Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

ĐÊM SA ĐỊA NGỤC

Trung Kien
(@trung-kien)
Thành Viên

 
Đã mấy chục năm qua dù tôi muốn quên đi nhưng không thể nào quên được. Hễ cứ tới ngày này tiềm thức tôi tự động trỗi dậy bắt tôi phải nhớ tới "nó". "Nó" đây là khúc ngoặt định mệnh của đời tôi: ngày 5 tháng 4 năm 1976 tôi bị công an Thành phố Hồ Chí Minh đến nhà bắt. Người ta bảo oán hờn nên cởi, nên quên, nên bỏ lại phía sau nhưng sao tôi thấy khó quá, có lẽ vì tôi chỉ là một con người bình thường chưa vượt nổi mình nên chưa thể quẳng gánh nặng đau thương dĩ vãng đi được? Hôm nay kể lại chuyện này may ra "sả" được phần nào? Thấm thoát thế mà đã gần 40 năm trôi qua! Đây là chuyện cá nhân thiết tưởng chẳng nên nói tới làm gì nhưng vì sự việc lại ở một phạm vi lớn, vượt ra ngoài bình diện cả nhân. 

Đó là cả một chiến dịch quy mô thuộc chủ trương chính sách của chính quyền cộng sản lúc bấy giờ nên tôi nghĩ mình cần viết ra để mai này nếu có ai muốn tìm hiểu giới Văn nghệ sĩ báo chí Miền Nam sau ngày "bị giải phóng" rồi "được" cộng sản "chiếu cố" ra sao, may ra góp thêm chút gì trong tập hồ sơ đen dầy cộm của nhân loại về tội ác cộng sản chăng.
 
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 quân nhân các cấp từ úy tới tá, tướng và nhân viên công chức Nhà Nước đều bị bắt đi "học tập cải tạo". Đó là chiến dịch X1 khắp nước ai cũng biết, gần như nhà nào cũng có người đi tù. Tiếp tới chiến dịch X2 "đánh tư sản mại bản" cả nước cũng đều biết. Đa số tư sản mại bản là người Tầu Chợ Lớn, chỉ có một vài người Việt như các ông Phạm Quang Khai, Phạm Quang Hoa, Hoàng Kim Quy. Nhưng năm sau, có lẽ nhận thấy "bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng" rồi cộng sản mở tiếp chiến dịch X3 "đánh" văn nghệ sĩ báo chí Miền Nam mà cộng sản gọi là "văn nghệ sĩ báo chí phản động". Chiến dịch mở màn cuối tháng 3 tới tháng 4 năm 1976.
 
Phải nói khi trận cuồng phong đỏ ập xuống Miền Nam, không phải riêng tôi mà cả người dân Miền Nam đều như những kẻ mất hồn, ngất ngư, ngơ ngác, sống dở chết dở. Hoang mang chán nản sợ hãi đến tột cùng. Cả bầu trời, cả cõi nhân gian như trùm phủ bởi mây đen mờ mịt với những hình tượng ác thú rợn người. Những ngày tháng trước mắt hiện ra toàn cảnh tăm tối, vô vọng, đói khát. Nhất là với giới cầm bút chúng tôi, biết bao tin tức từ miền Bắc (qua thân nhân nhắn vào) đầy đe dọa bi thảm: nếu không bị thủ tiêu thì cũng bị bắt đi tù đầy nơi rừng sâu nước độc tới chết rục xương như đã diễn ra với giới văn nghệ sĩ miền Bắc sau năm 1954.
 
