Quê gốc của bà Huyện Thanh Quan ở làng Nghi Tàm, Thăng Long. Khi trưởng thành, bà được gả cho ông Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì đỗ cử nhân năm 1821 dưới thời vua Minh Mạng.
Khi Lưu Nguyên Ôn được bổ nhiệm Tri huyện Thanh Quan, bà Hinh theo chồng về sống ở Thái Bình. Tên gọi bà Huyện Thanh Quan cũng bắt đầu từ đây.
Vốn là người học rộng, hiểu sâu, văn hay, chữ tốt nên đến giờ bà có rất nhiều giai thoại, trong đó nổi bật nhất là việc bà thay chồng xử án. Điều đáng nói bà xử án bằng thơ.
Tương truyền, có ông trong huyện thi đỗ Hương cống muốn mổ trâu khao làng liền vác đơn đến quan huyện. Chồng đi vắng bà Huyện Thanh Quan liền phê:
“Người ta thì chẳng được đâu
Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm"
Lần khác quan huyện không có nhà, có thiếu phụ tên đệ đơn trình bày việc bị chồng ruồng bỏ, muốn ly hôn để đi bước nữa, bà Huyện liền phê:
“Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già".
Ngoài giai thoại xử án bằng thơ, bà Huyện Thanh Quan còn nổi tiếng là phụ nữ tài năng. Trong thời gian theo chồng làm việc tại Huế, bà được vua Minh Mạng mời vào triều làm Cung trung Giáo tập để dạy học cho công chúa và các cung nhân.
Tuy nhiên, năm 1847, ông Lưu Nguyên Ôn bị bệnh qua đời, bà kiên quyết xin miễn chức đưa các con về sống tại Nghi Tàm làm nghề dạy học cho đến cuối đời và mất năm 1848 ở tuổi 43.
Di sản của bà để lại cho đến nay không nhiều, chính thức lưu truyền và được công nhận khoảng 6 bài thơ. Mặc dù số lượng bài thơ ít nhưng có thể nói thơ Bà Huyện Thanh Quan là những dấu son của thơ Việt Nam trung đại.
Sống trong thời đại rối ren và thăng trầm nên thơ bà mang đậm màu sắc thương nước thương dân, hoài niệm về quá khứ vàng son.
(Sưu tầm)