Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

NỔI GIẬN TRÊN ĐƯỜNG

Trung Chanh
(@trung-chanh)
Thành Viên

Nếu tình cờ một hôm nào bạn dừng xe chờ đèn đỏ tại một góc đường nào đó và bỗng nhiên nghe có tiếng ồn ào ở gần bên. Nhìn sang, bạn thấy tài xế của hai xe ở làn bên phải đang xỉ vả nhau, tung ra đủ mọi chiêu võ mồm để tìm cách lấn át và đổ cho đối phương đủ mọi thứ tội như lái xe ẩu, trái luật, v.v… thì có nhiều khả năng màn đánh vỗ mồm đó là một cuộc nổi giận trên đường giữa hai tài xế chưa từng thấy mặt nhau bao giờ. Trong tiếng Anh gọi đó là “road rage.”

Thời gian gần đây, nhiều người trong chúng ta cảm thấy và có lẽ chứng kiến những cơn nổi giận trên đường như nói trên ngày càng nhiều hơn. Các nhà tâm lý cho biết chính tâm trạng buồn nhiều hơn vui trong cuộc sống của chúng ta khiến cho sự hung hăng dễ nổi giận gia tăng. Trải qua hai năm đại dịch, chúng ta đã phải sống trong tình trạng căng thẳng, sợ hãi, lo âu và thiếu ngủ. Chúng ta cảm thấy ngày càng thất vọngvề đủ mọi thứ, từ biến thể Covid tới cuộc sống bó buộc vì các biện pháp hạn chế từ chính quyền, từ giá xăng tới giá thực phẩm tăng cao khiến cho sinh hoạt đời thường thêm khó khăn. Rồi tới khi chúng ta nghĩ rằng đại dịch nay đã được kiểm soát thì đùng một cái chiến tranh nổ ra bên trời Âu.

Khi mà sức nhẫn nhục chịu đựng của chúng ta có hạn thì việc lái xe đi làm mỗi ngày và gặp phải một việc bất ưng ý nào đó dù rất nhỏ có thể khiến cho thùng nước sôi trào ra. Thông thường, chúng ta vội vã hoặc không đủ kiên nhẫn những khi bị kẹt xe, mà tình trạng kẹt xe thì ở bất cứ thành phố lớn nào cũng có. Và nếu chẳng may thấy một tài xế bên cạnh làm điều gì đó mà ta nghĩ rằng họ sai, thì điều đó có thể khiến ta cảm thấy rằng người tài xế đó đã phạm lỗi công bằng và làm ta bực mình. Từ bực mình biến thành giận dữ là một bước rất nhỏ và thế là cơn nổi giận trên đường xảy ra.

Các số liệu thống kê về chết người liên quan tới nổi giận trên đường tương đối nhỏ và không rõ ràng. Theo số liệu sơ bộ trong Hệ thống Báo cáo Phân tích Tử vong do các tiểu bang thu thập từ hồ sơ chính thức mà Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia (NHTSA) đưa ra, năm 2020 – là năm gần nhất mà thống kê đang có – con số tử vong chính thức có liên quan tới nổi giận trên đường hoặc lái xe hung hăng chỉ khoảng hơn 660 một chút. Năm 2019, con số đó là 505. Tuy nhiên, cơ quan NHTSA khuyên là không nên đem so sánh những con số trên mỗi năm rồi đưa ra kết luận, lý do là vì cách mà các tiểu bang phân loại tai nạn do nổi giận trên đườngmỗi nơi mỗi khác. Do đó các số liệu chính thức trên thực tế không lột tả đúng hết các vụ việc xảy ra.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nói rất rõ: Tình trạng người ta nóng giận khi lái xe trên đường có chiều hướng gia tăng. Hành vi của người lái xe trong thời đại dịch đang là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Người ta lái xe có vẻ hung hăng hơn so với trước đây, và hành vi đó cho thấy việc lái xe trên đường đang trở thành ngày càng nguy hiểm.

Cơ quan NHTSA định nghĩa nổi giận trên đường là hành vi tấn công có chủ đích bằng xe hoặc bằng vũ khí xảy ra trên đường hoặc bắt nguồn từ trên đường. Đây được coi là một tội hình sự. Lái xe hung hăng là một thuật ngữ bao quát mà cơ quan NHTSA sử dụng để nói đến những kiểu cách lái xe khiến gây nguy hiểm cho người khác, chẳng hạn như lái theo đuôi xe khác quá gần, chạy len lỏi xuyên qua dòng xe cộ hoặc lái quá nhanh so với những xe khác cũng đang chạy trên cùng một con đường.

Tuy nhiên, hầu hết chúng ta nghĩ về tình trạng nổi giận trên đường như một thuật ngữ thông thường để nói đến một người lái xe nào đó khi đang trong tâm trạng tức giận. Và mặc dù biết rằng làm như vậy có thể gây ra nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn làm và hành ví đó có nguyên do của nó. Hành vi nổi giận được ví giống như nắp van xả hơi, là cách để giải toả bực tức và biểu lộ cảm xúc của mình. Trong khoảnh khắc đó người ta cảm thấy mình như đang khẳng định quyền lực của chính mình và kiểm soát được tình hình chung quanh. Nhưng trên thực tế, người nóng giận không thể tự chủ được mình. Chúng ta đã từng nghe câu thành ngữ “cả giận mất khôn.”

