Không biết trăm, ngàn năm nữa, nhân loại còn có cơ may gặp lại một thiên tài như Albert Einstein? Cụ là bậc thần thánh trong ngành Vật lý học, ngàn năm một thủa giáng trần để nâng cao tầm hiểu biết của con người lên một tầng cao chót vót. Vậy mà kẻ phàm phu này, có một thời gian dài, cứ nghi ông cụ vì vô tình, hoặc đãng trí, đã tỏ ra thiếu tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm với chính một sản phẩm của mình, với những ai tin dùng nó. Sau khi lập thuyết Tương Đối Đặc Biệt (TĐĐB), Einstein đã có nhiều cơ hội để thấy những chỗ bất ổn, sai lầm nghiêm trọng, khiến thuyết không thể sống sót.
Hình vẽ sai lầm.
Vẽ xong hình lập thuyết, dù chưa ráo mực, nếu chịu khó nhìn kỹ lại, tức khắc thấy chỗ bất ổn ngay.
Hãy bỏ qua những luật chi phối thị giác khiến người quan sát không thể thấy tia sáng AC cùng lúc với người trong tàu thấy tia AB, như đã phân tích ở bài trước. Hãy theo đúng sự tưởng tượng đơn giản của Einstein:
“Vì tàu đã di chuyển, khi người quan sát Q thấy tàu – lần đầu tiên – thì tàu đã di chuyển đến vị trí mới, B đã đến C.”
Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng cũng chính khoảnh khắc ấy A đã di chuyển đến D. Vì sàn tàu di chuyển thì trần (hay nóc) tàu cũng di chuyển theo.
Nghĩa là cả toa tàu và những món nó chứa trong lòng bắt buộc phải cùng di chuyển.
Einstein vẽ đường AC, tưởng nó chính là đường AB, là sai. Hình vẽ thể hiện một tình huống không thể có: B đã di chuyển nhưng A lại bất động, đứng nguyên tại chỗ.
Trí tưởng tượng của Einstein thiếu sót, không bao gồm đầy đủ những chi tiết quan trọng, cần thiết. Thể hiện ra hình vẽ, nó trình cụ một bức tranh không phản ảnh sự thật, dẫn tới những nhận định, kết luận sai lầm.
Nếu ngay lúc ấy, khám phá ra A đã thành D, như B đã thành C, AB đã biến vào quá khứ, không phải là đường AC, thấy được những chỗ sai chí tử của hình vẽ, chắc chắn Einstein đã ngừng lập thuyết.
Tính toán sai lầm.
Không thấy, không biết hình vẽ sai, vẫn còn cơ hội thấy những lỗi lầm nghiêm trọng trong phần toán học.
Để lập thuyết, ngoài những bài toán dựa trên định lý Pythagore, còn có phương trình thông dụng:
L = vt (Đường dài bằng vận tốc nhân với thời gian).
Xe chạy với vận tốc 100 dặm một giờ, chạy hai giờ thì được 200 dặm. Vận tốc (v) càng nhanh thì thời gian (t) càng nhỏ đi, nhưng lúc nào t cũng phải lớn hơn số không, thì mới có chuyện xe chạy.
Nay thuyết khẳng định khi v = c = vận tốc ánh sáng thì t=0 (thời gian ngừng trôi)
Phương trình ấy biến thành:
L = ct = 300.000 km/s x 0 = 0 (zero).
Nghĩa là tàu đang phóng ào ào, nhưng vừa đạt vận tốc ánh sáng, đụng phải lý thuyết của Einstein, tức khắc đứng sững lại, tê liệt, không nhúc nhích!
Hãy tưởng tượng sự hoang mang, lúng túng của những sinh viên phải áp dụng thuyết TĐĐB trong toán học.
Tính đường dài tàu đã vượt qua thì cứ L = vt hay L = Ct (C là vận tốc ánh sáng) như… thường lệ.
Nhưng khi tính đến khoảng đường dài khách trong tàu vượt được thì lại phải áp dụng thuyết TĐĐB, biến phương trình thành:
L = c (vận tốc ánh sáng) nhân với 0 (zero) thời gian (t) = 0. Nghĩa là:
L = C x 0 = 0
Kết quả bài toán là một con số không.
Như thế thuyết ban cho nhân loại một cảnh tượng lạ lùng, kỳ dị: Khi đạt vận tốc ánh sáng, con tàu chỉ cần vài giây đã phóng đi xa lắc, xa lơ, nhưng tất cả hành khách thì vẫn còn ngồi chơi xơi nước trên sân ga!
Lập một thuyết tạo ra những nghịch lý khiến cho, không những các chuyên gia toán học, mà già trẻ lớn bé khắp cõi nhân gian, chẳng ai biết phải tính toán thế nào cho đúng, người có tinh thần trách nhiệm, ít nhất, cũng có đôi lời phân giải, hướng dẫn.
Nhưng Albert Einstein tỉnh rụi, không một lời giải thích, mặc thiên hạ ngơ ngác, nghệt mặt ra cả lũ với nhau.
Lạ lùng hơn nữa, chính cụ cũng thản nhiên dùng phương trình L=vt giống hệt như mọi người! Tưởng như lý thuyết cụ đẻ ra không hề có mặt trên đời.
Để tính chiều dài đoạn A– B, cụ viết: L = ct,
Với chiều dài đoạn A– C, cũng vậy: L’ = ct.
Nếu nhớ áp dụng TĐĐB, Einstein đã thấy A–B = L = ct = cx0 = 0 (zero).
Và AC cũng không khác L’ = ct = c x 0 = 0.
Nghĩa là trong con tàu di chuyển với vận tốc ánh sáng, chính ánh sáng lại bị đông cứng, không nhúc nhích được vì không có thì giờ để nhúc nhích. Tia sáng từ đèn A chiếu xuống sàn ở B, hay tia sáng hướng về C đều không được lý thuyết của Einstein – phần toán học -- cho phép rời khỏi bóng đèn!
Ngay khi viết xuống phương trình L = ct mà quên hẳn hiện tượng “vận tốc con tàu ảnh hưởng tốc độ của thời gian” do chính mình sáng tạo, Einstein đã mặc nhiên phủ nhận giá trị lý thuyết của mình.
Không tôn trọng những định luật, nguyên tắc căn bản của Vật Lý.
Không nhận ra chỗ sai trong hình vẽ, trong những bài toán, vẫn chưa hết thuốc chữa. Einstein còn nhiều dịp may để giật mình, khám phá ra những lỗi lầm nghiêm trọng khác, những chỗ phản vật lý của thuyết.
Khi đám đệ tử hớn hở trình cụ rằng họ để một đồng hồ nguyên tử trên một tàu bay (hay phi đạn gì đó) bay thật nhanh thì họ thấy quả thực đồng hồ chạy chậm lại chút xíu, chứng tỏ thuyết TĐĐB của cụ đúng… thì, là một khoa học gia lỗi lạc nhất thế giới, cụ phải thấy ngay cái “kiểm tra” của họ hoàn toàn phi vật lý.
Thời gian là một món vô thể chất, sự hiện hữu của nó mơ hồ như một ý niệm. Làm sao cái món vô thể chất ấy lại có sức tác động lên các cơ phận của đồng hồ, khiến nó chạy nhanh hay chậm?
Nếu có tinh thần trách nhiệm, cụ phải giảng ngay cho đệ tử những lời tương tự như lời phân tích của khoa học gia Charles Scurlock đăng trên diễn đàn của hội Theoretical Physics Group, khi trả lời câu hỏi: “Thời gian có giãn nở được như Einstein nói không?”
“Thời gian không phải là một vật thể, một biến cố, hay một hiện tượng có thực. Nó chỉ là một ý niệm trong tâm trí con người được sáng chế để đo lường, tính toán, cảm nhận và truyền tin về (sự hiện hữu) của các vật thể, các sự kiện, các hiện tượng (trong Vũ Trụ). Quan niệm rằng thời gian sở hữu một thể chất có thể bị ép lại hay nở ra được là quá sai lầm…”
Đúng vậy, không có thể chất thì lấy cái gì để giãn nở hay tác động trên cơ phận, máy móc, cường độ dòng điện của đồng hồ, mà khiến nó chạy chậm hay nhanh?
Nhưng Einstein không mắng ai, hoan hỉ nhận cái “kiểm tra” bằng đồng hồ ấy là một bằng chứng hùng hồn chứng tỏ thuyết TĐĐB đúng!
Tôi ngờ Einstein thiếu tinh thần trách nhiệm, và thú thực, dù kính trọng cụ như thần thánh, đôi khi cũng thấy bất mãn, hoang mang… Không lẽ bậc vĩ nhân này lại có những khiếm khuyết về tư cách, đạo đức đáng phàn nàn như vậy.
Cứ thế cho tới khi gặp lại một bài thơ của Lệ Lan – bài Năn Nỉ, Phạm Duy phổ nhạc.
Cô Lan, một trong những cô gái Việt dễ thương nhất thế gian, có một giấc mơ mà cô quyết tâm bảo vệ. Bằng lời lẽ dịu dàng nhưng quyết liệt, cô khuyến cáo thiên hạ:
Giấc mơ của cô xinh xinh, nho nhỏ thôi, nhưng cô không muốn đám nhân loại quanh cô ồn ào, lộn xộn, nhất là lại thô lỗ, vô duyên lay vai, bắt cô tỉnh dậy.
Tôi giật mình, nhớ tới Einstein và bừng tỉnh ngộ: Có thể từ khi lập thuyết TĐĐB, cụ đã chìm vào một giấc mộng dài.
Chỉ có đang mơ người ta mới chấp nhận dễ dàng, không chút băn khoăn, những môi trường, khung cảnh huyền hoặc, hoang đường, những sự kiện phi vật lý.
Giấc mơ của cô Lan vô cùng dễ thương: có thế giới chứa chan sắc màu tươi đẹp, có hạnh phúc tuyệt vời của một mối tình:
Giấc mơ của Einstein khác hẳn, vô cùng dễ nể, dễ sợ. Cụ mơ loài người mai đây sẽ có thể bắt thời gian trôi nhanh hay chậm tùy thích.
Biết Einstein đang mơ thì mừng, khỏi nghi oan cụ vô trách nhiệm. Nhưng lại thêm nhiều thắc mắc. Chuyện mơ màng của cụ có nhiều chỗ bất thường.
Cô Lệ Lan ý thức được mình đang mơ, xung quanh ai cũng tỉnh, nên phải phân trần: “Tôi còn trẻ quá cho tôi mơ mòng”.
Einstein không biết là mình đang mơ, và cuộc đời chung quanh cũng không làm ồn, đánh thức cụ. Trái lại, nó cũng đang cùng mơ với cụ.
Các khoa học gia cùng mơ và đua nhau “nâng cấp” giấc mơ ấy. Con tàu chạy nhanh bằng ánh sáng thì thời gian ngừng trôi, khách trong tàu sẽ không già thêm. Tàu chạy nhanh hơn ánh sáng thì được rong chơi miền quá khứ mệt nghỉ. Giấc mơ càng ngày càng vĩ đại, có tầm vóc bao trùm Vũ Trụ.
Mơ không truyền nhiễm. Ước mơ có thể chung, nhưng không có mơ tập thể.
Vậy mà cả trăm năm nay, các khoa học gia nhiều thế hệ đều cùng Einstein chung một giấc mơ dài. Trong đó thật giả không phân biệt, chuyện hoang đường, huyền hoặc được coi là thực tế. Những định luật Vật Lý không được tôn trọng. Chỉ thấy hết ảo tưởng này đến ảo tưởng khác và người nằm mơ thấy nhân loại vĩ đại, thấy chính mình đầy quyền năng, qua mặt Tạo Hóa vù vù.
Thôi, rõ như ban ngày rồi. Họ không chỉ mơ, họ đang say sưa. Không chỉ nhẹ nhàng như say rượu, mà nặng ký hơn nhiều, say vì ma túy!
Chỉ ma túy mới làm lý trí lu mờ, tạo được thế giới ảo, biến đổi khả năng nhận định, suy nghĩ, làm ta hết tỉnh táo, sáng suốt. Lại thường khiến ta hoang tưởng, tin là mình vô địch, có tài đảo lộn đất trời.
Viên thuốc TĐĐB do chính mình bào chế, làm tâm trí Einstein bớt sáng suốt, không thấy được những sai lầm sờ sờ trước mắt – hình vẽ sai, tính toán thì nói một đằng làm một nẻo. Những chuyện liên quan tới hệ quả của thuyết, dù hoang đường, huyền hoặc, phi vật lý đến thế nào cũng được chấp nhận.
Cũng viên thuốc ấy đã làm nhiều khoa học gia mê muội, tin ở những chuyện ngây ngô không ngờ.
Họ tin thời gian là chánh phạm trong tội ác tàn phá tuổi trẻ, sự sống của muôn loài. Phạm tội vì nó không kiểm soát được tốc độ khiến thiên hạ cứ bị già đi đều đều. Mai mốt có con tàu của Einstein bay nhanh bằng ánh sáng làm thời gian tê liệt, nó mới chịu bó tay, hết phá làng phá xóm.
Thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, tu sĩ, cuồng sĩ v.v… và tất cả những ai ít kiến thức khoa học đều có quyền chửi bới, rủa xả, lên án thời gian. Khoa học gia công bằng và tự trọng không thể khơi khơi kết tội oan nó như vậy.
Quí vị biết quá rồi mà. Tiến trình sinh diệt bắt đầu và chấm dứt bằng những chuyển biến hóa học, do những thể chất trong trời đất tương tác với nhau. Kiểm tra dễ ợt. Một thanh sắt phơi trần ngoài trời chỉ vài tuần đã rỉ sét, được sơn thật kỹ sẽ bền bỉ trăm năm. Vì Oxy không xâm phạm được, không vì thời gian đã ngừng trôi trong thanh sắt có sơn bao bọc. Da mặt bà hành khách tươi trẻ mãi vì bà chịu khó bôi kem dưỡng da, không vì nhờ lén lút đáp những chuyến tàu chạy nhanh bằng ánh sáng.
Với giấc mơ hiền hòa của Lệ Lan, chỉ cần lay vai là… vỡ mộng. Với người nghiền đang say ma túy, tôi thấy vô phương. Chỉ cầu mong các vị ấy, trong chức vụ giáo sư, khoa học gia, bớt hăng hái, nhiệt thành trong công tác phân phát độc dược cho các thế hệ sau, là quý hóa lắm rồi.
Riêng với các bạn trẻ, vừa nghe TĐĐB mắt đã sáng lên, nhưng chưa nghiện, thì vẫn có thuốc ngăn ngừa. Chỉ cần giảng cho các em, các cháu về bản chất sự hiện hữu của Thời Gian.
Tốc độ của Thời Gian.
Như đã nói, Thời Gian vô ảnh, vô hình, vô thể chất. Nó chỉ được “thấy” trong tâm trí, nhận thức của chúng ta, như một ý niệm. Sự hiện hữu của nó rất đáng ngờ.
Tuy nhiên, đã biết tới tên nó, cảm nhận được sự hiện diện của nó ở khắp nơi mà dám bảo nó không hiện hữu thì sẽ phải cãi nhau to với các triết gia. Vậy hãy tìm cho Thời Gian một kiểu hiện hữu thích hợp, tạm gọi là “hiện hữu tầm gửi”.
Màu sắc thuộc loại hiện hữu này. Thí dụ màu da cam. Ta thấy nó, tưởng chạm được vào nó, nhưng thiếu vỏ cam, nó biến mất. Muốn tái tạo, phải dùng vỏ cam hay sơn, bút chì màu, phấn tiên v.v…. Không thể tách riêng màu sắc ra như một thực thể riêng biệt, độc lập. Để được hiện hữu, nó phải gửi thân nơi một thực thể khác.
Màu sắc thấy được, nếu tinh tế còn cảm được độ nóng lạnh, vậy mà luôn luôn phải ăn gửi nằm nhờ. Thời Gian không kích động bất cứ một giác quan nào của con người, càng cần nơi nương tựa để hiện hữu.
Khách trọ Thời Gian rất trung thành, gắn bó tới những giây phút cuối cùng của quán trọ. Có thể là ngàn triệu năm trong tảng đá sườn non, có thể thoảng qua như bông hoa sớm nở tối tàn dưới chân đồi. Thời Gian ở cùng vạn vật, từ cái vô cùng nhỏ đến cái vô cùng lớn. Nó hiện hữu trong tất cả các vi phân tử, nguyên tử… là một phần bất khả phân ly của toàn thể Vũ Trụ.
Trong lúc Vũ Trụ chuyển vần, Thời Gian là máy đo tốc độ, là máy định vị, ghi nhận vị trí của muôn vật trong không gian từng mỗi sát na. Vì vậy, Einstein coi nó là “chiều thứ tư”.
Như thế, tốc độ của Thời Gian chính là tốc độ hiện hữu của Vũ Trụ.
Muốn nó chạy chậm lại hay ngừng trôi là bắt toàn thể Vũ Trụ phải giảm tốc độ hay ngưng vận hành.
Vậy nếu có ai cho các em, các cháu một viên thuốc, bảo uống vào thì tự nhiên có phép thuật cản ngăn đà tiến của Thời Gian thì đừng nhận, dù người đó có tự giới thiệu là đại diện của Albert Einstein.
***
Cô Lệ Lan có lý do chính đáng để mơ màng: Cô còn trẻ quá.
Tôi cũng đang mơ mòng rất có chính nghĩa, mơ giùm những người hôm nay đang còn quá trẻ như cô thủa nào.
Mơ rằng có một ngày không xa nhân loại sẽ gói ghém thật kỹ thuyết Tương Đối Đặc Biệt, lặng lẽ làm lễ tiễn đưa nó vào viện bảo tàng khoa học, cất ở một chỗ thật kín đáo, ngoài tầm với của trẻ em và… tất cả mọi người.
Lê Tất Điều