyện, đều biết rằng, đến tận khi chết đi, người ta vẫn còn cướp đất của hàng trăm ngôi mộ, buộc phải di dời đi nơi khác, đặng chôn cất, xây lăng tẩm này. Trong khi đó, khu nghĩa địa này vẫn còn nhiều nơi trống, vấn đề là phải xây lăng mộ ở mặt tiền đường chăng? Cho dù lý do nào, thì cũng quá bất nhân.
Những bất nhân của đời cha, đã có quả ngay trong đời này đó thôi. Người ta nói rằng, ngày ấy, Bá Cảnh là người con trai duy nhất Bá Thanh, khi cha chết, vẫn còn lắc lư trong tiếng nhạc quay cuồng. Nhưng chút tỉnh táo còn sót lại, vẫn biết ngửa tay xin tiền xây mộ phần cho cha, đến 9 tỷ đồng, từ một tập đoàn từng phá nát Sơn Trà, mà Bá Thanh có công giúp họ, khi còn đương nhiệm. Sau đó, Bá Cảnh phó mặc cho họ làm, mà không cần quan tâm người vừa nằm xuống là ai? Nhân quả đến ngay đời này.
Thật ra, có quá nhiều kẻ độc ác, bởi quyền lực, tiền bạc khiến họ như con thiêu thân nhảy vào ánh đèn. Thành thử họ không quan tâm đến nhân quả – một việc tất yếu sẽ xảy ra, vấn đề thời gian thôi. Mà nếu liệt kê ra hết, thì bút mực nào cho xuể. Như một Trần Bắc Hà khiến bao quan chức ở Bình Định sợ sệt, khúm núm. Nhưng cuối đời, mạng bỏ trong tù, còn gia đình ly tán, tội tù khắp nơi, không còn một nẻo về.
Hay như cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, khi vừa về hưu mới đây, thì vợ dẫn trai về ở ngay trong ngôi biệt phủ, mà đất đai và tiền bạc xây thành, hẳn không cần nói ra, chúng ta đều ngầm hiểu, là từ đâu mà có. Lúc này, Trần Ngọc Căng, mới buồn đời, lên sống ở một tỉnh thuộc Cao nguyên Trung phần, như cách xa rời sự ô nhục vậy.
Nhưng, nhân quả thì có chạy trốn khắp bầu trời, vẫn khó thoát. Đến Lâm Đồng, trong một lần đi ăn sáng, vị cựu chủ tịch gặp lại những đồng bào Quảng Ngãi, mà họ đã mất đất bởi Ngọc Căng. Thế là giống như câu chuyện vị cựu quan chức ở Gia Lai, được đồng bào ta ụp hẳn tô phở lên đầu.
Những ngày cuối năm, ngồi nhớ lan man, viết ra như thể dặn chính mình, và mấy đứa quan chức, thôi hãy bơn bớt ác lại một chút, đừng ngấu nghiến xương máu đồng loại nữa. Kiếp nhân sinh ngắn lắm, nhưng tiếng rủa nguyền còn mãi theo tháng năm.
Đàm Ngọc Tuyên