Thông báo
Làm sạch tất cả
Cuộc sống là bản trường ca vô tận, có thể uy hùng cũng lắm đắng cay. Ai cũng có một cuộc đời, một lẽ sống riêng, có người chọn âm thầm và lặng lẽ dâng những bông hoa trái ngọt, lặng thầm và êm ả xuôi mái chèo, cũng có người chọn cuộc sống tự do tự tại, có người lại chọn lao vào lợi danh,... Nhưng dù có là ai, có làm gì thì vẫn là một con người, một bản thể riêng biệt vì thế bản thân vẫn không ngừng nỗ lực và đừng quên rằng hãy viết lời cho bản tình ca của tâm hồn để ngân vang mãi,, lấp đầy những khoảng trống ấy bằng trái tim ấm áp. Có lẽ vì thế mà Henry Van Dyke đã từng nói: “Có một khát vọng còn cao quý hơn cả việc được đứng đầu trong thiên hạ, đó là việc cúi xuống để nâng đồng loại của mình lên cao hơn.”
Con người sinh ra đến lúc rời nhân thế vẫn luôn hướng đến những thành công, sự giàu sang mà không ít người đã đánh mất đi những giá trị cốt lõi của một con người, thế ta mới thấy câu nói của Henry Van Dyke thật ý nghĩa. Những giá trị tốt đẹp quả thật rất quan trọng và ý nghĩa đối với sự hình thành nên nhân cách mỗi người, nhưng trong xã hội ngày nay ai mà không muốn thành công, có tiền bạc, có thể làm tất cả những điều mình mong muốn và việc “đứng đầu trong thiên hạ” cũng như thế, là điều mà người ta luôn mong muốn, là đích đến hoàn hảo nhất của một con người. Liệu có thật sự cần “đứng đầu trong thiên hạ” để bản thân bỏ lỡ những “chuyến đò” giữa hồ nước yên ả. Bạn biết không, không hẳn phải ra sức lao vào vòng xoáy của lợi danh, vì thành công không trói buộc bởi những con số, như Bác vẫn luôn đặt chữ “Đức” và “Tài” liền kề nhau, đi đôi với nhau. Người có giàu sang, có vinh hoa đến đâu nhưng cũng cần lắm sự tĩnh tại trong tâm hồn, biết vun đắp cho trái tim một gam màu ấm áp. Chính vì lẽ đó mà còn tồn tại một khát vọng cao hơn cả “đó là việc cúi xuống để nâng đồng loại của mình lên cao hơn”. Phải! Sự vị tha, chia sẻ và yêu thương con người là thứ cần thiết và quan trọng để tạo nên tình người. Với khát vọng cao quý và tuyệt đẹp, con người ta luôn muốn hướng đến sự hoàn thiện về cả tâm hồn lẫn thể xác, thành công trong công danh sự nghiệp và hướng thiện. Chính vì lẽ đó, lòng vị tha và sự bao dung là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
Có lắm gian truân trải dài một đời, vậy tại sao chúng ta cần một lòng vị tha? Có lẽ vì, đó là đức hi sinh, là tinh thần trượng nghĩa, là biểu hiện tốt đẹp nhất của đạo lý làm người. Cuộc sống sẽ bớt đi những điều đau khổ nếu bạn và tôi biết nuôi dưỡng cho mình lòng vị tha. Chỉ là một cái gật đầu chấp nhận lời xin lỗi, một nụ cười là một lời tha thứ sau lỗi lầm của người khác hay hi sinh vì lợi ích chung nhưng cũng đủ để xóa tan những sắc màu ma mị đang làm sầu não tâm hồn con người. Vị tha không đến từ những hành động lớn lao, không chỉ đơn thuần là một đức tính tốt để con người hướng đến hoàn thiện mình mà còn là liều thuốc chữa lành vết thương, là chìa khóa mở cánh cửa cơ hội hoàn thiện bản thân mà ta nên trao cho người đang cần. Lòng vị tha và bao dung đem đến cho lòng người sự thanh thản trong tâm hồn, sự yên bình trong tâm hồn và sự yêu quý của người khác. Bạn biết cúi đầu, biết tha thứ và chấp nhận sẽ khiến năng lượng tích cực ấy tỏa lan khắp ngõ ngách trong trái tim mỗi người xung quanh.
Lòng vị tha và bao dung là một yếu tố rất cần thiết trong cuộc sống, là tiền đề để phát triển bản thân hoàn thiện nhân cách mỗi ngày. Hãy sống cúi xuống để nâng đồng loại của mình lên cao hơn. Không ai trong chúng ta sinh ra đã hoàn hảo cả, và chẳng ai sống mà không có tình yêu thương và lòng vị tha. Đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta không thể quên cuộc đời oanh liệt mà cũng không ít oan ức của Trần Quốc Tuấn. Ông đã đem huyết sự nhiệt thành của tuổi trẻ, của chí làm trai xây dựng cơ đồ, ba lần đánh đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi nước nhà, khiến chúng kinh hãi tột độ. Nguyễn Trãi tiêu biểu cho lòng vị tha cao cả đến quên mình, với công lao vô cùng to lớn, tên tuổi Nguyễn Trãi đời đời sáng chói trong lịch sử giữ nước đau thương và oanh liệt của dân tộc Việt. Thật xứng đáng với lời khen của vua Lê Thánh Tông: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê). Tục ngữ có câu nói rất hay: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, vị tha không chỉ là sống vì người khác họ biết mở lòng lo lắng, vui vẻ, đau buồn cho cái chung của nhân loại mà nó còn là sự bao dung và đỉnh cao nhất là sự hy sinh. Con người biết tự nhận mình sai, biết nói lời xin lỗi thì cần được sự tha thứ. Và lúc này, những tấm lòng vị tha sẽ là điều tuyệt vời nhất, xoa dịu và tha thứ cho những lỗi lầm mà họ không cố tình mắc phải, để họ cảm nhận được sự cảm, hướng họ về con đường thiện lương.
Lòng vị tha rất cần thiết cho cuộc sống hôm nay, thế nhưng không ít người sống ích kỷ, tham lam những của cải, tranh quyền đoạt lợi, vậy sau cùng điều họ nhận có thật sự là hạnh phúc? Sống vị tha không có nghĩa là nuông chiều những thói hư tật xấu, bao biện dung túng những khuyết điểm. Sống vị tha phải có bản lĩnh cá nhân, luôn có chủ kiến cá nhân, không lệ thuộc vào người khác. Cần nghiêm khắc phê phán những người trục lợi cá nhân, làm việc tốt nhằm đánh bóng tên tuổi,... Suy cho cùng, mỗi người cần vun xới một tấm lòng vị tha, biết yêu thương, hy sinh để “cúi xuống để nâng đồng loại của mình lên cao hơn” không toan tính.
Điều tạo nên hạnh phúc phải đến từ hành động của mỗi người, để chi phối hành động ấy cần một tâm hồn biết vị tha, hy sinh, yêu thương và san sẻ. Không ai trong cuộc sống là hoàn hảo, hãy bao dung cho những lỗi lầm khi họ nhận thức được sai trái, hãy học cách cúi đầu, một cái cúi đầu thật đáng trân trọng. Ai sinh ra cũng là bản thể duy nhất vì thế hãy sống và phấn đấu trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, để ánh sáng của lòng vị tha xoa dịu những góc khuất đáy tim, dẫn lối cho hành động.
“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ nâng kẻ khác trên đôi vai mình.” (Nam Cao)
Tường Vy
(Nguồn: Nhà Gác)
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 28/12/2021 1:07 sáng