Thông báo
Làm sạch tất cả
Mỗi năm, vào cuối tháng năm, tôi thường xem Memorial Day Concert ở Washington DC trên TV. Chương trình bắt đầu với lời tưởng niệm: "ALL GAVE SOME, SOME GAVE ALL" làm tôi bùi ngùi nhớ đến anh Bích cũng như các cựu chiến binh của QLVNCH. Anh tôi hy sinh cả sinh mạng của anh vào cuộc chiến đấu để bảo vệ quê hương. Trong sáu người con của ba má tôi, người anh lớn này có cá tính đặc biệt, độc lập từ ngày thơ ấu. Chị Huệ và tôi đi đến trường tiểu học trong Chợ Lớn cách nhà vài cây số. Mỗi ngày, anh Bích có trách nhiệm đưa 2 em gái đến trường và đến rước em về sau giờ tan học.
Rồi một buổi trưa, Má tôi rất ngạc nhiên khi thấy Huệ và Trang từ trường về nhà có "hai" mình. Tôi giải thích là vì trời mưa, chờ lâu quá mà không thấy anh đâu hết, nên hai đứa con quyết định đi về, không chờ anh Bich nữa. Từ ngày này trở về sau, anh Bích không còn phải đưa đón hai em thêm lần nào nữa.
Khi Ba tôi đổi đi Vĩnh Bình làm việc, Ba Má đem theo bốn đứa con nhỏ. Hai đứa con lớn của Ba Má ở lại Sài Gòn, trọ một người bà con để học tiếp chương trình trung học. Học trò ờ trường Pétrus Ký phải mặc đồng phục, quần xanh dương, áo sơ mi trắng. Một lần anh tôi bị rượt chạy trong sân trường, vì anh mặc áo sơ mi đủ màu, anh né tránh vào nơi nào đó, lột bỏ cái áo nầy ra thì trở nên học trò áo trắng ! Anh ham chơi hơn ham học, nên đến lớp đệ nhất, Ba Má đem anh về Long Xuyên để theo dõi anh học thi Tú Tái. Tư gia chánh án Long Xuyên nằm ở một góc đường , trước mặt nhà băng qua đường là tòa án, bên hông nhà băng qua con đường kia là Tòa Tư dinh Tỉnh Trưởng.Anh tôi hay đi qua nhà ông Trung tá , tỉnh trưởng Nguyễn văn Minh cởi ngựa, vì vậy ông bà Minh biết anh khi anh chưa được 20 tuổi.
Buổi tối trước khi đi thi, anh Bích học làm toán trên bảng đen treo trên tường ngoài phòng ngủ của Ba Má . Anh lục đục với tiếng phấn viết trên bảng cả đêm, làm Má không ngủ được ! Rồi anh đi qua Cần Thơ thi tú tài toàn phấn. Chiều ngày thi đầu tiên, cả gia đình tôi đang ở công viên Nguyễn Du gần nhà chòi thì thấy anh Bích từ từ đi đến. Rất ngạc nhiên, Má tôi hỏi; - Sao con về sớm quá vậy? . Anh tôi giải thích là bài thi làm tệ lắm, chắc không có hy vọng gì đậu nên bỏ cuộc. Vì bị Ba Má rầy la lớn tiếng, nên hôm sau anh Bích trở qua Cần Thơ thi tiếp.
Đậu xong Tú tài, anh được Ba Má gởi ra mõ than Nông Sơn học với hy vọng anh sẽ được học bổng qua Pháp đi học kỹ sư hầm mõ (chớ không phải đào mỏ).
Không bao lâu, anh bỏ Nông Sơn trở về Sài Gòn. có lẽ vì anh đã có bạn gái, rồi có con với cô nầy.
Làm sinh viên thì không làm sao có tiền lo cho gia đình, anh Bích tình nguyện vô trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, tốt nghiệp khóa 18.Tôi nghĩ là lúc này, anh tôi chưa có ý định chống cộng gì cả.
Anh chị em tôi, ai học xong trung học thì cũng bước chân vô Đại học Luật Khoa! Anh Bích cũng ghi danh học thêm ở đây, chắc để làm vui lòng Ba Má. Khi đi vô thi viết năm thứ nhất, anh gặp một ông tuổi trung niên , hỏi ông coi giảng đường số 2 (nơi anh phải thi) nằm ở chỗ nào! Ông này, chắc là Giáo Sư của trường, nhìn anh như một người ở hành tinh nào xuống. Giảng đường số 2 rộng lớn nhất của trường, phần lớn các môn học của năm đầu giảng dạy ở đây, có sinh viên nào mà không biết? Nhưng anh Bích không biết gì cả, vì anh ôm sách học ở nhà.
Anh tôi không có tiếp tục học Luật mà chắc cũng không muốn, vì anh còn bận rộn học để tốt nghiệp khóa 13 Sĩ quan căn bản Thiết giáp. Không nghi ngờ gì hết là anh thích cầm súng hơn cầm viết. Như vậy bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của anh Bích.
Sau khi tốt nghiệp sĩ quan, anh tôi bắt đầu đi chiến đấu, càng "đánh giặc", anh càng thù ghét Cộng Sản. Giữa thập niên 1960, anh bị thương lần đầu, gãy tay ở Bến Cát. Cuối năm 1967 hay đầu năm 1968, anh bị thương lần thứ hai ở ngoài Huế. Anh được đem về Tổng Y Viện Cộng Hoà, được gắn thêm bù lon trong đùi.
Nhờ vậy anh trở thành quân nhân loại hai, được vô văn phòng làm việc chớ không phải ra chiến trường nữa. Tết Mậu Thân, đang nằm dưỡng bệnh ở Y Viện Cộng Hòa, nghe radio kêu gọi nếu quân nhân nào nghĩ mình còn khả năng tác chiến thì hãy ra trình diện.
Mặc dù là quân nhân loại 2, anh Bích xin xuất viện, nhận lãnh mấy chiếc xe tăng đem đến đóng ở Gò Vấp, chuẩn bị tác chiến.Má tôi nhận được tin này mà không muốn tin một chút nào hết. Sau Tết Mậu Thân, Ba Má tôi xin với Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc cho anh vô làm Tùy Viên Quân Sự, anh tôi làm ở đây mấy tháng cho đến khi ông Lộc không còn làm thủ tướng nữa.
Vào khoảng cuối năm 1968, lúc Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh là Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô, anh tôi theo ông Minh, lo liệu về Chiến Dịch Bài Trừ Ma Túy. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, anh Bích hút thử á phiện rồi hút thật sự. Má tôi quá kinh hoàng, tìm đủ mọi cách cho anh cái thuốc phiện, sau cùng anh cũng cai được.
Không muốn làm bài trừ mà túy nữa vì sợ bị ảnh hưởng xấu trở lại, anh Bích tình nguyện trở ra chiến trường.
Rất khó thay đổi tánh tình"ba gai" của mình , nhưng anh Bich không phải bị kỷ luật nhà binh.
Khi anh mở hàng rào dây kẽm gai trốn đi chơi, cấp chỉ huy trực tiếp của anh nói:
- Đừng lo gì hết, Bích không khi nào đào ngũ cả, trước sau vì nó cũng trở vô trại!
Tánh tình cởi mở, rộng rãi anh tôi rất được chiến hữu thương yêu. Anh cùng bạn bè đi ăn hột vịt lộn, mấy quả trứng này vừa mới đem ra khỏi nồi luộc không cầm được, anh tôi mở bóp ra phát cho mọi người một tờ giấy bạc để bọc trứng cho bớt nóng. Một lần khác đang ngồi nhậu với đồng đội, thì có một vài quân nhân khác xin được vô nhậu chung cho vui. Vì vậy, anh Bích không có đủ tiền để trả cho cuộc vui nầy. Anh đưa cho bà chủ quán một trái lựu đạn để làm tin, nói ngay hôm sau anh sẽ trở lại trả đủ tiền và nhận lại trái lựu đạn nầy.
Bà chủ quán có quen với Má tôi kể lại chuyện này và nói:
- Tôi nhận ra Bích là con trai của chị, mà nó không hề biết tôi là ai!
Tôi nhỏ hơn anh 7 tuổi, ít có dịp ở gần anh thường xuyên, nên hai anh em ít có nhiều kỷ niệm thân tình.
Một lần về phép thăm nhà, anh gặp tôi ở ngoài sân và hỏi:
- Nghe Ba Má nói Trang đang đi học Luật phải không?
Đây là một trong những lần rất hiếm hoi anh nói chuyện với tôi. Trong gia đình, Má là người bạn thân của anh, mặc dù anh không bao giờ muốn nghe lời Má khuyên nhủ. Má tôi nói:
- Bích lì lợm lắm, nhưng nó không khi nào cãi vã với Má. Mỗi khi Má nói những gì nó không muốn nghe, như nó phải làm gương sáng cho các em, nó chỉ lặng thinh rồi tiếp tục làm theo ý nó!
Với thời gian qua, khoảng cuối thập niên 70, chiến tranh VN là đề tài nóng bỏng của nhân dân ở trong hay ngoài quân đội.
Anh Bích về phép, xin với Má tôi:
- Nếu có chuyện gì không hay xảy đến cho con, xin Má đem Phi Ánh, con gái lớn của con về nuôi nấng, dạy dỗ.
Má tôi trả lời:
- Má nuôi con không thành ý nguyện như Má muốn, làm sao Má nuôi cháu nên người được?
Nghe vậy, anh Bích khóc rồi nói:
- Chiêm tinh gia Huỳnh Liên coi tử vi con, nói con không có sống quá 30 tuổi đâu. Thôi, Má để cho con sống cuộc đời theo ý muốn của con.
Về sau nầy, không biết bao nhiêu lần tôi nghe Má tôi nhắc lại câu nói này của anh tôi. Không làm gì khác được, Ba Má tôi đành để cho anh Bích sống cuộc đời theo ý muốn của anh.
Khi được biết cậu Mười, em út của Má, tập kết ra Bắc đã trở vô Nam và đang nằm vùng ở Cũ Chỉ, Hậu Nghĩa, anh Bích nói với Má:
- Nếu con mà gặp Cậu Mười, con cũng không tha thứ cho Cậu đâu. Khi Bà Ngoại lén lút vô thăm Cậu Mười, cậu nói với mẹ nên khuyên các cháu đang chống Cộng nên tìm cách giải ngũ ra khỏi QLVNCH hay là "móc nối" với Cậu để làm gián điệp, cung cấp tin tức cho VC (kiểu ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản). Nếu không, đến khi Việt Cộng thành công, Cậu Mười không làm sao che chở các cháu được hết!
Tôi luôn tưởng tượng đến hình ảnh Cậu Mười và anh Bích gặp nhau sau 30/4/1975, nếu anh tôi còn sống.
Cuộc chiến Việt Nam càng ngày càng trầm trọng, thêm nhiều chiến sĩ bị thương hay hy sinh trên chiến trường mà không ai đoán được kết cuộc như thế nào.
Mùa hè đổ lửa 1972, anh Bích là Chi đoàn trưởng Chi đoàn 2 thuộc Thiết đoàn 18 Kỵ Binh của Quân Đoàn III QLVNCH. Được lệnh đến tăng cường cho chiến trường Quảng Trị, các Thiết Vận Xa M-113, rất thông dụng trên sình lầy, đi dần đến phía bắc sông Thạch Hãn. Ngày 28/4/1972, anh Bích đứng trên thiết xa, anh thích chỉ huy trong vị trí này chớ không chịu ở trong xe, trúng quả pháo 130 mm, tử trận tại chỗ. Anh tôi hưởng dương 29 tuổi.
Quan tài của anh Bích được chở bằng quân xa GMC hướng về sông Mỹ Chánh.
Ngày 29/4/1972, khi quân xa đến cầu Ga thì bị trúng đạn quả tiễn tầm nhiệt AT-3 nên anh tôi bị "tử trận" lần thứ nhì và được cho vào cái quan tài thứ nhì.
Nhất quá tam, đến ngày hôm sau quân xa bị mắc lầy, trúng đạn pháo kích thêm một lần nữa, "tử trận" lần thứ ba nên anh tôi cần có cái áo quan thứ ba.
Đến nhà báo tin buồn cho Bà Má tôi, vị sĩ quan Thiết giáp nói là chiến trường miền Trung còn đỏ lửa, nên việc di chuyển thi hài anh Bích về gặp nhiều trở ngại, nhưng ông hứa bằng mọi cách sẽ đem anh về với gia đình và tang lễ sẽ được cử hành theo ý muốn của Ba Má tôi.
Hơn hai tháng sau, Đại úy Thiết giáp Bắc Đẩu Nguyễn Ngọc Bích về nhà thăm Ba Má một lần cuối cùng, rồi tiếp tục đi lên Nghĩa Trang Quân Đội BH.
Bây giờ anh tôi nằm ở trên đồi.
Kỷ vật anh để lại cho gia đình tôi là một cái vỏ đạn cà nông 105mm, mỗi năm Tết đến Má tôi chưng bông mai vàng trong đó. Ngàn dặm ra đi, nhưng mỗi năm Tết đến, tôi vẫn luôn mong ước là được có lại có vỏ đạn này.
Vietnam Veterans Memorial ở Washington DC rất trang nghiêm, đặc biệt, không như các đài kỷ niệm khác. Tên của hơn 58 ngàn chiến sĩ Quân đội Mỹ hy sinh trong cuộc chiến này được ghi trên một bức tường dài bằng đá màu đen. Nếu các chiến sĩ QLVNCH đã nằm xuống có được một đài kỷ niệm tương tợ như vậy, bức tường đen phải dài, dài hơn nhiều lắm.
Đôi khi tôi nghĩ, mình cần phải kể lại những gì mà thật ra mình không muốn nhớ lại chút nào hết.
Đã bao nhiêu năm qua, nhưng mỗi khi nghe Thái Thanh hát bài "Kỷ vật cho em", nhất là vào những ngày mùa đông giá lạnh ở đây, tôi vẫn không cầm được nước mắt../.
LS NGUYỄN NGỌC ANH TRANG
TB: Viết để tưởng nhớ đến anh của tôi, Đại Úy NGUYỄN NGỌC BÍCH đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị năm 1972.
Câu chuyện hào hùng và thương tâm của anh tôi đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác qua nhạc phẩm: "Bắc Đầu"
Nguyễn Vạn Bình
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 22/10/2021 1:39 sáng