Có nhiều người vẫn thường tự nhủ mình là phải luôn cẩn thận không được lái xe nguy hiểm hoặc gây sự với người khác, đặc biệt là người có dáng dấp bề ngoài đáng sợ. Nhưng rồi có đôi lúc không tự chủ được và nổi giận khi đang lái xe, đặc biệt là những khi gặp một ai đó lái xe phía trước quá chậm hoặc lái cắt ngang phía trước một cách bất thình lình. Vậy thì làm sao mà không giận cho được, thế là nhấn ga cho nhanh để phóng lên ngang hàng với chiếc xe kia, rồi quay sang lườm nguýt cho bõ ghét, hoặc la thật lớn để cho tay lái xe dễ ghét kia nghe được: “Đồ lái xe tồi!” – và như vậy mới hả được cơn giận

Như câu chuyện của cô Dawn Avagliano đã từng vướng vào một vụ cãi vã với một phụ nữ khác trên một sân đậu xe trước tiệm Starbucks. Cô không nhớ ai là người bắt đầu trước, nhưng kể lại rằng cuộc cãi vã kết thúc với người phụ nữ kia ném nguyên ly cà phê vào xe của cô. Một lần khác, sau khi bị kẹt sau chiếc xe SUV màu đen đậu ngay giữa đường mất mấy phút, cô bực mình la lớn, “Này, tôi không chờ được cả ngày đâu nhé!” với người tài xế của chiếc xe đó. Hoá ra người tài xế đó lại chính là cảnh sát và chiếc xe màu đen kia cũng là xe cảnh sát – kết quả cô nhận được một tờ giấy phạt.

Nay cô Avagliano cố gắng cẩn thận hơn. Tuy nhiên, có nói rằng thông thường cô cảm thấy người nhẹ nhõm hơn khi để cho cơn giận được thoát ra ngoài.

Quả thật người ta khó có thể cưỡng lại được sự cám dỗ bộc lộ sự tức giận của mình khi đang có tâm trạng bực tức. Nhưng điều quan trọng là hãy ráng bình tĩnh khi đang cầm tay lái, và luôn tâm niệm rằng “Bình tĩnh và tiếp tục việc mình đang làm.”  – hoặc tự nhắc nhở mình rằng nổi giận trên đường là điều nguy hiểm. Có nhiều cách ta có thể tự luyện bản thân để kiềm chế cơn giận: Người thì tập thiền để kiểm soát cơn giận; người khác thì tự hỏi nếu gặp cùng tình huống thì người vợ luôn lịch sự nhã nhặn của mình sẽ xử sự ra sao; có người thì ráng nở nụ cười xí xoá bỏ qua với những người tài xế chạy ẩu.

Nhiều người cho biết trước đây họ rất dễ nổi giận khi lái xe. Nhưng rồi sau khi có con nhỏ, suy nghĩ lại họ thấy phản ứng nổi giận đó có thể gây ra hậu quả tai hại. Vì vậy họ ráng tập nhẫn nhịn và bỏ qua những sự việc gây bực bình trên đường phố và tập trung vào điều quan trọng hơn: đó là những đứa con nhỏ của họ và sự an toàn của chúng.

Vậy ta phải làm gì để có thể bình tĩnh phía sau tay lái? Thực ra điều này không khó làm nhưng các chuyên gia tâm lý khuyên ta phải có sẵn một kế hoạch. Chẳng hạn, nếu gặp phải một tài xế lái ẩu cắt làn đường và chen vào ngay trước mũi xe của ta, thay vì nổi giận thì hãy hít vào một hơi thật dài và đừng đếm xỉa tới người tài xế đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu có chuẩn bị sẵn một kế hoạch liên kết một tình huống cụ thể với một hành động cụ thể thì có nhiều khả năng giúp ta sẽ làm theo đúng từng bước trong kế hoạch và tránh được những hậu quả không hay.

Các chuyên gia tâm lý còn khuyên là mỗi người cũng sẽ cần có sẵn một kế hoạch dự bị để đối phó với cơn giận nếu trong trường hợp cơn giận nổi lên: Giảm sự kích động bằng cách hít một hơi dài hoặc đếm từ 1 tới 10 trước khi có phản ứng. Đánh lạc hướng bản thân bằng cách nghĩ về một điều vui vẻ nào đó. Tự tách khỏi bản thân mình về mặt tâm lý bằng cách nói chuyện hoặc khuyên nhủ chính mình ở ngôi thứ ba, giống như một người ngồi bên cạnh nói cho mình nghe: “Mặc kệ cái tên cà chớn đó đi.”

Thêm điều nữa là hãy dựa lưng vào thành ghế. Kết quả nghiên cứu cho thấy hành động dựa lưng vào thành ghế có thể làm nguôi cơn giận.

Sự nổi giận trên đường nếu không kiềm chế có thể đưa tới nhiều hậu quả khốc liệt: Người bị thương tật, người thiệt mạng, người tù tội. Thế nên khi gặp phải tình huống đó ta phải tự hỏi mình rằng điều gây bực mình kia có đáng cho ta biểu lộ cơn giận hay không. Nếu câu trả lời là không thì hãy bỏ qua và chỉ một vài phút sau thì những đám mây mù trong đầu sẽ tan biến mất, đầu óc sáng suốt trở lại và mọi sinh hoạt chung quanh trở lại nhịp độ bình thường cố hữu của chúng như chưa từng có chuyện bất bình nào xảy ra.

Một sự nhịn, chín sự lành là vậy.

Huy Lâm 

Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 26/04/2022 1:16 sáng
Chia sẻ: