Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

NHẮC LẠI CHUYỆN CŨ VỚI SỰ THẬT BỊ CHE GIẤU

Trung Kien
(@trung-kien)
Thành Viên

Đám Tang Trung Tá Nguyễn Tuấn Và Gia Đình 1968

 

Những người dự lễ an táng xếp hàng dọc theo huyệt mộ của Trung tá Quân đội Nam Việt Nam Nguyễn Tuấn cùng với vợ và năm người con của ông tại nghĩa trang Mạc Định Chi ở Sài Gòn ngày 6-2-1968. Trung tá Tuấn, Chỉ huy trưởng trường Thiết giáp Thủ Đức ở Sài Gòn, đã bị Việt Cộng chặt đầu hôm 31 tháng 1 khi ông từ chối hỗ trợ trong cuộc tấn công của họ. Vợ và các con của ông đã bị giết khi cộng sản nổ súng và ném lựu đạn vào hầm tránh bom nơi bà và các con đang ẩn núp. Một người con trai đã sống sót.
 
Tấm hình của Eddie Adams cho thấy “một nửa sự thật”. Tấm hình dưới đây cho thấy nửa còn lại – thương tâm, bi thảm hơn rất nhiều.
 
Trong nhiều sự việc minh chứng cho Sự Bi Thảm Của Niềm Tin Một Chiều, tôi xin được nhắc tới ông Nguyễn Ngọc Loan. Vị tướng của Miền Nam Việt Nam thời đất nước phân đôi, lừng danh tài ba, góc cạnh và gan dạ…
Tôi chưa từng quen biết trực tiếp với ông, dù đã được ông bắt tay. Người chị của ông, bác sĩ Tuyết là người quen của gia đình, làm tại bệnh viện Từ Dũ.
 
Năm tôi 11 hay 12 tuổi gì đó, chị tôi có việc dẫn tôi tới thăm bác sĩ Tuyết. Lúc đó, không biết có việc gì, ông Loan cũng tạt ngang. ng mặc đồ dân sự, tóc húi cua, nét mặt vui vẻ, trong dáng đi có vẻ hơi nhún nhẩy, tới bắt tay và vỗ vỗ khích lệ vào vai tôi. Theo quan điểm thời đó, so với ông, tôi là đứa con nít cóc! Về nhà, chị tôi nói thằng này ngon ha, bây lớn mà được ông tướng bắt tay! Lần đó tôi được biết tướng Loan gốc miền Trung, gia đình rân rác, có bằng cấp cao. Theo bạn bè, đồng nghiệp, cô Tuyết nổi tiếng khó tính, nhưng làm việc tận tình, tuân thủ các nguyên tắc làm việc của một bác sĩ. Cô nói với tôi sau này muốn học bác sĩ cô sẽ giới thiệu người giỏi chỉ các ngóc ngách trong nghề…
 


Khoảng nửa năm sau, gặp trên báo hình tướng Loan kê súng vào đầu, bóp cò bắn chết một cán binh Việt Cộng. Bắn giữa Sài Gòn khi anh này bị trói tay. Tôi lạnh mình, bây giờ còn nhớ nghe rõ tiếng tim đập mạnh một cái rồi như đông cứng lại. Chị tôi nói thấy hình này chắc chị Tuyết khổ lắm. Chỉ khó tính nhưng là người tốt, có lương tâm nghề nghiệp, không biết sao có ông em ác dữ vậy! Một người chị khác, nói gặp ngoài đời ông Loan ngang tàng mà lịch lãm, nói chuyện biết ổng là người thông minh, có kiến thức, không hiểu tại cuộc chiến làm người ta hung bạo hay ổng thiệt có bản tính của ác nhân, “tri nhân, tri diện, bất tri tâm”…
 
Ấn tượng về tướng Loan “ác nhân thất đức” khiến gia đình tôi ít lui tới gia đình ông hơn. Chị tôi nói dù chị Tuyết tốt, chị cũng ngại giao thiệp vì nhớ cảnh ông Loan bắn người ta như vậy. Chị ghê sợ! Sau đó, qua vài người bạn, tôi có nghe nói lúc đó tướng Loan nổi khùng vì cả gia đình người bạn cấp dưới của ông bị tàn sát. Có nghe nhưng không để tâm lắm, tấm hình “bắn người bị trói” cứ ám ảnh trong tâm thức và tiềm thức khiến tôi, một cách không cố ý, chối bỏ những thông tin trái ngược với cảm nhận của mình.
 