Để trốn lánh, tôi (thật ngây thơ đến ngớ ngẩn) cùng bà vợ lên vùng ven Thị xã Biên Hòa sống ẩn mình trong trang trại của ông Bố tôi. Trang trại này biệt lập, sát mé rừng thưa do người Mỹ khai quang từ trước nhưng vắng vẻ. Để làm kế sinh nhai tôi lập chuồng trại mua gà công nghiệp mới nở 3 ngày về nuôi. Còn các con tôi đều ở lại Saigon hy vọng được tiếp tục học. Nửa tháng tôi đem tiền và gạo về cho bọn nó. Nuôi gà bị lỗ - vì gà nuôi lớn nhưng không quen buôn bán, không biết chỗ tiêu thụ, lại ngượng ngùng khi rao bán mặc cả nên bị bọn lái buôn ép giá. Lỗ vốn hết tiền, gia đình tôi phải sống nhờ vào trợ cấp của ông Bố già. Một hôm, sau khi ăn cháo buổi sáng, bà vợ tôi mở một gói giấy nhỏ ra hỏi tôi: "Anh biết cái gì đây không?". Làm sao tôi biết được những hạt bột nhỏ mầu xám đen. Vợ tôi thản nhiên nói: "Thuốc độc đấy! Em mua ngoài tiệm thuốc Tầu về". Tôi sửng sốt: "Có phải em định...". "Đúng, tối qua em định trộn vào thức ăn để chúng mình cùng chết". Tôi kêu lên: "Trời ơi! sao em không bàn với anh trước khi quyết định?". Không trả lời câu tôi hỏi, bà nói: "Chúng mình bây giờ làm gì còn lẽ sống, làm gì còn hy vọng sống thì phải giải thoát cái thể sác này. Em nghĩ điều hay nhất và em tin anh cũng nghĩ như vậy nên mới âm thầm lẳng lặng làm. Cái chết bất ngờ, cái chết tự gây, cái chết chủ động, bao giờ cũng là cái chết ...sung sướng và hoàn hảo nhất. Nhưng rất tiếc khi ra tay em lại không có đủ can đảm". Sau khi nói lời an ủi bà vợ và bầy đặt vài lý do lạc quan (tưởng tượng) tôi vứt gói thuốc độc xuống hố rác. Thực ra tôi có ý định tự tử ngay từ khi cộng sản vào Saigon tôi bị kẹt lại, nhưng nghĩ tới sáu con nhỏ tôi bỏ ý định này và chấp nhận sống khổ, kể cả sống nhục để nuôi con. Nhưng thật oái oăm, chính các con tôi lại vất vả khốn khổ lo lắng việc nuôi tù cho tôi sau đó.
 
Những ngày tháng sống trong hoang mang lo âu sợ hãi và u ám vô vọng cứ thế tiếp tục đè nặng lên cuộc sống chúng tôi.
 
Hôm có việc về Saigon tôi tình cờ gặp Nhà văn Mai Thảo trên đường Nguyễn Huệ, anh đi cùng Nhiếp ảnh gia Cao Lĩnh. Trong cơn hỗn mang này còn gặp được nhau chúng tôi mừng lắm. Mai Thảo hỏi tôi cuộc sống mới đổi đời ra sao. Tôi trả lời: "Bây giờ tao sống theo triết lý con gà". Mai Thảo ngạc nhiên kêu lên: "Triết lý con gà?". Còn Cao Lĩnh nói: "Tao phục thằng Hoàng thật. Trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng sống dở chết dở thế này mà vẫn còn có thể nói chuyện tếu được". Tôi làm bộ mặt nghiêm nói: "Tao nói thật đấy. Từ lúc lên trại ở Biên Hòa tạm lánh nạn, tao nuôi gà công nghiệp làm kế mưu sinh, vì thế tao mới có nhiều thời giờ gần gà, quan sát gà". (Tôi xin lỗi bạn đọc về lối xưng hô, vì chúng tôi thân nhau từ lúc còn trẻ nên trong chuyện trò đều mày tao quen miệng). Tôi nói tiếp: "Thế này nhé. Con gà trống bị cột một chân vào gốc cây chờ người ta đem đi cắt tiết làm thịt. Thế mà thấy con gà mái đi qua nó vẫn lên tiếng tán tỉnh gạ gẫm làm tình, cẳng đạp vào cánh phành phạch, vẫn cất tiếng gáy ầm ĩ. Và rồi nó hùng hổ leo lên lưng con gà mái, chẳng cần biết trong giây lát nữa đây sẽ lên đoạn đầu đài. Cuộc đời của tao bây giờ cũng vậy. Mặc kệ sự đời, muốn tới đâu thì tới. Cứ biết ngày hôm nay còn sống ta cứ sống, cứ làm những gì thường ngày ta làm. Chưa hết, cho đến khi bị giết gà vẫn còn được đưa lên bàn thờ cúng bái, còn muốn gì hơn nữa! Bây giờ bọn mình như cá nằm trên thớt, gà chờ cắt tiết, thì việc gì phải suy nghĩ lo âu than thở sợ hãi cho khổ cái thân". Thực ra tôi nói vậy để tự "trấn an" mình và bạn bè, chứ từ ngày Saigon thay áo đổi mầu tôi lúc nào cũng như ngồi trên lửa. Hai anh bạn xem ra có vẻ thích thú cái triết lý (vụn) gà này lắm. Họ bắt tay tôi và chúc cứ sống "vô tư" như con gà. Từ đó tới giờ tôi không gặp lại hai người bạn này nữa. Họ đã may mắn thoát khỏi gông cùm ngục tù cộng sản chạy sang Mỹ và đã "về vùng vĩnh cửu" lâu rồi.
 
Con trai tôi từ Làng Báo Chí lên đưa tôi một mảnh giấy to bằng bàn tay đánh máy và dưới có chữ ký bên cái "triện" hình chữ nhật nhỏ bằng mực tím. Người ký tên Phạm Ngọc Lễ - một anh phát báo Saigon Post trước 75 - giờ được chính quyền xã phong cho chức "trưởng ban đại diện Làng Báo Chí". Văn thư "yêu cầu tôi về Làng Báo Chí làm việc. Khẩn". Tôi biết việc này lành ít dữ nhiều, bàn bạc cùng vợ. Vợ tôi bảo phải về thôi "kiến trong miệng chén bò đâu cho thoát". Trong lúc tôi còn đang dùng dằng lưỡng lự, vợ tôi đi chợ về báo một tin không lành: "Em thấy ngoài chợ họ kháo nhau là có vợ chồng một tay ngụy gộc Saigon trốn lên đây vờ làm dân vô sản chăn nuôi gà để che thân lánh nạn, tránh trình diện cách mạng". Thế là tôi phải quyết định trở về Làng Báo Chí ngay vì nơi chốn nào cũng chỉ toàn bất ổn.
 
Hôm về, tôi được người bạn cho mượn chiếc xe đạp cũ chở hai con nhỏ từ xa lộ rẽ vào Làng Báo Chí. Một cái rào cản mới lập chắn ngang đường có mấy cậu du kích mang súng AK, tuổi 15, 16 chặn tôi lại hỏi giấy tờ. Tôi làm gì có giấy tờ cách mạng cấp. Họ hỏi với giọng rất sấc, hách dịch: anh vào nhà ai? Tôi nói vào nhà tôi. Sao lâu nay tôi không thấy mặt anh, lạ thật. Nhà anh ở đâu? Cuối làng, sát bờ sông. A, một tên nói to, chắc anh biết thằng ngụy ác ôn phản động chủ tịch báo chí? Nhà nó cũng ở sát bờ sông đấy. Thằng này hiện trốn tránh nhưng chạy đâu cho thoát. Tôi sững người. Mặc dầu cố làm bộ mặt tỉnh nhưng tim tôi nhói thắt. Nhà tôi, Làng tôi do tôi lập ra. Mọi người trong Làng ai cũng biết mặt biết tên mấy năm trời nay, bây giờ tôi bỗng trở thành người lạ, trở thành "thằng" và chưa chi đã bị lên án "thằng ngụy ác ôn phản động". May mà mấy cậu cách mạng con này không biết mặt tôi, nếu biết, chắc tôi bị họ dí súng vào lưng dẫn đi nhà giam hay cho một phát đạn rồi. Thì ra sở dĩ có cái thư "khẩn" đòi tôi về Làng ngay là do mấy anh "ba mươi" cộng tác với mấy anh ký giả nằm vùng muốn lập công đầu với cách mạng, tổ chức tòa án nhân dân để xét xử "tội trạng" tôi. Về phía "đại diện nhân dân" đứng ra yêu cầu là anh chàng "ba mươi" làm nghề phát báo Saigon Post Phạm Ngọc Lễ. (Anh này trước đây phải năn nỉ ông chủ nhiệm báo Saigon Post ký giấy chứng nhận ký giả và cũng cậy cục xin xỏ tôi mãi mới được cấp nhà trong Làng Báo Chí, vì theo điều lệ quy định phải là ký giả). Còn người lãnh đạo phát động đấu tố là ký giả nằm vùng Nguyễn Vạn Hồng làm phóng viên cơ quan Việt Nam Thông Tấn Xã của Nhà Nước, luôn được cử đi theo tổng thống, thủ tướng trong các chuyến công du. Ngoài ra anh ta còn làm phóng viên cho một tờ nhật báo chứa chấp đầy bọn nhà báo nhà văn họa sĩ nằm vùng. (Tờ Điện Tín của Nghị sĩ VNCH Hồng Sơn Đông). Nguyễn Vạn Hồng có người cha tập kết ra Bắc nghe đồn làm chức to lắm (sau này mới biết không phải vậy, ông ta chỉ là một cán bộ tép riu).
 
