Mới đây, cộng đồng mạng lại được phen nhốn nháo, truyền tay nhau một bức ảnh hiếm chụp lại tờ đơn xin dựng rạp đám cưới đã nhuốm màu thời gian, có cả cách đây hàng thế kỷ.
Theo đó, tờ đơn được ra đời vào khoảng năm 1926, tức gần 1 thế kỷ trước. Người viết đơn là ông Nguyễn Văn Phục ở Cần Thơ.
Nội dung tờ đơn được chủ nhân viết tay, với 2 thứ tiếng là tiếng Pháp và tiếng Việt. Từng nét chữ uốn lượn và đầy bay bổng, còn câu văn được trình bày mạch lạc, không kém phần trang trọng.
"Bẩm quan lớn đặng rõ: Đến ngày 3 và 4/9/26, tôi có cưới vợ cho con trai tôi. Vậy tôi có đến làng nhân thiệt trình với quan lớn đã rồi.
Nhà tôi chật hẹp khó bề dự tiệc, nên tôi đến cúi xin quan lớn cho phép tôi cất một cái nhà tiệc trước mé hiên của nhà tôi chừng 1m thước Tây cho rộng rãi chung vui nội đêm 3/9/26.
Vậy tôi ghiêm theo đây tờ chứng của quan lớn và sau cầu xin quan lớn phê phép cho tôi cất nhà tiệc ấy, bằng tôi có làm điều chi trái phép thì tôi chịu tội.
Cúi xin quan lớn nhận lời", chủ nhân tờ đơn viết.
Ngay sau khi đăng tải, dân mạng không ngại bày tỏ sự kính nể trước từng nét chữ, câu văn của người xưa: "Ôi kiểu chữ này mình luyện mãi mới viết được. Kiểu chữ quý tộc phương Tây đấy!"; "Ngày xưa nét chữ nghiêng, dài rất đều và đẹp, ngưỡng mộ quá"....
Đặc biệt, nhiều người còn muốn biết thêm thông tin chính xác về đám cưới này, cũng như xác nhận nguồn gốc của tờ đơn.
Bên cạnh đó, cũng có người hài hước so sánh cách dựng rạp đám cưới xưa và nay. Nếu trước đây gia chủ muốn dựng rạp phải xin phép người trên kẻ dưới thì thời nay lại: "Nhà có tiệc cưới vui lòng đi đường khác".
"Trong khi đám cưới thời nay dựng rạp ngay trước cửa nhà và làm như đường nhà mình vậy á."; "Thời nay là kiểu "Nhà có tiệc vui lòng đi đường khác". Đã thế cái bảng to tướng như kiểu ra lệnh vậy đó."