Sau năm 1975, tấm ảnh đó được các anh tuyên huấn thành đoàn, tuyên huấn thành ủy, trong các buổi giảng chính trị, nhắc lại không ít lần minh họa cho tính khát máu của sĩ quan chế độ “ngụy”. Thậm chí, một số người còn nói: “Giữa Sài Gòn mà tướng chúng cón bắn chiến binh của ta như vậy, thì nơi xa trung tâm chúng còn tiến hành giết chóc, hãm hiếp, mổ bụng, ăn gan, uống máu thường dân tới mức nào… Tội ác Mỹ Ngụy trời không dung đất không tha, đem ra bắn cũng không phải là quá. Nhưng chế độ ta không làm vậy, bắt chúng học tập cải tạo là nhân từ với chúng lắm rồi!”
 
Giữa thập niên 1980s, ra nước ngoài, tôi mới chú ý tới tấm hình gia đình ông Nguyễn Tuấn, một người bạn thân và chiến hữu với ông Loan, bị tàn sát cùng với vợ, sáu con nhỏ và mẹ già trên tám mươi tuổi. Tấm hình khiến tôi ghê sợ còn hơn tấm hình chụp tướng Loan năm xưa.
 
Năm 1992, ông Nguyễn Cao Kỳ qua Vancouver, tới quán thịt bò Tư Nới. Tôi có dịp nói chuyện với ông. Khi hỏi về chuyện cũ, ông không nói gì về người bạn chiến đấu năm xưa, tướng Loan. Tôi hỏi các sự kiện đã xảy ra có thật không, ông nói quả có thật. Và ông nói thêm: “có một sự thật, nhưng nó được chiếu ra, được nối tiếp theo bằng những hành động và cảm tưởng khác nhau”. Tướng Kỳ, theo cảm nhận chung của nhiều người quen biết, là người chịu chơi, hết mình, bộc trực, võ biền, tính cách khác với tổng thống Thiệu thâm trầm. Không biết võ biền như thế nào, nhưng gừng già quả có cay, câu nói của ông rúng động tôi rất nhiều!
 
Một nguyên tắc căn bản của phương pháp luận khoa học là tính hoài nghi, tính chấp nhận quan điểm khác biệt. Hoài nghi chính những kiến thức của mình, và chấp nhận các quan điểm ngược với điều mình biết, mình tin là đúng. Hoài nghi và chấp nhận mới có thể ngày càng tiệm cận hơn với sự thật, mới ngày càng nâng cao tri thức… Tại sao từ năm 1975, tôi hoàn toàn quên nguyên tắc này? Tại sao nhiều bậc cha anh trí thức nổi tiếng của tôi, cả Miền Bắc và Miền Nam, cũng quên điều này?
 
Năm 1990, một sĩ quan không quân Miền Nam, đang định cư tại Bỉ, người đã cấp bom cho ông Nguyễn Thành Trung trong chuyến bay chiều 28/4/1975 để rồi viên phi công này dội bom dinh Độc Lập, kể lại lúc đó tướng Loan đang giữa trận tiền chống trả các đợt tấn công Mậu Thân vi phạm thỏa thuận đình chiến. Ông tất bật liên tục đối phó với các đợt tấn công của những chiến binh mặc đồ dân sự, nhiều người lính của ông chết vì bắn tỉa từ những chiến binh nấp sau màu áo dân sự đó. Một lính dưới quyền báo tin tai họa ập tới gia đình người bạn thân của ông, một sĩ quan. Ông tức tốc tới nơi, chứng kiến toàn gia bạn mình, mẹ già, vợ trẻ, con nhỏ, bị thảm sát với hoàn cảnh tay không vũ khí, đó là cảnh tượng mà sau này tôi thấy qua tấm ảnh ghê rợn nói trên. Ông quay về sở chỉ huy tiền phương đóng gần bên, và lúc đó ông Bảy Lốp được dẫn tới với báo cáo là người chỉ huy cuộc thảm sát kia…
 
Tôi chưa bao giờ đồng ý với hành động bắn người như tướng Loan đã làm. Nhiều người quen của tôi cũng vậy. Chưa trải qua cảnh ông đã trải, tôi không biết nếu là ông lúc đó mình sẽ ứng xử và hành động như thế nào! Sẽ bình tĩnh và thậm chí cao thượng hơn, hay sẽ bắn không chỉ Bảy Lốp mà nhiều người khác nữa? Do đó, tôi không dám phê bình… Nhưng từ khi biết về hoàn cảnh, bối cảnh của sự việc, lòng ghê sợ tướng Loan vì tấm hình năm 1968 giảm đi và thỉnh thoảng tôi còn nhớ ông với lòng thương cảm. Một con người sống dưới áp lực dư luận nặng như vậy thật đáng thương cảm! Lại còn những tự dằn vặt khi đối diện với chính mình. Càng thương cảm hơn khi biết sau năm 1975, một phong trào đòi trục xuất ông ra khỏi Hoa Kỳ vì cho rằng ông phạm tội diệt chủng. Tang chứng là tấm hình. Trước sự ngạc nhiên của không ít người, Eddie Adams, người chụp tấm hình về sau đoạt giải ảnh báo chí danh giá Pulitzer đó, đã xin lỗi ông Loan và yêu cầu ông được ở lại Mỹ. Tôi nghĩ, cho dù biết hết mọi ngóc ngách của sự việc, nhiều ngưởi vẫn kinh sợ tướng Loan vì tấm hình tố cáo sắc nét. Bài viết không nhằm bênh vực, biện minh cho bất kỳ ai mà chỉ nêu rằng thông tin cần được minh bạch để mỗi người tự nhận xét, quyết định.
 
Eddie đã viết những dòng rất cảm động xin lỗi tướng Loan vào dịp tang lễ viên tướng này: “Hai người đã chết trong tấm hình đó: người bị bắn và tướng Loan. Viên tướng giết người Việt Cộng, tôi thì giết viên tướng. Tôi giết ông bằng máy chụp hình. Hình chụp là vũ khí mạnh nhất thế giới. Người ta tin chúng, nhưng chúng lại nói dối ngay cả khi người chụp thật lòng: chúng chỉ cho thấy nửa sự thật!”
 
Eddie đặt ra câu hỏi cho những người Mỹ lên án tướng Loan: “Nếu anh là viên tướng, vào lúc đó, tại nơi đó, trong ngày [chiến tranh] nóng bỏng đó, và anh bắt được người [được xem là] độc ác vừa giết đi một, hai hay ba người Mỹ?”
 
Eddie hàm ý thán phục thái độ của ông Loan: “Tấm hình thật đã đảo lộn cả cuộc đời ông. Ông chưa hề trách tôi. Ông nói nếu tôi không chụp thì có thể người khác cũng đã chụp”.
 
Và Eddie khóc tướng Loan: “Nghe tin ông mất, tôi gởi hoa và viết “mắt tôi đầy lệ”!
 
Eddie Adams
 
Cho tới bây giờ, tất cả tin tức về tướng Loan như kể trên không được đăng trên báo chính thống trong nước. Về ông, người ta chỉ biết tấm hình đang bắn ông Bảy Lốp. Nếu không được đọc tin tức từ nước ngoài, chắc rằng lòng kinh tởm ông Loan không bao giờ nhạt bớt trong tôi.
 
Việc thiếu tin tức khiến người ta dễ lầm lạc, từ đó dễ xa cách, nghi ngờ, căm ghét nhau; cũng khiến người ta khó thông cảm, bao dung, cộng tác, thương yêu nhau. Đó là chưa kể những người lợi dụng sự thiếu thông tin để tung ra tin tức ngụy tạo, dối trá càng đẩy xã hội vào chốn hận thù, bạo lực u mê. Phải chăng sự thiếu tin tức khiến năm xưa nhiều người không thấy cuộc sống dân chủ, yên lành, sung túc của Miền Nam? Khiến nhiều người thực lòng tin binh sĩ Miền Nam “tiến hành giết chóc, hãm hiếp, mổ bụng, ăn gan, uống máu thường dân”, thực lòng tin rằng nhân dân Miền Nam bị đọa đày, bóc lột cùng cực bởi Mỹ Ngụy, do đó cần được sớm giải phóng? Sự thiếu tin tức có liên quan gì tới việc ông Bảy Lốp tàn sát cả gia đình ông Nguyễn Tuấn, không tha người lớn tuổi, đàn bà, con nít? Rộng lớn hơn, có liên quan gì tới cuộc chiến tương tàn hủy diệt sinh lực Tổ Quốc thời đất nước phân đôi, thay vì mỗi miền phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no chờ ngày hợp nhất? Sâu xa hơn, có liên quan gì tới chính sách bắt “ngụy quân, ngụy quyền” đi học tập nơi núi hẻo rừng xa, một chính sách đào quá sâu mối chia rẽ dân tộc tới tận bây giờ?
 
Ông Loan, một người có tài, có học thức, dám làm dám chịu, có thể thành một gương mặt hiền tài nổi bật góp phần thúc đẩy phát triển quốc gia. Sấm sét lịch sử giáng xuống dân tộc, và ông đã không may hứng nhận! Bậc hậu sinh viết bài này chỉ mong từ nay về sau tai ương không còn đổ xuống Tổ Quốc, và những người con của Mẹ Việt Nam quây quần yêu thương trong một xã hội đầy tình nhân ái… Hướng về tương lai đó, tự do thông tin và tự do ngôn luận rõ ràng có vai trò rất quan trọng.
 
