Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CANADA

Huu Danh
(@huu-danh)
Thành Viên

 

 

1/ Thổ Dân Canada.

Nhóm người đầu tiên đặt chân lên đất Canada là sắc dân du mục từ miền Siberia, băng qua eo biển Bering, tới các miền hoang vu Alaska và Yukon vào khoảng 20 tới 40 ngàn năm về trước. Nhóm thổ dân này có tên là Inuit đã sinh sống bằng nghề săn bắn, câu cá và sống trong các chòi tròn làm bằng nước đá gọi là igloo.
 
Thổ dân Inuit đang xây chòi nước đá igloo để ở
 
Tại miền bờ biển phía tây có các nhóm dân da đó khác nhau: Kwakiutl, Bella Coola, Nootka, Haidas và Tlingit. Họ sống nhờ hải sản, biết dùng cây rừng làm nhà, dùng lông thú làm quần áo rồi về sau làm phát triển ngành buôn lông thú. Thổ dân Nootka nổi tiếng về nghề săn cá voi và làm ra các sản phẩm từ loại cá đó. Thổ dân Haidas đã chế tạo ra được các con suồng đục từ khối gỗ, có thứ dài tới 20 mét.
 
Các thổ dân da đỏ ở Canada


Các thổ dân thuộc miền đồng bằng như các bộ lạc Blackfoot, Sarcee và Assiniboine chuyên săn thú vật, đặc biệt là loại trâu rừng (buffalo). Các bộ lạc Huron của miền rừng phía đông (Eastern Woodlands) chuyên về trồng bắp, đậu... và đặc biệt là trồng hoa. Họ biết tận dụng môi trường và yêu hòa bình.
 
Trái với nhóm dân kể trên là thổ dân Iroquois hiếu chiến. Họ tin tưởng các thần linh thuộc về 2 loại thiện và ác và trong thế gian luôn luôn xẩy ra sự xung đột giữa hai đối nghịch kể trên. Người Iroquois đã tổ chức được một loại liên hiệp các bộ lạc vào lúc người châu Âu bắt đầu biết tới miền Bắc Mỹ.
 

2/ Các Người Châu Âu Đầu Tiên.

Những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên đất Canada có lẽ là người Viking. Họ từ Na Uy (Norway) tới xứ Iceland rồi định cư tại miền Greenland. Một nhà hàng hải của sắc dân này tên là Bjarne Herjolfsen đã nhìn thấy Bắc Mỹ và đã kể về một miền đất chưa được biết này. 
 
Vào khoảng năm 1,000, con trai của “Eric the Red” tên là Lief đã khám phá ra đảo Baffin, Labrador và có lẽ cả Newfoundland. Sau đó còn có người anh em của Lief là Thorvald cũng đã tới Bắc Mỹ và chuyện còn kể rằng người con gái không chính thức của “Eric the Red” cũng đã từng bị tấn công bởi thổ dân địa phương mà có thể là giống người Algonquins.
 
Sang thế kỷ 15, giấc mộng của các vua chúa và thương nhân châu Âu là tìm ra một con đường băng qua Đại Tây Dương để tới châu Á là nơi có nhiều hương liệu, vàng ngọc và tơ lụa. Vào thời đó, người Ả Rập và người Ý đã kiểm soát các con đường từ châu Âu dẫn tới các chợ của miền Trung Đông trong khi nước Pháp, Tây Ban Nha và sau này là nước Anh đang thèm muốn những sản phẩm hiếm có của Đông Phương. Đại Tây Dương thời đó được gọi là “Biển Đen Tối” (the Sea of Darkness), đã là một trở ngại lớn đối với các nhà mạo hiểm nhưng sau nhờ kỹ thuật đóng tầu biển được cải tiến, các nhà hàng hải thấy cơ hội vượt biển về phía tây đã đến.
 
Nhà thám hiểm đầu tiên khám phá ra Canada là John Cabot. Đây là một nhà hàng hải gốc Ý, giàu lòng mạo hiểm. Năm 1496, Cabot đã thuyết phục được Vua Henry VII nước Anh, trợ cấp cho ông ta để đi tìm các vùng đất mới cùng với vàng ngọc rồi nhận về cho nước Anh. 
 
Ngày thứ Ba, 02 tháng 5 năm 1497, Cabot đã lên con tầu Matthew cùng với 18 thủy thủ và đi về hướng tây. Sau 52 ngày lênh đênh trên biển cả, Cabot đã nhìn thấy đảo Cap Breton và đã lên bờ vào ngày 24 tháng 6, cắm lá cờ Anh và nhận miền đất này là lãnh thổ của Vua Henry VII. Cabot đã tưởng đây là miền đông bắc của châu Á, đã không tìm thấy vàng ngọc mà chỉ có nhiều cá và gỗ rừng.
 
Khi Cabot trở về nước Anh và báo cáo lại cho Vua Henry VII, nhà Vua đã thất vọng vì không có được vàng ngọc như mong đợi nên đã khuyên Cabot thực hiện một chuyến đi nữa vào năm 1498. Vào lần đi này, Cabot đã tới các đảo Baffin và Newfoundland. Sau đó Cabot trở về nước Anh và chết ở tuổi 48. Nhiều nhà thám hiểm khác của châu Âu cũng theo chân Cabot, dương buồm qua châu Mỹ nhưng đã không thành công cho tới năm 1534, Jacques Cartier người Pháp, đã tới được Bắc Mỹ theo lệnh của Vua Francis I của nước Pháp.
 
Cartier đã đi sâu vô trong đất liền và đã tìm ra được Vịnh St. Lawrence rồi đi ngược theo giòng sông này, tới các làng của người da đỏ Iroquois, tại các địa điểm mà ngày nay là Québec và Montréal. Người da đỏ đã tỏ ra thiện cảm nên Cartier đã dẫn 2 thổ dân đó về trình diện Vua Pháp. 
 
Giống như Vua của nước Anh, Vua Francis I đã không vui vì không thu về được vàng ngọc nhưng Cartier đã an ủi nhà vua rằng ông ta đã dựng nên một cây cột, đánh dấu miền đất này là của nước Pháp và được đặt tên là xứ Pháp Mới (New France).
 
Việc tìm kiếm châu Á qua ngả đường phía tây còn do Martin Frobischer ra đi theo lệnh của Nữ Hoàng Elizabeth I vào khoảng 50 năm sau Jacques Cartier. Frobischer đã không mang lại kết quả. Qua đầu thế kỷ 17, Henry Hudson người Anh, cũng ra đi tìm đường để tới Trung Hoa nhưng rồi vào năm 1609, con tầu biển Discovery của ông ta đã bị đóng băng tại Vịnh St. James. Sau một cuộc nổi loạn của thủy thủ, Hudson bị thả trôi trên một con thuyền cùng với người con trai và 7 thủy thủ trung thành để bơi vào đất liền, rồi tất cả những người này bị mất tích và số thủy thủ trở về nước Anh đã bị xét xử.
 
Theo sau Hudson là Thomas James, người có tên được đặt cho Vịnh James. Cuốn hồi ký “Cuộc Du Hành nguy hiểm của Thuyền Trưởng Thomas James” (the Dangerous Voyage of Captain Thomas James) đã là nguồn đề tài cho nhà thơ Coleridge. Sau đó còn có Edward Parry, một sĩ quan hải quân Anh, đã đi tới đảo Melville vào năm 1819.
 
Tại bờ biển phía tây của lục địa châu Mỹ, người đầu tiên đặt chân lên đất liền là Thuyền Trưởng James Cook. Sau đó vào các năm 1791- 95, George Vancouver đã khám phá ra cửa sông Bella Coola. Địa điểm này cũng được đặt chân tới bởi nhà thám hiểm gốc Tô Cách Lan tên là Alexander Mackenzie.
 
Việc khám phá ra Canada đã không được các người châu Âu chú ý từ lúc đầu vì đây là miền đất rất lạnh và trơ trụi. Thổ dân da đỏ vào thời kỳ này chỉ biết làm ra các vật dụng thô sơ bằng đá và bằng gỗ, và sản phẩm của họ là những con thuyền đục từ thân cây hay các đôi giầy đi tuyết bằng da thú, nhưng phẩm vật đặc biệt của họ được người châu Âu ưa thích là lông thú. Các nhà làm mũ nón tại nước Anh rất ưa thích loại lông hải thử (beaver) mà nhiều người cho rằng mũ nón làm bằng loại lông này vừa ấm nhất, vừa bền nhất. 
 
Mac Lescabot là một nhà văn người Pháp vào thế kỷ 17 đã ghi lại rằng thổ dân Bắc Mỹ rất ngạc nhiên về sự ưa thích lông thú của người châu Âu và sự trao đổi lông thú đã khiến họ có các con dao, cái dìu, cái ấm đun nước, đồ ăn và đồ uống cùng các vật dụng khác. Việc trao đổi sản phẩm đã trở nên phồn thịnh và thị trường lông thú tại Bắc Mỹ đã bắt đầu.
 

3/ Chế Độ Thuộc Địa Tại Canada.

Samuel de Champlain

 
Người đầu tiên làm phát triển việc buôn bán lông thú là nhà thám hiểm người Pháp Samuel de Champlain. Nhiều người đã ca ngợi ông Champlain là “Người Cha” của Canada vì ý tưởng của ông muốn thiết lập tại đây một nơi có công bằng và nhân ái, có hòa bình và thịnh vượng. Năm 1604, Champlain đã lập ra một nơi định cư đầu tiên cho người Pháp tại Acadia, thuộc Nova Scotia. Việc thám hiểm sâu vào trong đất liền của Champlain đã khiến ông tìm ra Québec vào ngày 03 tháng 7 năm 1608 sau khi đã đi vào Vịnh St. Lawrence. 
 
Một năm sau ngày định cư tại Québec của Champlain, các người Pháp mua lông thú đã gặp sắc dân da đỏ Huron, có đầu cạo trọc một nửa và lọn tóc dựng ngược như đuôi chim. Sắc dân địa phương này thù nghịch với thổ dân Iroquois. Trong một chuyến thám hiểm tới miền Ticonderoga, Champlain, 3 người Pháp và 60 thổ dân Huron đã đụng độ với bộ lạc Iroquois và 300 người Iroquois đã bị tàn sát, sự kiện này là mối hận thù lâu dài đối với dân định cư người Pháp và sau này bị người Anh lợi dụng.
 
Samuel de Champlain đã tới Canada với chủ đích thứ nhất là giành phần đất cho nước Pháp, sau đó là biến đổi miền đất này thành một nơi biết ca ngợi Thượng Đế. Bốn nhà truyền giáo Franciscan đã theo Champlain tới Canada rồi sau đó là các giáo sĩ Dòng Tên (Jesuites), tới Bắc Mỹ với ý định cải sang đạo Thiên Chúa các sắc dân da đỏ Huron và Iroquois. 
 
Vào năm 1625, các cha De Brebeuf và De Noue đã rời nước Pháp để qua Canada và thời kỳ từ năm 1623 tới năm 1652 được coi là các năm huy hoàng của các người định cư Pháp và của các giáo sĩ. Nhưng trong khi truyền đạo, các giáo sĩ Pháp thời đó đã không hiểu rõ tâm lý và lối sống sơ khai của các thổ dân trong khi các phong tục, tập quán của châu Âu lại hoàn toàn khác lạ, cùng với việc chia hạng giai cấp trong xã hội, tính cách cá nhân của gia đình và lòng e sợ bị đầy đọa nơi hỏa ngục sau khi lìa đời. 
 
Các giáo sĩ Dòng Tên vì vậy đã không được người Iroquois ưa thích và vào ngày 16 tháng 3 năm 1649, 2 giáo sĩ Brebeuf và Noue đã bị thổ dân Iroquois bắt trói vào cột, dội nước sôi và chặt nhỏ bằng dìu. Đây là những vị tử đạo đầu tiên trên miền đất Canada.
 
Lớp người Pháp đầu tiên định cư gồm 2 hạng: những kẻ viễn du hay “coureurs de bois” thường đi vào trong rừng sâu, trao đổi lông thú và đánh bẫy thú rừng, còn loại thứ hai là những người thuộc địa (colonists) khai phá các mảnh đất bên bờ sông St. Lawrence trồng các hoa màu. 
 
Cuộc sống của người thuộc địa không phải là không gặp khó khăn, họ phải chống chọi với thú rừng, với các dân da đỏ thù nghịch, với thời tiết khắc nghiệt. Phụ nữ cũng phải ra đồng, ra vườn trồng trọt, làm nhà, và về mùa đông phải xách nước, chặt củi. Tuy nhiên đời sống của họ dần dần trở nên dễ chịu hơn cuộc sống của những người đang sinh sống tại nước Pháp nhờ mọi người đều có quyền săn bắn và câu cá, đất đai canh tác không hạn chế, thực phẩm dư thừa, không phải nộp thuế và số tiền đóng góp cho nhà thờ khá thấp. 
 
Bản đồ xứ Pháp Mới (New France) thực hiện bởi Samuel de Champlain năm 1612


Vào các thập niên 1630 trở đi, các miền định cư tại Québec và Montréal đã trở nên phồn thịnh, trở thành các trung tâm thương mại và các căn cứ mới của nước Pháp. Các giáo sĩ do không thể truyền đạo cho các thổ dân da đỏ, nên đã quay về các miền đất thuộc địa và lập nên các trường học, nhà thờ và trường đại học Dòng Tên (Jesuit College) được thành lập năm 1636, một năm trước Đại Học Harvard. Tại nơi này, chính quyền địa phương cũng dựng nên các nhà nuôi dưỡng người già yếu và trẻ mồ côi, hệ thống tòa án cũng được cải tiến.
 
Vào năm 1640, xứ Pháp Mới chỉ có 240 cư dân, đã tăng lên 10,000 người vào năm 1685. Québec và Montréal trở nên các đô thị náo nhiệt nhưng tại miền đất mới này đã thiếu hẳn một chính phủ trung ương có quyền hành. Vì thế vào năm 1647 đã ra đời một hội đồng quản trị gồm thống đốc (governor) và linh mục bề trên Dòng Tên. Tuy nhiên cách quản trị kinh tế của hội đồng đã tỏ ra không hữu hiệu vì thế vào năm 1663, xứ Pháp Mới (New France) đã được chính thức công nhận là một phần đất bảo trợ của Vua Louis- 14, và Bộ Trưởng Tài Chính Jean Baptiste Colbert đã muốn biến nơi này thành một tỉnh của nước Pháp. Vị toàn quyền (governor general) đầu tiên của nước Pháp là Bá Tước De Frontenac, một người kiêu ngạo và thiếu thận trọng. Vị bá tước này thường xung đột với giới tu sĩ, đã không chú ý đến sự hiện diện và tính xâm lấn của người Anh đang bành trướng trong Vịnh Hudson.
 
Một người khác muốn mang lại một chính quyền mạnh sau Bộ Trưởng Colbert là viên quản đốc (intendant) Jean Talon. Ông này đã mang qua châu Mỹ hàng ngàn di dân mới gồm cả đàn bà và trẻ em. Phần lớn những người thuộc địa sinh sống tại 3 đô thị là Montréal, Québec và Trois-Rivières. Bộ Trưởng Colbert thời đó đã cho rằng nếu các người thuộc địa Pháp di chuyển xa hơn nữa, sẽ không có lợi cho quyền lợi của nước Pháp vì thế ông Colbert đã cấm cản việc buôn bán lông thú vào các miền Montréal, Trois-Rivières và Tadoussac. Chính sách thiển cận của ông Colbert đã làm lợi cho việc bành trướng của người Anh tại Canada.
 

4/ Người Anh Tới Canada.

Vào các năm trong thập niên 1650, Canada trở nên một miền đất trù phú cho việc đầu tư của người Pháp, sự kiện này đã khiến cho người Anh phải quan tâm. Tới thập niên 1660, Medard des Grosseilliers và Pierre Radisson là 2 nhà buôn lông thú người Pháp, đã không muốn đóng thuế cao cho Québec nên đã chạy qua miền New England và được đưa về nước Anh. Tại London, hai nhà buôn này đã thuyết phục một nhóm thương gia người Anh nên thiết lập một cơ sở buôn lông thú trong Vịnh Hudson. 
 
Sự việc này đã khiến cho xứ Pháp Mới ở vào một vị thế bất lợi: phía bắc là công ty Hudson’s Bay đang bành trướng ảnh hưởng còn phía nam là nhóm người Hòa Lan và dân da đỏ Iroquois thù nghịch, được người Anh yểm trợ. Người Pháp vì thế đã tổ chức các đội quân lo quấy phá người Anh và tìm cách đẩy người Anh ra khỏi Vịnh Hudson, và sự thù nghịch giữa 2 nước Pháp và Anh lại tăng lên vào đầu thế kỷ 18, với các toán quân Pháp đánh phá nhiều nơi, có khi xuống tận Boston. 
 
Nhưng rồi các cường quốc của châu Âu thời đó đã ký Hiệp Ước Hòa Bình Utrecht (the Peace Treaty of Utrecht) năm 1713 phân chia Bắc Mỹ, nước Pháp bị tước mất nhiều đất đai, Vịnh Hudson và vùng Acadia được dành cho người Anh và điều khoản 15 công nhận chủ quyền của nước Anh đối với dân da đỏ Iroquois cũng như quyền buôn bán lông thú ở phía tây của vùng thuộc địa Pháp.
 
Bản đồ phân chia Bắc Mỹ ở thập niên 1750


Trong 3 thập niên, hòa bình đã tới với xứ Canada Bắc Mỹ này, nông nghiệp và ngư nghiệp trở nên thịnh vượng, nghề rừng và kỹ nghệ đánh cá phát triển, mức sống của người dân cao hơn dân châu Âu và dân số Canada cũng tăng từ 19 ngàn người năm 1713 lên 48 ngàn vào năm 1739. 
Đồng thời với sự phát triển của 2 miền Anh-Pháp, các xung đột nhỏ cũng xẩy ra bắt đầu vào năm 1744. Đầu tiên là các trận đánh nhỏ rồi tới việc tuyên chiến chính thức vào năm 1756. Nước Pháp đã gửi tới Québec Hầu Tước Montcalm và một lực lượng tăng cường không đủ mạnh lại thiếu thực phẩm tiếp tế, trong khi giữ lại hạm đội để bảo vệ bờ biển nước Pháp. Trước thái độ lơ là của chính quốc, làm sao Hầu Tước Montcalm có thể bảo vệ được phần đất đai tại Bắc Mỹ này.
 
Vào năm 1759, lực lượng Anh dưới quyền chỉ huy của Tướng James Wolfe bắt đầu tiến đánh Québec. Sau nhiều lần tấn công mặt trước không thành công, đêm 12 tháng 9 năm 1759, Tướng Wolfe lợi dụng bóng đêm, vượt qua giòng sông St. Lawrence và đánh vào cạnh sườn của quân đội Pháp. Bị tấn công bất ngờ, quân Pháp hoảng loạn và phải rút lui khỏi Québec với kết quả là Hầu Tước Montcalm bị thương nặng và Tướng Wolfe cũng bị tử trận. Sau vụ thất thủ thành phố Québec, xứ “Pháp Mới” mất dần ảnh hưởng cho tới năm 1763, Hiệp Ước Paris công nhận nước Pháp mất hết đất đai tại Canada.
 
Sự kiện xứ Canada rơi vào tay người Anh đã không làm cho chính quyền và giới trí thức tại Pháp quan tâm. Văn Hào Voltaire khi đó đã gọi xứ Pháp Mới, tức là phần đất của nước Pháp tại Canada, là “một vài mẫu đất phủ tuyết” (a few acres of snow) còn giới chính trị Pháp chỉ nhìn thấy sự yếu kém về kinh tế trong giai đoạn gần của xứ sở đó. 
 
Trong khi đó chiến thắng của người Anh tại Canada đã làm cho việc trao đổi lông thú chuyển từ nước Pháp sang nước Anh và nước Anh từ nay gặp phải một vấn đề nan giải là phần đất thuộc địa mới chiếm được lại gồm các người có nguồn gốc nước khác. Chính quyền Anh vì thế muốn nhổ rễ nền văn hóa Pháp, muốn đặt các định chế Anh tại Québec và muốn những người dân định cư Mỹ đi lên miền trên để lấn át số 70,000 dân gốc Pháp. Tất cả các dự định đó đã gặp thất bại. 
 
Không dễ gì Anh quốc hóa 99 phần trăm dân chúng nói tiếng Pháp trong khi đó họ lại theo đạo Thiên Chúa La Mã, rất khó cải sang đạo Tin Lành là tôn giáo mà quyền điều khiển giáo hội ở trong tay Vua George III. Cho nên chỉ còn một cách hay nhất là thỏa hiệp với người dân thuộc địa gốc Pháp.Vị toàn quyền mới người Anh lúc bấy giờ là Sir Guy Carleton đã nhận thấy sự quan trọng của lòng trung thành từ lớp người Canada gốc Pháp, vì thế Đạo Luật Québec 1774 (the Quebec Act 1774) đã chấp nhận sự bảo vệ văn hóa, chính trị và kinh tế của miền Québec, dân luật (civil law) của Pháp được vãn hồi trong khi đó cũng duy trì hình luật Anh (British criminal law), nhà thờ Cơ Đốc (Catholic) được quyền thu tiền đóng góp và các người Cơ Đốc gốc Pháp không còn bị đẩy ra khỏi các chức vụ công quyền. 
 
Đạo luật kể trên đã làm dịu đi các người thuộc địa Pháp và làm mất lòng các nhà buôn người Anh nhưng vào lúc đó, đã xẩy ra cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. 60 ngàn người trung thành (loyalists) với nước Anh đã rời phần đất phía bắc của tiểu bang New York, chạy qua miền Nova Scotia để nhờ sự che chở của người Anh tại đó. Số di dân mới này tại Canada đã cân bằng ảnh hưởng về người gốc Pháp và người gốc Anh, đồng thời các nhà buôn Anh cũng thấy có lợi hơn khi được sự yểm trợ từ Anh Quốc.
 
Khi các người di dân trung thành với nước Anh đòi hỏi một chính quyền có đại biểu (a representative government) mà Đạo Luật Québec đã phủ nhận, Sir Carleton đã phải trở lại Canada để phê chuẩn Đạo Luật Hiến Pháp 1791 (The Constitutional Act of 1791) theo đó xứ thuộc địa Canada có một hội nghị do dân bầu lên để thi hành lập pháp cùng với một hội đồng lập pháp do nhà vua chỉ định. Đạo luật này cũng chia miền thung lũng sông St. Lawrence ra làm 2 miền thuộc địa: miền Canada Thượng (Ontario) và miền Canada Hạ (Québec) (the Upper and the Lower Canada) khiến cho lại sinh sự thù nghịch Anh-Pháp.
 
Vào năm 1812, các người nổi loạn Hoa Kỳ định đánh chiếm Canada lần thứ hai và đã gặp thất bại sau trận đánh tại Queenston Heights (the Battle of Queenston Heights) và cuộc chiến tranh này đã chính thức hóa quyền lợi của Đế Quốc Anh tại Bắc Mỹ.
 

5/ Liên Bang Canada.

Sau cuộc chiến tranh 1812, người dân Canada rất bất mãn với tổ chức chính trị của vùng đất thuộc địa, họ muốn xét lại vấn đề chủ quyền trên xứ sở này. Tại miền Canada Thượng, kinh tế phát triển khiến cho dân chúng đánh giá lại vai trò chính trị và kinh tế của nước Anh, trong khi các người Pháp tại miền Canada Hạ đã chỉ trích người Anh vì nạn thất nghiệp và mực sống thấp. 
Người dân Canada tuy đã có một hội đồng do dân bầu ra, nhưng quyền hành pháp lại ở trong tay một hội đồng khác do Vua nước Anh chỉ định. Các tham nhũng, ưu đãi và chính sách từ trên đưa xuống đã khiến cho người dân Canada muốn có một chính phủ biết trách nhiệm, một hội đồng do dân bầu ra với thực quyền.
 

Louis Joseph Papineau

 
Tại Québec, người sáng lập ra Đảng Ái Quốc (the Patriot Party) là ông Louis Joseph Papineau đã lập ra một danh sách gồm 92 đòi hỏi và nghị quyết, với yêu cầu đầu tiên là phải bỏ ngay hội đồng chỉ định. Nước Anh đã từ chối thỏa hiệp vì thế đã xẩy ra cuộc xuống đường vào tháng 10 năm 1837, đụng độ với quân đội Anh. Nhiều người bị chết. Cuộc nổi dậy bị dẹp tan. Papineau phải bỏ trốn qua Hoa Kỳ.
 
Tại miền Canada Thượng, việc tranh đấu đòi hỏi một chính quyền biết trách nhiệm do ông William Lyon Mackenzie điều khiển. Ông này gốc người Tô Cách Lan, là chủ nhiệm một tờ báo địa phương. Mackenzie đã chỉ trích gay gắt hội đồng chỉ định có tên là The Family Compact. Năm 1837, Mackenzie đã dẫn hàng trăm người phản đối trên đường Yonge của thành phố Toronto và kết quả của sự đàn áp đám biểu tình là sự hỗn loạn, trừng phạt với 2 lãnh tụ bị treo cổ, Mackenzie chạy trốn qua Hoa Kỳ.
 
Sau các biến cố kể trên, nước Anh nhận thấy phải cải tiến đường lối cai trị lỗi thời tại vùng Bắc Mỹ. Một ủy ban điều tra được thành lập, đứng đầu là một nhà chính trị có nguồn gốc từ các gia đình giàu có, tên là Lord Durham. Sau 6 tháng tìm hiểu, ông Durham đã phổ biến một báo cáo theo đó muốn cho xứ Canada tồn tại bên cạnh nước Hoa Kỳ linh động và đang phát triển, cần phải khuếch trương nền kinh tế bằng cách đoàn kết lại các thuộc địa, làm giảm đi sự căng thẳng giữa người gốc Anh và người gốc Pháp, đưa người Pháp vào nền văn hóa Anh và người dân Canada cần có một chính phủ biết trách nhiệm. Năm 1849, các luật lệ về cách quản trị mới được ban hành và một chính phủ mới đã được thực hiện.
 
Trong các thập niên 1850 và 1860, xứ Canada vẫn còn bao gồm các khu thuộc địa chia rẽ, với các đảng phái đối chọi nhau: đảng Xanh (the Blues) đứng đầu bởi ông George Etienne Cartier, đảng Bảo Thủ (the Conservatives) do ông John A. Macdonal cầm đầu và đảng Tiến Bộ (the Liberals) do ông George Brown, một chủ báo, lãnh đạo. 
 
Tại phía nam, cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ của Hoa Kỳ đang diễn ra, nhiều người e ngại rồi sẽ xẩy ra cuộc xung đột giữa 2 nước Anh và Mỹ. Các bất hòa vì quyền lợi đảng phái tại Canada đã khiến cho chưa có thể thực hiện việc bành trướng chiếm các miền đất mới, nhưng chính quyền đã thiết lập được một đường xe lửa xuyên qua các xứ thuộc địa. Vì thế các nhà chính trị đã đồng ý cần phải thành lập một liên bang (confederation) để vượt qua nhiều bế tắc về quản trị đất nước. 
 
Bản đồ  Lãnh Thổ Tự Trị Canada (the Dominion of Canada), 1867


Cuối cùng, vào ngày 01 tháng 7 năm 1867, một quốc gia mới được lập ra, gọi là Lãnh Thổ Tự Trị Canada (the Dominion of Canada), bao gồm cả Ontario, Québec, Nova Scotia và New Brunswich. Thủ Tướng đầu tiên của xứ Canada đoàn kết này là Sir John Alexander Macdonal, một người Anh sinh trưởng tại Tô Cách Lan, được cha mẹ mang qua Kingston, Ontario, khi còn nhỏ tuổi. Vào thời gian này, Canada có vào khoảng 3.5 triệu dân, hầu như tất cả dân chúng sống tại miền Đông và phần lớn dựa vào nông nghiệp.
 
Sau khi trở nên một lãnh thổ tự trị, Canada đã mua miền đất Rupert (Rupert’s Land) của công ty Hudson’s Bay với giá 300,000 bảng mà không hỏi ý kiến dân địa phương là người Métis, sắc dân có nửa giòng máu Pháp, nửa giòng máu da đỏ, nói tiếng Pháp và theo đạo Thiên Chúa Catholic, cư ngụ nơi giòng sông Đỏ (the Red River). 
 
Louis Riel

 
Dưới sự lãnh đạo của Louis Riel, các người Métis đã chiếm Fort Garry, một tiền đồn của Anh và lập ra một chính quyền địa phương tạm thời. Cuộc nổi dậy này được sự trợ giúp của đội bộ binh thứ 5 của người Mỹ và đã không gây ra đổ máu nếu đã không có một biến cố làm rắc rối thêm tình hình. Một người trẻ và mới giàu lên, tên là Thomas Scott bị nhóm người Métis bắt vì đã phỉ báng Louis Riel, rồi sau bị Riel đưa ra tòa án quân sự và bị bắn chết. Scott là công dân của Ontario, lại là một người theo đạo Tin Lành, bị người Công giáo Catholic sát hại nên vấn đề trở thành tế nhị. Nhưng sau đó vụ rắc rối “giòng sông Đỏ” (the Red River incident) đã được dàn xếp khi thuộc địa này gia nhập vào Liên Bang Canada với danh nghĩa Tỉnh Manitoba và Louis Riel bỏ chạy qua Hoa Kỳ.
 
Một thập niên sau, Riel lại trở về Canada và hoạt động trong tỉnh Saskatchewan rồi bị quân đội Anh bắt được. Mặc dù những lời xin ân huệ và sự chống đối của nhóm người gốc Pháp, Thủ Tướng Canada thời bấy giờ là ông Macdonald đã ra lệnh treo cổ Louis Riel vì tội phản bội. Ông Macdonald còn tuyên bố: "Tao sẽ treo cổ mọi con chó nào tại Québec còn sủa dùm cho hắn”. Cái chết của Riel càng làm trầm trọng mối hận thù giữa người gốc Anh và người gốc Pháp tại Canada.
 
Vào thời kỳ bầu cử thứ hai, các phần đất mới gồm đảo Prince Edward, các tỉnh đồng bằng và miền Tây Thái Bình Dương được sát nhập vào Liên Bang Canada. Việc nối các địa phương từ đông sang tây bằng một đường xe lửa xuyên lục địa đã trở nên một giải pháp đương nhiên và là một đề tài tranh cử của năm 1872.
 
Đường xe lửa Canada Thái Bình Dương (the Canadian Pacific Railway) là một dự án do đảng của ông Macdonald đề nghị với sự yểm trợ của Sir Hugh Allan, một chủ tầu biển có thế lực tại Macdonald, được nguồn đầu tư Hoa Kỳ giúp đỡ, nhưng Thủ Tướng Macdonald lại không muốn dính líu tới nguồn tư bản ngoại quốc trong khi Sir Allan vẫn dấu diếm ở đằng sau. 
 
John A. Macdonald

 
Sáu tuần lễ trước ngày bầu cử, ông Macdonald do thiếu ngân quỹ để vận động, nên đã yêu cầu sự yểm trợ của Sir Allan. 60 ngàn đô la đã tới, rồi 35 ngàn đô và trong lần đòi hỏi cuối cùng, Thủ Tướng đã điện cho Sir Allan: “Tôi phải có thêm 10 ngàn nữa. Đây là lần kêu gọi cuối cùng. Đừng làm tôi thất vọng”. Ông Macdonald đã đắc cử và Sir Hugh Allan vui mừng. Nhưng văn phòng của Sir Allan đã bị ăn trộm, các giấy tờ liên quan tới cuộc bầu cử được bán cho đảng Tiến Bộ (the Liberals) đối lập với giá 5,000 bảng. Đảng này liền công bố âm mưu của Thủ Tướng Macdonald giao dự án đường xe lửa cho Sir Hugh Allan để đổi lấy ngân quỹ tranh cử, cùng với bức điện tín “Tôi phải có thêm 10 ngàn nữa”. Ông Macdonald phải từ chức vì bị tai tiếng. Kế vị là ông Alexander Mackenzie.
 
Về sau, ông Macdonald trở lại làm Thủ Tướng trong hơn một thập niên (1878-1891) rồi tới Sir John J. Abbott (1891-1892), Sir John S.D. Thompson (1892-1894), Sir Mackenzie Bowell (1894-1896) và Sir Charles Tupper (1896).
 

6/ Canada Vào Thế Kỷ 20. 

Qua đầu thế kỷ 20, Canada bắt đầu thịnh vượng và tiến bộ dưới thời của Thủ Tướng Sir Wilfrid Laurier (1896 -1911). Đường xe lửa đã nối bờ biển phía đông với vùng đất phía tây. Canada thực hiện các liên lạc ngoại giao với thế giới bên ngoài qua nước Anh đồng thời cũng gặp rắc rối với Hoa Kỳ vì việc tranh chấp biên giới tại vùng Alaska/ Yukon. Một ủy ban gồm 3 người Mỹ, 3 người Canada và 1 bộ trưởng Anh là Lord Alvertone lo dàn xếp việc tranh chấp. Trong lần bỏ phiếu, Lord Alvertone đã nghiêng về phía các người Mỹ, điều này đã làm cho người dân Canada nghi ngờ nước Anh.
 
Về đối nội, Bộ Trưởng Nội Vụ của Thủ Tướng Laurier là ông Clifford Sifton đã chủ trương một chính sách ưu đãi di dân gốc Anglo-Saxon nhưng số người Anh di cư sang Canada không đủ, trong khi miền Tây của Canada hầu như vắng người lại rộng lớn bao la. Vì vậy ông Bộ Trưởng Sifton đã cho đăng trên các báo chí tại châu Âu bằng hàng chục ngôn ngữ khác nhau, lời quảng cáo: “Cuộc di cư về miền Tây cuối cùng. Nơi cư ngụ này dành cho cả triệu người. Các nông trại rộng 160 mẫu ở miền Tây Canada tặng không”. Kết quả là đã có một khối lớn di dân gồm các người Nga, Tiệp, Ba Lan, Hung, Serbia... đi tới 2 tỉnh Alberta và Saskatchewan mới được thành lập năm 1905. 
 
Sở dĩ Bộ Trưởng Sifton chọn nhóm di dân này vì quá trình canh nông của họ nhưng ông ta đã bị chỉ trích là đã mang tới Canada lớp người “hạ lưu” (inferior breeds). Thời tiết khắc nghiệt, đời sống nông thôn khó khăn đã khiến cho người dân miền Tây Canada có một tinh thần độc lập và cộng tác trong khi đó, đã xẩy ra sự đòi hỏi về bình quyền ứng cử của nữ giới, sau khi phong trào phụ nữ dẫn đầu bởi 2 bà Nellie McClung và Emily Murphy. Kết quả là vào năm 1929, Thượng Viện (the Senate) đã phải chấp thuận sự bình đẳng của nữ giới trong việc ứng cử.
 
Cũng vào đầu thế kỷ 20, trào lưu kỹ nghệ hóa đã tới với Canada. Trong khi miền Tây chuyên về canh nông thì tại miền Đông, các cơ xưởng đã mọc lên và dân lao động đã bị bóc lột tàn nhẫn. Họ phải làm việc từ 10 tới 12 giờ một ngày, tuần lễ 6 ngày, tiền lương thấp, điều kiện làm việc tồi tàn và các hình phạt tàn bạo cũng được áp dụng khiến cho đời sống của người công nhân càng thêm đau khổ. Đàn bà và trẻ em, đôi khi mới 8 tuổi, cũng bị trả lương thấp và bóc lột. Tất cả các bất công này đã làm sinh ra các công đoàn, các tổ chức lao động và vào năm 1908, tỉnh Ontario đã ra đạo luật đầu tiên về lao động trẻ em với tuổi thấp nhất là 14.
 
Tới năm 1912, mỗi bang tỉnh đều tham gia vào chính quyền trung ương Canada ngoại trừ miền Newfoundland gia nhập năm 1949. Năm 1914 xẩy ra Thế Chiến Thứ Nhất. Canada đã tham gia để ủng hộ nước Anh, điều này đã có lợi lớn cho Canada nhờ việc xuất cảng lúa mì và sản xuất súng đạn cho các nước khác. 
 
Thủ Tướng Canada trong giai đoạn Thế Chiến Thứ Nhất là ông Robert Borden (1911-20) đã hứa yểm trợ cho nước Anh 500 ngàn người, vì thế việc tuyển mộ đã chấp nhận tất cả mọi người già, trẻ và tàn tật, thu nhận cả các sắc dân như Ấn Độ, Nhật Bản và da đen, rồi do thiếu người nên vào năm 1916, Thủ Tướng Borden đã phải quay về kêu gọi dân chúng Québec. 
 
Lớp dân gốc Pháp này không muốn tham gia chiến tranh, họ không muốn bị bắt đi lính. Mối căng thẳng đã bùng nổ thành một cuộc náo loạn chống bắt lính vào năm 1918 và binh sĩ từ Toronto đã nổ súng vào đám đông, khiến cho 4 người bị chết đồng thời loại thuế chiến tranh (a war tax) được thông qua, các công đoàn “cấp tiến” (radical) bị đàn áp, các tờ báo in bằng tiếng của kẻ địch bị đóng cửa. Rồi bất ngờ, Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt vào ngày 18-8-1918, Canada chịu 60,611 người chết, hàng ngàn người mang thương tật.
 
Thập niên 1920 là các năm thịnh vượng của Canada. Văn chương có nhân vật danh tiếng nhất là Stephen Leacok. Hội họa với Nhóm 7 (the Group of Seven) gồm các họa sĩ Lawren Harris, A.Y. Jackson, Arthur Lismer, Frederick Varley, J.E.H. MacDonal, Franklin Charmichael và Franz Thompson. Phụ nữ theo các thời trang mới, các kiểu tóc mới... Mọi người hân hoan với các chương trình ca nhạc, các loại phim câm mới, nhưng rồi cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế 1930 xẩy đến, Canada bị ảnh hưởng nặng nhất. Hàng ngàn người thất nghiệp đổ ra đường kiếm ăn, một người xúc tuyết trong 7 giờ chỉ được trả 5 xu cho công lao động. 
 
Đã có hàng trăm người lên xe lửa đi về miền Tây, một số bị chết đói và chết lạnh dọc đường. Năm 1931, gió lạnh thổi bạt ngàn trên các miền đất phì nhiêu khi trước, rồi năm sau tới nạn cào cào cắn hoa màu và năm 1933 là năm hạn hán, mưa đá và sương giá. Cũng vào năm 1931, Canada trở nên hội viên của Liên Hiệp Anh (the Commonwealth).
 
Sau khi Hitler xâm chiếm Tiệp Khắc, ký hòa ước bất xâm lăng với Liên Xô và tràn qua Ba Lan, người dân Canada còn đang lo ngại chiến tranh thì vào ngày 03 tháng 9 năm 1939, báo chí đã đăng tin: “Đế quốc Anh nhập chiến. Nhà Vua kêu gọi công dân Anh trong nước và hải ngoại”. Vì đã tham gia vào Liên Hiệp Anh và có bổn phận pháp lý, Canada tham chiến với Anh Quốc. Canada đã chi tiêu 12 triệu đô la một ngày để dùng cho nỗ lực chiến đấu và vào năm 1943, 1.5 triệu người Canada đã làm việc trong các cơ xưởng sản xuất súng đạn.
 
Sau khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Canada lại sát cánh với Hoa Kỳ trong việc chống Nhật Bản. Vào thời gian này, nước Anh thiếu người tham chiến nên đã yêu cầu Canada trợ giúp. Trong cuộc trưng cầu dân ý tại Canada, nhiều người đồng ý đóng góp cho chiến tranh về mặt nhân sự nhưng phong trào quốc gia tại Québec đã phản đối lệnh nhập ngũ và trong phong trào này đã xuất hiện một nhân vật trẻ tuổi mà sau này trở nên vị Thủ Tướng được nhiều người biết danh tiếng nhất: ông Pierre Elliot Trudeau.
 
Sau Thế Chiến Thứ Hai, Canada bị thiệt hại 45,000 người và đã bị tai tiếng về việc gom 15,000 người Canada gốc Nhật Bản vào các trại tập trung cũng như tịch thu tài sản của họ. Vì tư tưởng bài Do Thái, Canada cũng không nhận trợ giúp các người Do Thái đã trốn khỏi các trại tập trung Đức Quốc Xã.
 
Người dân Canada sau Thế Chiến Thứ Hai đã lo lắng về sự thiếu thốn, họ tiết kiệm và chuẩn bị đối phó với tình trạng nghèo khó nhưng những điều bất ngờ đã tới: nền giao thương quốc tế phát triển, lợi nhuận xuất cảng gia tăng gấp bội, các kỹ nghệ phát triển rực rỡ và tại miền Tây, người ta lại tìm ra dầu mỏ. Chính phủ của Thủ Tướng Mackenzie đã tăng cường thêm các chương trình trợ giúp y tế và xã hội, nâng đỡ mức sống thấp nhất của giới nghèo trên toàn quốc. Sau 2 cuộc chiến tranh và nạn kinh tế khủng hoảng, người dân Canada nhận ra rằng các chương trình của chính phủ điều hành là các cách thức rất quan trọng để tiêu diệt cảnh nghèo khó.
 
Trong thập niên 1950, Canada đã tham gia vào các sinh hoạt chính trị trên thế giới như Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến tranh Triều Tiên và cuộc khủng hoảng tại Kênh Đào Suez. Canada cũng là hội viên của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương Nato (North Atlantic Treaty Organization) cũng như Thỏa Ước Phòng Thủ Bắc Mỹ Norad (North American Air Defense Agreement). Canada trở nên một hội viên mới của cộng đồng thế giới.
 
Vào thập niên 1960, Thủ Tướng Lester B. Pearson, người đoạt Giải Thưởng Nobel Hòa Bình, đã tuyên bố rằng các đầu đạn nguyên tử có thể đặt tại Canada, khiến cho dân chúng chỉ trích đồng thời với cuộc phản đối chiến tranh tại Việt Nam cũng lan rộng. Trong khi đó cuộc cách mạng thầm lặng (the quiet revolution) ra đời với các nghệ sĩ, chính trị gia và công dân gốc Pháp muốn tìm ra bản chất văn hóa thực của họ để nối lại với Nhà Thờ Thiên Chúa La Mã và dấu vết của thời kỳ thuộc địa. 
 
Pierre E. Trudeau

 
Những phản kháng đưa dần tới các chiến thuật bạo lực của Phong Trào Giải Phóng Québec FLQ (Front de Libération du Québec) vào thập niên 1970 với sự lãnh đạo của ông René Lévesque. Ông Lévesque muốn miền Québec trở thành một quốc gia tự trị và một số người theo ông ta đã dùng giải pháp khủng bố: đặt bom phá hoại các tòa nhà liên bang, các hộp thư của cư dân nói tiếng Anh... Các rối loạn xẩy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại 2 thành phố Montréal và Québec. Một số sinh viên Đại Học McGill đòi hỏi các lớp học phải được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Sự xáo trộn này đã khiến ông Pierre E. Trudeau (1968-79), vị Thủ Tướng được bầu vào năm 1968, cố gắng áp đặt quan niệm Liên Bang vào nước Canada mới, với đặc tính 2 văn hóa và 2 ngôn ngữ (biculturalism and bilingualism).
 
Ngày 05 tháng 10 năm 1970, Ủy Viên Thương Mại Anh (British Trade Commissioner) tại Montréal tên là James Cross bị bắt cóc bởi Mặt Trận FLQ rồi sau đó 5 ngày, Bộ Trưởng Lao Động Québec là ông Pierre Laporte cũng bị bắt cóc. Xác của ông Laporte được tìm thấy trong thùng một xe hơi bỏ hoang đã khiến cho dân chúng lên án Mặt Trận FLQ là một loại khủng bố. 
 
Ngày 16-10 năm đó, Thủ Tướng Trudeau ký sắc lệnh Biện Pháp Chiến Tranh (the War Measures Act) và 10,000 quân lính đã tảo thanh thành phố Montréal. Nhưng rồi thuế cao và lạm phát gia tăng đã khiến cho chính phủ Trudeau bị lật đổ, thay thế bằng chính phủ bảo thủ của ông Charles Joseph  Clark (1979-80) Tính do dự của chính phủ mới này đã là lý do khiến ông Trudeau trở lại nắm quyền Thủ Tướng lần thứ hai vào ngày 18-2-1980. 
 
Trong nhiệm kỳ này của ông Trudeau, nước Canada đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, theo đề nghị của ông René Lévesque theo đó người dân Québec chấp thuận hay không sự tách rời Québec khỏi Liên Bang. Ngày 20-5-1980, 88 phần trăm cư dân Québec đã đi bầu, với 41 phần trăm phiếu đồng ý ly khai và 50 phần trăm không chấp nhận sự tự trị. Đây là một thất bại lớn lao đối với ông Lévesque và vinh quang về với Thủ Tướng Trudeau cùng các người ủng hộ chính sách Liên Bang. Công trình cuối cùng của ông Trudeau là một bản Hiến Pháp mới (Constitutional Act) được Nữ Hoàng Elizabeth II phê chuẩn tại Ottawa để thay thế cho Đạo Luật Bắc Mỹ thuộc Anh (the British North America Act).
 
Vào thập niên 1980 có 2 vấn đề chính thuộc tầm vóc quốc gia. Thứ nhất là thỏa ước Tự Do Mậu Dịch (Free Trade), một đề tài đã gây sôi nổi trong cuộc tranh cử năm 1988. Đây là sự đồng ý bãi bỏ hàng rào bảo vệ mậu dịch, một điều mà người dân Canada lo sợ trước thị trường bao la và sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ trong khi Thủ Tướng đương thời là ông Brian Mulroney (1984-93) lại ủng hộ chủ trương phải mở rộng thị trường và chấp nhận sự thách đố của hệ thống kinh tế cạnh tranh. Mặc dù 70 phần trăm dân Canada chống lại Tự Do Mậu Dịch, ông Mulroney vẫn đắc cử và làm Thủ Tướng lần thứ hai.
 
Vấn đề rắc rối thứ hai tại Canada là Thỏa Ước Meech Lake (the Meech Lake Accord). Nhiều người dân Québec cho rằng các quyền lợi văn hóa của họ không được xác nhận đầy đủ trong Hiến Pháp Mới 1982 (the 1982 Constitutional Act ). Một số đảng viên đảng Tiến Bộ (the Quebec Liberals) vẫn muốn tỉnh Quebec là một xã hội biệt lập trong khi miền Newfoundland cũng đòi hỏi tách ra khỏi Liên Bang Canada.
 
Vào tháng 6 năm 1993, ông Mulroney rút lui khỏi chức vụ Thủ Tướng vì thất bại trong việc làm giảm thâm thủng ngân sách, vì thiếu sự ủng hộ của dân chúng do áp dụng loại thuế hàng hóa và dịch vụ (Goods and Sevices Tax) và cũng vì không thể chấm dứt cuộc khủng hoảng về Hiến Pháp. 
 
Người kế tiếp ông Mulroney là bà Kim Campbell, vị Nữ Thủ Tướng đầu tiên của Canada, đã chỉ giữ được chức vụ trong 4 tháng vì thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước đảng Tiến Bộ (the Liberal Party). Chính phủ mới của đảng này do Thủ Tướng Jean Chrétien (1993 -   ) là người miền Québec, trước kia thuộc nội các của ông Trudeau. Ông Chrétien đã cắt giảm chi phí quốc gia, ủng hộ các xí nghiệp tư nhân như là nguồn tăng trưởng kinh tế chính, đồng thời theo đuổi nhiều chính sách kinh tế và xã hội của đảng Bảo Thủ Cấp Tiến (the Progressive Conservatives), kể cả Hiệp Ước Napta.
 
Tới năm 1995, Thủ Tướng miền Québec là ông Jacques Parizeau, một nhân vật chủ trương tích cực ly khai, đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai nhưng gặp thất bại: 49.6 % dân Québec ủng hộ so với 50.4 % không muốn ly khai. Miền Québec vẫn còn thuộc Liên Bang Canada. 
 
Vào tháng 12 năm 1995, Thủ Tướng Jean Chrétien công bố nhiều đề nghị nhằm củng cố sự đoàn kết quốc gia. Trong các đề nghị này có cả nghị quyết công nhận ngôn ngữ, văn hóa và dân luật của miền Québec.
 
Canada đã tổ chức Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Độc Lập vào năm 1967 với Hội Chợ Thế Giới (World Fair) tại Montréal. Tới năm 1988, Hội Nghị Kinh Tế Thượng Đỉnh (the 1988 World Economic Summit) của 7 nước công nghiệp hàng đầu đã họp tại Toronto và Kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông (the Winter Olympics) được tổ chức tại Calgary, tất cả đã mang lại cho Canada hình ảnh của một quốc gia cỡ lớn trên Thế Giới.
    
Phạm Văn Tuấn
 
(Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia).
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 10/11/2021 12:15 sáng
Chia sẻ: