Quang cảnh buổi lễ an táng theo sinh táng
Chúng ta đã biết các loại tang ma khác nhau: địa táng (chôn xuống đất), hỏa táng, thủy táng (thường dành cho các lính thủy) … Chúng ta cũng biết một số cách tang ma người chết ở các vùng đất đặc biệt như Tây Tạng là điểu táng (ném xác cho chim ăn), hay có một số bộ lạc làm mộc táng (để người chết trên cây).
Nhưng có một cách an táng mới hoàn toàn, sắp được thực hiện ở Tiểu bang Washington, của Hoa Kỳ, đó là sinh táng (tạm dịch từ Recomposing). Khi thực hiện kiểu an táng này, cơ thể người chết sẽ được để trong một cái lồng kín, trong đó có dăm gỗ, rồi trồng lên một số loại cỏ. Sau 30 ngày, tử thi biến thành đất, và người thân đến lấy để bón cho cây cối trong vườn nhà.
Công ty đầu tiên làm việc này là Recompose của bà Katrina Spade ở thành phố Seattle, miền Tây Bắc nước Mỹ. Bà Spade và những người đồng sự đã thực hiện những dự án khoa học trong mấy năm liền, và cũng phải vận động giới nghị sĩ tiểu bang Washington ban hành luật cho phép.
Theo những người chủ trương Recompose, thì việc sinh táng này sẽ làm giảm lượng carbon xả vào khí quyển rất nhiều, và như thế sẽ góp phần chống việc biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu.
Ngoài việc chống biến đổi khí hậu, như biện luận của Recompose, việc biến thân xác thành đất, có vẻ cũng là một giải pháp cho nạn nhân mãn trên trái đất chúng ta, khi mà con người ngày càng đông lên, người ta thiếu … đất. Ðất để làm nghĩa trang.
Mà đất cùng với nhiều tài nguyên khác, nước, động vật, thực vật, sẽ trở thành của hiếm trong tương lai. Ðiều này không phải người ta mới ý thức được, mà đã là một sự lo âu từ rất lâu.
Cách đây gần nửa thế kỷ, vào năm 1973, các nhà điện ảnh Mỹ cho ra đời bộ phim viễn tưởng Mặt trời xanh (Soylent Green), dựng từ quyển tiểu thuyết Soleil Vert (Mặt trời xanh, viết theo tiếng Pháp) ra đời từ năm 1966 mô tả sự hiếm hoi trong xã hội tương lai. Trong tương lai của Mặt trời xanh, người ta không còn nhiều các vật phẩm thiên nhiên nữa. Những công dân được tưởng thưởng của xã hội ấy sẽ được nghe tiếng suối róc rách còn sót lại trên quả đất. Còn thức ăn thì họ không còn thịt cá, rau quả thiên nhiên nữa, mà chỉ ăn những thức ăn tổng hợp mà thôi. Bối cảnh của bộ phim là thành phố New York vào năm 2022. Nay chúng ta đã ở năm 2020, các nhà điện ảnh quả là có quá lời khi đưa ra những kịch bản nghiệt ngã như vậy. Nhưng nếu chúng ta quan sát những trận cháy rừng kinh hoàng ở California, Úc, và trong khi tôi viết những dòng này thì người Việt Nam ở miền Tây Nam bộ đang chuẩn bị hứng chịu một trận hạn hán mới, người ta dự báo sông Cửu Long đang đi đến những ngày cuối cùng của nó, thì chúng ta thấy rằng Mặt trời xanh cũng không phải là quá đáng.
Phân bón thực vật, compost
Trước cả khi quyển tiểu thuyết Mặt trời xanh ra đời, tại Áo, vào những năm 1920, người ta bắt đầu làm phân bón hữu cơ từ các chất thải là thực vật như rau,củ, trái cây, lá vườn. Khái niệm compost ra đời từ đó.
Từ đó đến nay, tại các quốc gia Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc … người ta phân loại rác để lựa ra các chất hữu cơ thực vật để đưa vào các nhà máy làm compost. Không những thế, người ta còn có thể ủ phân bón compost tại gia, với rất nhiều loại thiết bị khác nhau.
Nhưng làm compost thân thể người thì quả là lần đầu tiên.
Bà Spade cho biết là ý tưởng này bà đã có cách đây 13 năm, khi bà đặt câu hỏi là: Sau khi chết, thì chúng ta phải làm gì để trả ơn cho Trái đất đã phụng dưỡng chúng ta cả cuộc đời.
Ðể đỡ tốn kém đất đai làm nghĩa trang, các quốc gia phát triển đã thực hiện hỏa táng từ lâu, một biện pháp ma chay được cho là đến từ Á châu. Và gần đây, với kỹ thuật tân tiến, người ta còn có thể biến thân xác người thân của bạn thành một … viên kim cương, vì kim cương cũng như cơ thể chúng ta, đều được cấu tạo từ những phần tử carbon cả.
Nhưng hỏa táng, hay “kim cương” táng đều phải sử dụng một lượng lớn năng lượng, và tống ra ngoài không khí một lượng lớn chất thán khí, nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.
Ðể có thể thực hiện dịch vụ sinh táng trên quy mô thương mại vào tháng Hai năm 2021, Recompose đã thực hiện sáu vụ sinh táng với sáu người tình nguyện hiến xác họ cho thử nghiệm, và trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin BBC của Anh quốc, bà Spade nói đã có đến 15 ngàn người ký thư ngỏ để vận động việc cho phép sinh táng. Tuy nhiên hiện việc sinh táng này mới chỉ được cho phép trong tiểu bang Washington, và cũng chưa thấy thông tin về chi phí của việc an táng mới này.
Giá cả là một điều quan trọng, vì nó gắn với cuộc sống của những người … còn đang sống, dù họ có ý thức về biến đổi khí hậu tới đâu đi nữa mà giá cao quá thì cũng không thể. Giá cả của việc mua đất nghĩa trang, hay “kim cương” táng hiện nay có thể lên đến 10 ngàn Dollard.
Cát bụi
Nhưng nếu vấn đề giá cả được giải quyết thì liệu những quan điểm truyền thống có ngăn trở chúng ta thực hiện việc sinh táng cho người thân hay không? Chúng ta sẽ không còn viếng mộ phần người thân trong tiết thanh minh, không viếng bình tro cốt người thân trong các ngôi chùa ngày giỗ chạp! Và rồi nếu thân xác biến thành đất sau khi sinh táng, được bón cho cây cối trong vườn nhà, mà căn nhà ấy được bán đi thì sao?
Cách đây độ ba mươi năm có một nhà sư xứ Suriname ở Nam Mỹ đến Việt Nam. Khi trả lời báo chí về những gì ông để lại sau khi viên tịch, ông trả lời rằng ông chỉ để lại những dấu chân.
Thuở sinh thời, Ðức Phật Thích Ca cũng từng nói với các đồ đệ rằng ông không ngủ hai lần dưới một gốc cây trong rừng, vì sợ quyến luyến nó, không xả bỏ, không giải thoát được.
Cách đây gần hai mươi năm, trong một diễn biến rất hiếm hoi của nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản, hàng trăm ngàn người dân Sài Gòn xuống đường đưa Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng. Bên mộ phần của cố nhạc sĩ, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn tiễn biệt họ Trịnh bằng chính bài hát của ông … bài Cát bụi. Nhưng sau đó người nhạc sĩ tài hoa vẫn chưa về hẳn với cát bụi, với những chuyện di dời, giải tỏa phiền phức liên quan đến mộ phần của ông.
Bà Katrina Spade thì quả quyết rằng Cát bụi thực sự trở về với Cát bụi chỉ sau 30 ngày!
Nguyễn Hòa
(California – USA)