Một hậu duệ của người có liên quan tới Tấm Hình Định Mệnh đó là ông Nguyễn Từ Huấn, người con còn sống sót trong ngày định mệnh năm mươi mốt năm xưa. Ông vừa được thăng chức Phó Đề Đốc hải quân Mỹ, được sự mến phục của nhiều người. Sự mến phục không chỉ vì tài năng và thành quả đạt được, mà lớn hơn là vì tấm lòng hiếu hòa, quảng đại, vừa biết ơn nghĩa và phụng sự nước Hoa Kỳ tự do dân chủ với các giá trị cao thượng vừa không quên nguồn cội tổ tiên. Một nhân vật như vậy, có mối liên quan trong cuộc chiến trước kia như vậy, nếu Việt Nam biết dùng, sẽ có vai trò rất lớn trong hòa giải hòa hợp dân tộc, một sự hòa giải thực lòng giữa những người anh em khác hướng đi năm xưa! Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn có thể là một cơ may cho vận nước không?
 
Tôi tra Google tên ông Nguyễn Từ Huấn. Trong hai trang đầu có 20 đường dẫn, trừ đi 4 đường dẫn youtube, facebook, và wikipedia, còn lại 16 đường dẫn. Trong 16 đường dẫn đó, chỉ mở được một đường dẫn của DKN.TV (Đại Kỷ Nguyên), 15 đường dẫn kia bị chặn!
 
Tự Do Thông Tin và Hòa Giải Dân Tộc cho Tổ Quốc tôi còn xa vời lắm không? Trong khi tàu chiến Trung Cộng đang cày xới lãnh hải Việt Nam từ mấy tháng nay!
 
Lê Học Lãnh Vân
 
***
 

Saigon 1968 - Đám tang gia đình Trung tá thiết giáp Nguyễn Tuấn với 6 chiếc quan tài

 
 
[“Nói đến biến cố Tết Mậu Thân mà không nhắc tới cố Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan là một thiếu sót lớn nếu không nói là đắc tội với ông.
 
Vài ngày trước khi biến cố này xảy ra ở Sài Gòn vào đêm mồng 1 Tết, ông Loan đã ra lệnh cho Tổng nha Cảnh sát và các Ty, các Chi cảnh sát đào giao thông hào, sắp bao cát chuẩn bị, như thế nghĩa là ông nắm vững tin tình báo cộng quân sẽ tấn công vào dịp Tết.
 
Khi vụ Mậu Thân xảy ra ở Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về Mỹ Tho ăn Tết, nên Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã điều động cuộc chiến phản công tại thủ đô.
 
Một tên Việt cộng mặc đồ dân sự tên Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp tại mặt trận Chợ Lớn đã giết rất nhiều thường dân và cả gia đình Trung tá thiết giáp Nguyễn Tuấn gồm cả mẹ già 80 tuổi. Chỉ có một bé trai lên 10, tuy bị thương nặng nhưng được cứu sống. Nguyễn Văn Lém bị bắt gần một hố chôn tập thể 34 thường dân bị giết. Lém khai rằng y rất tự hào là tác giả hố chôn tập thể đám người này, vì đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Lúc bị bắt, Lém mặc quần xà lỏn, áo sơ mi cụt cánh, hai tay bị trói trặt về phía sau mông, nhưng trong người vẫn còn đeo khẩu súng lục. Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã được báo cáo về những hành động giết người dã man của Nguyễn Văn Lém và chính ông đã hành quyết Nguyễn Văn Lém ngay tại phạm trường. (1)
 
Tất cả diễn tiến vụ tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên đặc công VC Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp đều được ghi vào ống kính của Eddie Adams. Cũng có một người Việt Nam, ông Võ Sửu của đài NBC quay được cảnh đó, nhưng bất công thay, chỉ có bức hình của Adams là được các báo trên thế giới đăng tải.
 
Adams kể lại lúc Tướng Loan bắn Bảy Lốp như sau: “Lúc đầu, tôi tưởng Lém được dẫn đến để Tướng Loan thẩm vấn. Khi ông rút súng chĩa vào Lém, tôi cũng vẫn còn tưởng là ông chỉ dọa thôi. Hóa ra, ông bắn thật.”
 
Sau khi bắn Bảy Lốp, Tướng Loan nói với Eddie Adams:
 
“ Tên Việt Cộng này đã giết nhiều người Hoa Kỳ và người của tôi.”
 
Tướng Loan cũng nói với các ký giả:
 
- “Những tên này đã giết vô số dân chúng và tôi nghĩ rằng Ðức Phật sẽ tha thứ cho tôi.”
 
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 14/12/2021 1:49 sáng
Chia sẻ: