- Chương thứ 33 của "Đạo Đức Kinh” nói: “Kẻ biết người khác thì thông minh, kẻ biết mình thì sáng suốt”.
Ai cũng không tránh khỏi những sai lầm. Nhưng đừng lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của người khác mà hãy học cách tìm ra nguyên nhân từ chính bản thân mình, học cách “bắt bệnh” cho chính mình, tự mình khám bệnh, để có thể thực sự hiểu rõ bản thân mình.
Con người, cần phải giỏi “bắt bệnh” cho chính mình
- Chương thứ 71 của Đạo Đức Kinh nói: “Tri bất tri thượng, bất tri tri bệnh” (Biết điều không biết là cao, không biết điều đáng biết là bệnh). Ý muốn nói không ai là hoàn hảo. Mọi người ai cũng đều có sai sót. Và bất lợi lớn nhất là không biết mình có tật xấu gì.
Ngày xửa ngày xưa, có một vị tướng quân đi đón công chúa, anh ta rất yêu thích sạch sẽ, mỗi lần ra ngoài đều yêu cầu công chúa giữ gìn quần áo không bị lấm bẩn.
Một hôm, anh thảo một bản tấu chương để chuẩn bị đến Bắc Kinh diện kiến Hoàng thượng, nhưng khi đang mặc quần áo, anh nhìn thấy một vết bùn trên mũ quan. Đột nhiên anh vô cùng tức giận, còn công chúa thì nhanh chóng nhặt chiếc mũ quan lên và lau sạch nó. Nhưng không ngờ, những vết bùn không những không lau sạch mà ngày càng loang rộng hơn.
Thấy rằng đã đến lúc phải rời đi, vị tướng quân này không còn cách nào khác là vào Bắc Kinh với chiếc mũ có vết bùn. Khi khởi hành, anh không ngừng phàn nàn về công chúa.
Sau khi gặp Hoàng đế, anh ta đang định đưa cho Hoàng đế tấu chương, không ngờ vừa sờ túi thì phát hiện đã quên mang theo bởi trong đầu anh chỉ luôn nghĩ tới chiếc mũ quan dính bùn.
Cuối cùng, Hoàng đế thấy anh ta tấu lên hàm hồ, không rõ ràng và nghĩ rằng anh ta đang trêu chọc mình rồi vô cùng tức giận và giáng cấp anh ta xuống hàm tam phẩm.
Sau khi bị giáng chức và trở về nhà, anh ta đã ném hết lửa giận vào công chúa, nhưng công chúa không thể chịu được sự sỉ nhục, và đến Bắc Kinh qua đêm để phàn nàn với Hoàng đế.
Vị Hoàng đế vốn dĩ không vui vì những chuyện xảy ra trong ngày, và khi nghe tin anh ta xúc phạm công chúa. Hoàng đế lập tức hạ lệnh tước bỏ mũ quan của anh ta và giáng chức anh ta xuống làm thường dân.
Và cuối cùng, anh ta cũng không biết tại sao mình lại nhận được kết cục này.
Khi gặp sự cố, chỉ biết đổ lỗi cho người khác mà không tìm ra nguyên nhân từ bản thân thì sự phát triển, thành tài và cả thành công trong cuộc sống của bạn sẽ ngưng lại. Chỉ bằng cách tự kiểm điểm bản thân, giỏi phát hiện ra những “sai sót, khiếm khuyết” của bản thân và tích cực thay đổi, bạn mới có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Học cách “bắt bệnh” trong lời nói và hành động của mình
- Trong chương thứ năm của Đạo Đức Kinh có nói: “Đa ngôn sác cùng, bất như thủ xung” (Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh).
Người ta thường nói: “Bệnh tật từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Nhiều người nói chuyện thao thao bất tuyệt và không bao giờ để ý đến cảm xúc của người khác. Như mọi người đều biết, điều này sẽ không chỉ làm tổn thương người khác, mà còn kích động đúng và sai.
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé tính cách hay nóng nảy, các anh chị em khác đều không thích cậu. Đạo sĩ thấy vậy liền xuống núi mua một gói đinh, khi quay lại nói với cậu bé rằng:
- Lần sau, nếu mất bình tĩnh nữa, hãy đóng một cái đinh vào cửa phòng.
Cậu bé đồng ý yêu cầu của đạo sĩ, và ngay trong ngày, cậu ta đã đóng 30 chiếc đinh trên cửa. Lúc này, cậu bé cũng nhận ra vấn đề của bản thân và bắt đầu nỗ lực để sửa sai.
Mỗi ngày sau đó, cậu bé đóng ít đinh hơn ngày trước. Cho đến một ngày, không phải đóng đinh vào cửa nữa.
Vị đạo sĩ sau khi biết đã nói với cậu bé rằng nếu cậu bé không nổi nóng trong một ngày thì sẽ được nhổ một cây đinh trên cửa. Không bao lâu, những chiếc đinh trên cửa đã được rút ra.
Vị đạo sĩ nói với cậu bé:
- Những chiếc đinh tuy đã rút ra nhưng đều để lại những lổ sâu. Điều này giống như nóng giận vậy. Mỗi khi nóng nảy, mất bình tĩnh, con sẽ để lại sẹo cho những người xung quanh.
Dù bạn có nói xin lỗi thế nào đi nữa, thì sự tổn thương vẫn sẽ ở lại, giống như những cái lổ.
Miệng là lưỡi rìu làm người bị thương, và lời nói là con dao chia cắt. Chỉ khi bạn nhìn ra được “lỗi” trong lời nói và việc làm của mình và suy nghĩ thật kỹ trước khi nói thì bạn mới có thể giữ được phúc khí.
“Bác sĩ” tốt nhất luôn là chính mình
Người xưa nói: “Nếu bản thân không đạt được thì hãy tự xét lấy mình”. Bản thân là gốc rễ của vạn vật, khi gặp chuyện, hướng nội mà tìm chính là tu dưỡng lớn nhất của một người.
Ngày xưa, có một người phụ nữ luôn có cùng một giấc mơ vào ban đêm. Trong giấc mơ, người phụ nữ đứng trước một cái lồng sắt, cái lồng tối đen như mực nhưng không ngừng phát ra những tiếng kêu xuyên thấu, người phụ nữ lần nào cũng muốn lại gần cái lồng, nhưng mỗi lần định đến gần thì cô ta đều bị đánh thức bởi những tiếng la hét.
Theo thời gian, sức khỏe của người phụ nữ ngày càng giảm sút nên gia đình đã đưa cô đến một ngôi chùa trên núi để tìm kiếm sự giúp đỡ của một vị đạo sĩ. Sau khi vị đạo sĩ nghe hết câu chuyện, ông đưa cho người phụ nữ một chiếc chìa khóa và nói với cô ấy rằng:
- Trong giấc mơ có một ổ khóa trên lồng sắt, nếu cô dùng chìa khóa này để mở ổ khóa, sức khỏe của cô sẽ tự nhiên bình phục.
Đêm hôm đó, người phụ nữ nghe theo lời đạo sĩ và tiến lại gần chiếc lồng sắt có chìa khóa, lần này tiếng khóc không còn nữa. Nhưng khi người phụ nữ đến gần lồng sắt, phát hiện những người trong lồng sắt đều là những người mình ghét, người phụ nữ nghĩ, dù mình có đau ốm suốt ngày cũng không cho những người này ra ngoài.
Ngay sau đó tình trạng của người phụ nữ trở nên tồi tệ, và gia đình đã đến thăm vị đạo sĩ một lần nữa, nhưng vị đạo sĩ nói:
- Người duy nhất có thể cứu cô ấy bây giờ là chính bản thân cô ấy.
Gia đình nói với người phụ nữ những gì vị đạo sĩ đã nói, và sau khi người phụ nữ nghe thấy, cô quyết định mở lồng sắt bằng chìa khóa. Đêm đó, người phụ nữ đến gần mở khóa lồng sắt, lồng sắt biến mất trong tích tắc, mọi người vội chạy ra, cuối đám đông thấy một bóng đen, khi đến gần thì hóa ra là chính cô.
Con người sống trên đời, người hiểu mình nhất chính là mình, và người “bác sĩ” giỏi nhất cũng chính là mình.
(Nguồn: Vạn Điều Hay)