“Con trai của ông bà là một Thiên Tài!”
Đó là một ngày đẹp trời vào những năm 1854~1855, khi cậu bé Thomas mới khoảng 7 tuổi. Hôm ấy, Thomas chạy từ trường về nhà và nói với mẹ:
- Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!
Bà Nancy Elliott cẩn thận mở ra đọc, bên trong là lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Thomas. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé Thomas đứng ngẩn người ra vì kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?
Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình: “Con trai của ông bà là một Thiên Tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.
Nhiều năm sau đó, mẹ của Thomas đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison). Một ngày khi Thomas xem lại những kỷ vật của gia đình, cậu vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Thomas tò mò đã mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết: "Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.
Thomas đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, cậu viết trong nhật ký rằng: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, mà nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Câu chuyện trên là một giai thoại nổi tiếng về thiên tài sáng chế Thomas Edison. Việc thầy giáo gọi Edison là đứa trẻ “rối trí” là có thật, việc Edison bị đuổi học là có thật, và việc Edison được mẹ kèm cặp riêng tại nhà cũng là có thật.
Ngày nay, chúng ta nhắc về Thomas Edison như một nhà phát minh lỗi lạc, một biểu tượng của trí tuệ và thành công. Thế nhưng, tuổi thơ của ông lại gắn liền với một chuỗi những thất bại. Các giáo viên trong trường ruồng bỏ và coi Edison là đứa trẻ đần độn “không thể dạy dỗ được”; cha của ông thì cho rằng Edison có vấn đề về thần kinh và chậm phát triển, mãi tới 4 tuổi mới bắt đầu biết nói; bác sĩ gia đình thì e ngại rằng trí não của Edison bị tổn hại từ thuở lọt lòng; bản thân ông cũng là đứa trẻ yếu ớt và hay đau ốm, đến mức người ta lo sợ rằng Edison sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành…
Thế nhưng, khi tất cả mọi người đều quay lưng và nói rằng Edison là không có triển vọng, thì vẫn có một người luôn đặt trọn niềm tin vào ông. Đó chính là “người mẹ của Thiên tài” – bà Nancy Elliott – người không bao giờ từ bỏ hy vọng vào con trai mình. Chính tình yêu và sự hy sinh vĩ đại ấy đã nâng đỡ và đánh thức tiềm năng trong ông, gieo vào ông những hạt giống của niềm tin để chúng nảy nở, đơm hoa, rồi kết trái. Và nếu không có một người mẹ như bà Nancy Elliott, có lẽ nhân loại chúng ta sẽ vắng bóng những chiếc bóng đèn điện, những chiếc máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm, và hàng ngàn phát minh ưu việt khác.
Phẩm chất số 1: Tĩnh (bình tĩnh)
Tôi từng đọc được một bài viết của trang Vision Times có tựa đề “Sự giáo dục vĩ đại nhất là 'cảm xúc ôn hòa' của người mẹ”. Tác giả bài viết cho rằng, "Nhiều người Mẹ rất nhạy bén, có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều vấn đề của con và lập tức chỉ ra; hơn nữa, còn nhắc lại nhiều lần, thậm chí trước mặt nhiều người cứ nói con mình chỗ này không tốt chỗ kia không tốt. Nhưng như thế liệu đã thật sự đúng đắn? Kỳ thực, khi mẹ nhìn thấy ưu và khuyết điểm của con mình, đừng nên bị động, cũng đừng rối loạn. Bởi vì con cái cần một người mẹ có cảm xúc ôn hòa để nuôi dưỡng và bảo vệ, chỉ khi người Mẹ nhìn thấy ưu và nhược điểm của con nhưng vẫn bình ổn thì mới có thể cấp cho các con động lực để trưởng thành”.
Cảm xúc của người mẹ không ổn định, cả nhà cũng chao đảo dập dềnh. Nếu trẻ ở trên con thuyền như vậy của người mẹ thì chỉ một chút động tĩnh thôi cũng ảnh hưởng đến trẻ, phá vỡ trạng thái ổn định của trẻ, trẻ phải mất rất nhiều sức lực để làm dịu lại cảm xúc lo lắng trong lòng mình, vậy thì còn lại bao nhiêu năng lượng để dùng vào việc học và trưởng thành đây?
Trong câu chuyện ban nãy, mẹ của Thomas Edison khi nhận được thư của thầy giáo nói con mình là một đứa trẻ rối trí và bị đuổi học, trước khuyết điểm nghiêm trọng này của con trai, bà đã phản ứng ra sao? Bà đã “TĨNH” lại được, chính là ở chữ TĨNH này. Nhờ tĩnh lại được, bà không biểu lộ sự thất vọng, hay giận dữ trước mặt Edison, thậm chí còn gieo vào lòng cậu bé niềm tin rằng mình có tố chất của một thiên tài.
Mẹ của Tôn Thúc Ngao
Trong lịch sử Á Đông cũng có một người mẹ nổi tiếng làm được chữ TĨNH này. Đó là mẹ của Tôn Thúc Ngao, lệnh doãn nước Sở thời Xuân Thu. Chức vụ lệnh doãn tương đương với tể tướng. Tôn Thúc Ngao là người có công giúp Sở Trang Vương xưng bá chư hầu. Sử sách chép rằng Tôn Thúc Ngao thi hành giáo hóa, trên dưới hòa hợp, phong tục tốt đẹp, giảm nhẹ hình phạt, quan lại không tham nhũng, giặc cướp không nổi lên; Thu, Đông khuyên dân cày cấy, Xuân, Hạ chài lưới, dân chúng sinh hoạt an vui, nước Sở trở nên giàu mạnh.
Truyện kể rằng khi Tôn Thúc Ngao còn bé, một lần đi chơi gặp một con rắn hai đầu. Thúc Ngao tự nghĩ: Người ta thường nói, kẻ nào thấy rắn hai đầu tất vong mạng. Nay, ta thấy con vật chẳng lành này thì khó sống nổi. Vậy ta hãy giết nó đi để tránh cho người khác khỏi mắc nạn như ta. Nghĩ vậy, Thúc Ngao bèn đánh chết con rắn, chôn nơi bờ ruộng. Khi về tới nhà, khi nhìn thấy mẹ, ông liền khóc. Mẹ hỏi nguyên cớ thì đáp rằng:
- Con nghe nói, người nhìn thấy rắn hai đầu ắt phải chết. Hôm nay, lúc con đi chơi thì nhìn thấy.
Người mẹ hỏi:
- Hiện nay con rắn ở đâu?
Ông trả lời:
- Con sợ người khác cũng nhìn thấy nên đã giết chết và đem chôn rồi!
Người mẹ nói:
- Con sẽ không chết, những người mà tích nhiều phúc đức thì sống ở dương thế nhất định sẽ được báo đáp. Giữ vững đạo đức có thể chiến thắng điềm không may, giữ vững nhân nghĩa có thể tránh được các tai họa. Ông trời tuy ở trên cao, nhưng có thể nghe được tiếng lòng ở nơi dưới đất. Chẳng phải trong Thượng Thư có nói: “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ” (trời xanh không thiên vị ai, ai có đức thì giúp đỡ người đó). Con chớ lo lắng, con nhất định có thành tựu ở nước Sở.
Sau này khi Tôn Thúc Ngao trưởng thành, quả thật làm Lệnh doãn nước Sở.
Phẩm chất số 2: Từ (hiền từ)
Cũng trong bài viết trên Vision Times có đoạn:
“Quát tháo ầm ĩ, làm một người Mẹ suốt ngày cằn nhằn sẽ khiến con cái dần dần cảm thấy thế giới này không có gì thoải mái, vui vẻ cả. Trẻ sẽ mất đi phương hướng và người mẹ cũng sẽ không còn khả năng dạy dỗ con nữa, trẻ sẽ trở nên càng đáng sợ hơn.
Sức mạnh thật sự của một người mẹ là sự hiền từ, khiến mọi người cảm thấy lòng bao dung như biển cả, đây chính là vùng đất bao la để con trưởng thành. Hình tượng của một người mẹ như thế chính là quy tắc dạy con, lời nói chính là phương hướng cho con. Một đứa trẻ học lực kém không hẳn là do trí lực kém mà là “vấn đề về cảm xúc”, học không giỏi có thể là vì bị cảm xúc tiêu cực làm phiền.
Cha Mẹ càng lo âu và nóng nảy thì kết quả học tập của con trẻ càng tệ hơn. Chỉ khi tâm trạng của trẻ bình ổn thì mới có thể tiếp thu, khám phá, tư duy lý tính, tìm tòi, sáng tạo, mới có thể thật sự ưu tú”.
Trong câu chuyện về Thomas Edison, bà Nancy Elliott không chỉ bình tĩnh khi đối diện với đả kích to lớn, mà còn dùng sự hiền từ, bao dung của mình để dạy dỗ Edison tại nhà.
Trong cuốn tiểu sử cuộc đời mình cũng như rất nhiều bài phỏng vấn khác nhau, Edison luôn nhắc về mẹ với tấm lòng thành kính. Ông nói: “Tôi đã luôn là một đứa trẻ bất cẩn, và với một người mẹ có tính khí khác nhau thì đáng lẽ tôi đã trở nên hư hỏng. Nhưng chính sự kiên định, ngọt ngào, và dịu dàng của mẹ đã tạo nên sức mạnh to lớn để giữ tôi bước đi trên con đường ngay chính. Chính mẹ đã tạo ra tôi…”
Mẹ Khấu Chuẩn dạy con “Tu thân vì nhân dân”
Trong lịch sử Á Đông, cũng có một người mẹ đã thành tựu đức hạnh cho con trai mình bằng sự giáo dục nghiêm khắc mà hiền từ, bao dung.
Truyện kể rằng, Khấu Chuẩn từ nhỏ đã mồ côi cha, gia cảnh nghèo khó, hoàn toàn dựa vào nghề dệt vải của mẹ mà sống qua ngày. Đêm đêm, mẹ Khấu Chuẩn thường vừa dệt vải vừa dạy con đọc sách và đôn đốc học tập.
Sau này, Khấu Chuẩn về kinh thành dự thi, đậu tiến sỹ. Đúng lúc có tin vui thì mẹ của Khấu Chuẩn bị bệnh nặng. Phút lâm chung, bà giao bức họa tự vẽ cho người nhà họ Lưu, nói rằng:
- Khấu Chuẩn ngày sau nhất định sẽ làm quan. Khi nó phạm lỗi lầm thì bà hãy trao bức họa này cho nó!
Sau này, Khấu Chuẩn làm Tể tướng. Một lần ông mời mấy người bạn tới nhà chúc mừng sinh nhật bản thân, chuẩn bị mở tiệc chiêu đãi đồng liêu. Bà Lưu cho rằng đã đúng lúc rồi, bèn lấy bức họa của bà Khấu đưa cho ông. Khấu Chuẩn xem qua, nhìn thấy một tấm “Hàn song khóa tử đồ”, trên bức vẽ là một bài thơ:
Cô độc dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì nhân dân.
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh bần hàn.
Sau khi nhận được lời di huấn của mẹ, Khấu Chuẩn đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Bất giác, lệ tràn như suối. Ông lập tức giải tán tiệc mừng thọ.
Từ đó về sau, ông luôn luôn giữ mình trong sạch, thương yêu nhân dân, luôn theo lẽ công bằng, không vụ lợi cho bản thân và trở thành vị Tể tướng tài đức danh tiếng thời nhà Tống.
Quý vị thân mến,
Những người tài đức trên thế gian này phần nhiều đều có một người mẹ hiền đức. Thông qua những câu chuyện kể trên, chúng ta có thể thấy hai phẩm chất làm nên một người mẹ như vậy, đó là chữ "Tĩnh" và chữ "Từ". "Tĩnh" trong bình tĩnh, an tĩnh; và "từ" trong hiền từ, nhân từ. Người mẹ an tĩnh như con thuyền vững vàng qua sóng gió. Người mẹ hiền từ có tấm lòng bao dung như biển cả là môi trường lý tưởng cho con trưởng thành và bay xa.
Dĩ nhiên, một người mẹ tốt còn cần nhiều phẩm chất khác nữa, bài viết này chỉ bàn luận về một khía cạnh rất nhỏ. Còn bạn, bạn nghĩ đức tính nào là quan trọng nhất đối với một người mẹ? Hãy chia sẻ cho tôi và mọi người cùng biết nhé!
Cuối cùng, xin kính chúc quý vị, những bậc làm cha mẹ sẽ nuôi dạy được những người con có cả đức lẫn tài, và chúc những người con trong thế gian này đều không phụ tấm lòng của cha mẹ.