Buổi tối hôm đó, khoảng 8 giờ, trời tối tăm mù mịt khác thường, rất tiếc tôi không còn nhớ ngày, "ban hội tề" (tức ban đại diện Làng Báo Chí) lập tòa án nhân dân tại trụ sở tạm đầu Làng. Ban hội tề 4, 5 tên, ngồi chồm hổm trên băng ghế dài kê sau cái bàn. Còn dân Làng già trẻ lớn bé đều ngồi bệt dưới sàn nhà. Tôi không chịu ngồi, đứng dựa tường góc phòng và thản nhiên lấy thuốc lá nhồi píp hút. Sau khi nghe ban hội tề lớn tiếng gay gắt hằn học kết đủ thứ tội cho tôi như CIA, làm tay sai Thiệu Kỳ Khiêm, lập Làng Báo Chí theo chính sách của đế quốc Mỹ tập trung giới báo chí văn nghệ sĩ vào một chỗ (như ấp chiến lược) để kìm kẹp kiểm soát thao túng đàn áp (?) và vô số tội nữa với anh em văn nghệ báo chí. Họ nói dài nói dai đến hai tiếng đồng hồ với toàn những chuyện dựng đứng bịa đặt. Rồi họ yêu cầu "nhân dân trong Làng" lên tiếng tố cáo tội ác của tôi. Cả Làng nhìn nhau không ai lên tiếng. Họ đành quay sang tôi bắt tôi thành khẩn nhìn nhận tội lỗi, bầy tỏ lòng ăn năn hối hận và "xin" cách mạng khoan hồng, nhờ cách mạng cải tạo sớm trở thành công dân tốt xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ mình đã đến bước đường cùng chẳng còn gì hy vọng, cuộc sống thì bị vây hãm đe dọa, tương lai thì mù mịt tăm tối, không việc làm, cái đói cái khổ đang rình rập trước cửa nhà, chỉ còn cái chết may ra mới thoát. Nghĩ vậy tôi bỗng sinh liều hết sợ. (Tôi cũng không hiểu sao lúc đó lại "anh hùng" đến thế). Tôi dõng dạc nói to: "tôi nhìn nhận đã chống cộng từ mấy chục năm nay, sách báo còn ghi rành rành. Nếu chống cộng là có "tội" với cách mạng thì tôi nhận. Nhưng còn với Làng Báo Chí này tôi quả quyết chỉ có công không có tội. Tôi lập nó vì muốn anh em ký giả văn nghệ sĩ có cái nhà. Đó là hoàn toàn do thiện tâm thiện chí của tôi, không ai xúi dục hay bắt buộc tôi làm. Nhờ tôi hơn 300 gia đình ký giả, văn nghệ sĩ có nhà để ở, tuy chưa được hoàn hảo như mong muốn nhưng cũng đầy đủ tiện nghi cho một cuộc sống trung lưu. Tôi nhắc lại, tôi sẵn sàng chấp nhận búa rìu cách mạng đánh xuống đầu vì "tội" chống cộng. Nhưng với Làng Báo Chí này, nếu không nói là người có công lập ra nó thì tôi cũng không hề có tội. Với anh em văn nghệ sĩ, ký giả cũng vậy". Tôi vừa dứt lời, thật bất ngờ, dân làng bỗng vỗ tay ào ào. Lại còn có nhiều tiếng nói lớn: ông Hoàng vô tội. Ông là người ơn của chúng tôi. Không có ông không có Làng này. Một vài người già tự đứng lên phát biểu cũng với nội dung tương tự. Biết khó xách động được quần chúng, Nguyễn Vạn Hồng vội đứng lên nói vài lời kết thúc. Tuy nhiên gã không quên phát lời dọa dẫm: dù sao ông Thanh Thương Hoàng cũng như những người chế độ cũ cần phải được cách mạng giáo hóa cải tạo. Tôi biết bản án dành cho tôi đã được báo trước.
 
Ngày tháng lặng lẽ trôi trong ảm đạm thê lương, trong tối tăm vô vọng. Chúng tôi phải bán tất cả vật dụng cần thiết trong nhà từ cái giường ngủ tới bàn ghế, tủ lạnh, tivi, quần áo... để lấy tiền sống. Rồi người ta mở chiến dịch "quét sạch văn hóa đồi trụy Mỹ Ngụy". Tôi đau lòng biết bao khi nhìn các con tôi bắt buộc tuân theo lệnh "các đồng chí cán bộ văn hóa" ôm từng chồng sách báo của tôi và các bạn bè tặng tích lũy từ bao năm, đem nộp cho cách mạng để cách mạng chất đống đốt. Tôi liên tưởng tới việc ngày xưa bạo chúa Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn thư sinh. Tấn trò man rợ, ngu muội thời trung cổ bây giờ giữa thế kỷ 20 lại tái diễn.
 
Qua một cái tết chẳng có gì "hồ hởi phấn khởi" đất nước độc lập thống nhất như người cộng sản la lối rùm beng, bọn "dân ngụy" chúng tôi ngày đêm chỉ mải mê tính đường chạy trốn khỏi cái thiên đường xã hội chủ nghĩa này. Bao biến cố rung trời chuyển đất đang xẩy ra cho Miền Nam khốn khổ (vốn hiền hòa chân chất nhân hậu). Giữa năm thì cả triệu Quân Cán Chính VNCH đi tù. Cuối năm đánh tư sản mại bản (để cướp của) bắt hết các nhà tư sản. Cuối tháng 3 đầu tháng 4.1976 mở chiến dịch X3 "đánh" Văn nghệ sĩ báo chí.
 
Chập tối ngày 5 tháng 4, anh Trần Việt Hoài, nhà thơ, phó chủ tịch Làng Báo Chí, trưởng nam cụ Á Nam Trần Tuấn Khải hốt hoảng chạy sang nhà tôi báo tin dữ: công an cộng sản đang mở chiến dịch bắt các Văn nghệ sĩ Miền Nam. Nhiều người đã bị vồ. Trước khi về Trần Việt Hoài còn cố nhắc lại câu nói lúc đầu: "Còn ông, ông coi chừng đó. Tôi sợ đến lượt ông đấy". Tôi tuy không bất ngờ cũng bàng hoàng hoang mang lo sợ, mặc dầu biết việc này sớm muộn cũng sẽ xẩy ra.
 
Buổi tối cơm nước xong không thấy động tĩnh gì, tôi khoác chiếc áo ngủ sang nhà anh bạn hàng xóm chơi mà chược giết thời giờ và cũng để lãng quên sự đời. Vừa xếp bài xong thì con tôi bước vào nói có mấy chú công an bên xã đến nhà cần gặp Bố. Tôi xin lỗi các bạn vui lòng chờ ít phút.
 
Tôi về nhà thấy hai công an mặc quần áo đen chở nhau xe gắn máy, một gã vai đeo khẩu AK. Gã được chở tự xưng trưởng ban công an xã mời tôi ra trụ sở "làm việc". Trụ sở tạm ngoài đầu làng. Đó là căn nhà của anh Nguyễn Đức Lưu, một ký giả làm cho hãng thông tấn ngoại quốc đã bỏ đi nước ngoài. Tôi đi xe đạp cho nhanh. Gã trưởng ban công an hỏi tôi về tình trạng nhà cửa trong Làng với nhiều câu vớ vẩn đầu cua tai nheo chẳng đâu vào đâu. Vừa chuyện trò gã vừa đưa mắt nhìn ra trước cửa như có ý chờ đợi ai đó. Hơn một tiếng đồng hồ hỏi đáp những câu chuyện vu vơ, gã trưởng công an cho tôi về hẹn hôm sau làm việc tiếp. Tôi thật vô tâm, lú lẫn quên hẳn việc Trần Viêt Hoài báo động khi nãy (chúng nó bỗng dưng tìm gặp mình là phải "có chuyện"). Về tới nhà cất xe đạp xong tôi lại "vô tư" sang nhà anh bạn chơi tiếp mạt chược (vì mấy người vẫn "vô tư" đợi tôi). Giữa lúc mọi người đang xoa bài thì con tôi lại sang báo nhà có khách. Tôi bực mình đứng dậy ra về. Lúc bấy giờ đã hơn 9 giờ tối. Thấy trước cổng nhà mình có một "ô tô con" mầu trắng đậu và năm sáu người đứng lố nhố. Trong số này có gã trưởng công an xã và tên du kích cầm súng AK khi nãy. Họ "dàn quân bố phòng" ngay: hai người cầm súng AK canh trước cổng, hai người cầm súng lục trấn hai bên cửa nhà. Mặt người nào cũng hầm hè sát khí như sắp xẩy ra bắn giết. Không đợi tôi mời, họ lôi tôi vào trong nhà, tự giới thiệu công an trên Thành và đổi ngay giọng nạt nộ yêu cầu tôi quay mặt vào tường giơ hai tay lên cao nghe đọc lệnh bắt và khám nhà. Vợ con tôi sợ hãi cuống quýt, họ đuổi ra hết trừ đứa con gái thứ ba ngồi học sát phòng bên, họ quên không đuổi nên cháu chứng kiến từ đầu việc tôi bị bắt. Khám người, khám nhà xong (mất hơn giờ) họ bảo tôi mang theo mấy bộ quần áo và ra xe. Vợ con tôi ùa ra bị chặn lại. Họ nói: gia đình yên tâm, anh ấy đi làm việc mấy ngày xong là về ấy mà. Cô con gái út tôi 12 tuổi lúc bấy giờ mới biết tôi bị bắt và òa lên khóc, kêu to Bố ơi. Tôi hôn các con và bước vào cửa sau xe hơi mở sẵn. Trước khi bước vào, tôi nói: "Cửa địa ngục đã mở, cuộc đời tôi bắt đầu đóng lại theo cái cửa xe này". Gã công an không hiểu, hỏi: "Anh nói gì?". Tôi nhắc lại câu nói. Gã nhún vai: "Chẳng có gì quan trọng. Hỏi vài việc xong cách mạng cho anh về ngay thôi". Vừa ngồi xuống nệm xe, hai gã công an ngồi hai bên, tôi ngồi giữa, lẹ làng móc còng số 8 ra còng tay tôi vào tay họ. Trong lúc này đầu óc tôi lơ mơ bất định, như người mộng du lơ lửng trên không. Xe ra tới xa lộ, thay vì rẽ phải chạy về Thành phố họ rẽ trái phóng về hướng Thủ Đức. Tôi rùng mình. Một ý tưởng khủng khiếp chợt xuất hiện: chúng nó đem mình đi thủ tiêu? Mồ hôi lạnh nơi trán tôi toát ra. Chân tay tôi rã rời, tim đập thình thịch. Bây giờ tôi mới thấy sợ. Cái chết hiện ra trước mặt ai cũng đều sợ hết. Đến "con Đức Chúa Trờì vĩ đại như Chúa Jê Su khi lên đoạn đầu đài cũng còn sợ chẩy cả máu mắt, huống gì thứ người trần tầm thường như tôi. Rất may gã công an ngồi cạnh tên lái xe lên tiếng hỏi: "Mày chạy đi đâu đây?". Tên kia trả lời: "Thì về Sở chứ còn đi đâu nữa!". "Vậy là mày chạy ẩu rồi. Quay lại, về Sở rẽ phải mới đúng chớ". "Ờ nhỉ". Thế là đến một quãng trống xe quay lại chạy vào hướng Thành phố. Hú vía! Tôi đưa tay lên ngực nhưng bị vướng cái còng và bàn tay gã công an. Thú thật bây giờ tôi mới bớt sợ mặc dù tim vẫn đập thình thịch. Tôi thở dài như trút hết nỗi lo sợ ra ngoài. Xe còn chạy lòng vòng qua nhiều đường phố hồi lâu (có lẽ nhằm đánh lạc hướng phòng ngừa có kẻ theo dõi?) rồi mới chạy vào Sở An ninh nội chính (tức Nha công an Thành phố Saigon cũ) đường Trần Hưng Đạo. Khi tôi bước vào phòng giam anh em tù trong phòng xúm lại hỏi bị bắt vì tội gì? Tôi đáp: Tội văn nghệ sĩ! Mọi người ồ lên ngạc nhiên. Một người cất tiếng chửi thề và nói to: văn nghệ sĩ có tội gì mà bị bắt?! Tôi lắc đầu im lặng. Đêm sa địa ngục của tôi là như thế. Năm đó tôi 43 tuổi, con đường sự nghiệp đang mở rộng phía trước và để lại ngoài đời sáu con nhỏ còn vị thành niên đói khổ.
 
Vào tù tôi mới biết những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, kịch sĩ, đạo diễn điện ảnh - đa số có tên tuổi của miền nam - bị bắt như Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Chóe (họa sĩ), Đằng Giao (họa sĩ, con rể nhà văn Chu Tử), Duyên Anh, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Anh Tuấn, Mặc Thu, Thái Thủy, Doãn Quốc Sỹ, Hồ Thế Viên, Như Phong Lê Văn Tiến, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Hồ Văn Đồng, Trần Việt Sơn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Huỳnh Thành Vị, Sao Biển, Cao Sơn, Trịnh Viết Thành, Thái Dương, Tô Ngọc, Hồng Dương, Lê Xuyên, Lý Thụy Ý, Anh Quân, Trần Quân, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Dương Nghiễm Mậu, Võ Xuân Đình, Đậu Phi Lục, Mộc Linh Nguyễn Hiệp Duyên, Lê Hiền (anh này nằm vùng). Các đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng Khánh và mấy đạo diễn tuồng cải lương. Tất cả khoảng hơn trăm người, rất tiếc tôi không nhớ hết tên. Riêng trường hợp Uyên Thao, Lý Đại Nguyên bị bắt từ mấy tháng trước, tôi được nữ ký giả Triều Giang (báo Sóng Thần) đến nhà báo cho biết. Còn Nhà báo Nguyễn Tú bị bắt ngay những ngày đầu tháng 5.75. Riêng Mai Thảo (có tên trong danh sách bắt) nhờ may mắn thoát nạn. Nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, Nhà báo Đường Thiên Lý bị bắt sau. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Nhà văn Nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nhà báo Trần Việt Sơn, Nhà thơ Vũ Hoàng Chương bi chết trong thời gian tù. Trong bài này tôi chỉ đề cập tới các văn nghệ sĩ ký giả bị bắt không thuộc giới quân nhân, không làm việc cho cơ quan Nhà nước hay đoàn thể đảng phái nào, chỉ làm các báo, tạp chí tư nhân. Lẽ ra tôi kết thúc bài viết ở đây lại muốn thêm vài giòng nữa.
 
Mấy ngày sau họ lại chuyển chúng tôi về T20 và tôi là người trong giới văn nghệ bị gọi lên "làm việc" (hỏi cung) đầu tiên. Sau khi kê khai lý lịch xong, gã chấp pháp (người hỏi cung) tra vấn tôi về "tội" làm tay sai Mỹ Ngụy và "tội" lập Làng Báo Chí để tập trung các văn nghệ sĩ ký giả lại như ấp chiến lược. Tôi nói tôi không có tội gì cả, tôi chỉ là một người viết văn viết báo độc lập. Yêu nước, yêu tự do dân chủ đó là quyền tối thượng của con người. Không ai có quyền nhân danh này nọ kết tội. Tôi viết văn viết báo như một lẽ sống. Còn lập Làng Báo Chí là do thiện tâm thiện chí của tôi muốn anh em hành nghề viết lách sống quay quần bên nhau trong tinh thần tương thân tương ái nghề nghiệp. Nghe tôi nói vậy gã chấp pháp bỗng đùng đùng nổi giận, đứng lên đập bàn sô ghế, đưa nắm tay dứ dứ như muốn đấm vào mặt tôi nói như quát: "Vào đây rồi mà vẫn còn ngoan cố. Tôi cho anh đi biệt giam để anh có thì giờ suy nghĩ về tội trạng của mình". Thế là tôi bị tống vào biệt giam (cacho) phòng số 11 khu C trại tù T20 (bên hông chợ Bà Chiểu Gia Định) gần một năm. 
 
Tôi cũng là văn nghệ sĩ đầu tiên bị nhốt biệt giam. Căn biệt giam mới làm còn hăng mùi xi măng, ngang 1m 20, dài 2 m, tường kín mít, trần thấp, có cầu tiêu tại chỗ nhưng không có nước. Ít ngày sau tôi có thêm mấy ông "hàng xóm" (nhốt cùng dẫy) tên tuổi: Thượng Tọa Huyền Quang, Thượng Tọa Quảng Độ, Linh mục Đỗ Bác Ái, Tiến sĩ Mai Văn Lễ, Nhà báo Hồ Văn Đồng, Nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Tôi bị nhốt biệt giam hơn 11 tháng được chuyển về Sở An ninh nội chính (đường Trần Hưng Đạo). Có lẽ biệt giam hết chỗ nên tôi được ở khu tập thể gần năm lại chuyển về T20 (trại Phan Đăng Lưu). Sau đó khoảng 7, 8 tháng, vào nửa đêm, một số chúng tôi bị gọi ra khỏi phòng, còng tay - hai người còng chung một còng số 8- đưa lên xe vận tải (dùng chở heo) ngồi chật như nêm, nhịn ăn uống chạy suốt đêm ngày hơn ngàn cây số tới trại tù Gia Trung nằm sâu trong dẫy núi rừng vùng Cao nguyên, tỉnh Pleiku. Cuộc đời tù đầy nơi chốn địa ngục trần gian của tôi kéo dài thiếu 4 tháng 5 ngày nữa trọn 10 năm. Trong số các Văn nghệ sĩ bị đưa đi lưu đầy trên vùng rừng núi Pleiku chỉ có mươi người, số còn lại nhốt ở T20 khoảng một năm được tha về hết. Số Văn nghệ sĩ bị "phát vãng" lên trại lao động cải tạo Gia Trung Pleiku gồm có: Hồ Văn Đồng, Doãn Quốc Sỹ, Trần Dạ Từ, Lý Đại Nguyên, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Mặc Thu, Thái Thủy, Trịnh Viết Thành, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Tô Ngọc, Cao Sơn, Mộc Linh, họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí) và tôi. Sau 3 năm (năm 1980) Nhà văn Doãn Quốc Sỹ được gọi tha về đầu tiên trong giới anh em văn nghệ sĩ đưa lên đây.
 
Cộng sản bảo "những tên" bị đưa đi đầy thuộc thành phần ác ôn nợ máu nhân dân, chống cộng ở thượng từng kiến trúc (?) cần phải trừng trị đích đáng. Tới nay câu nói của người bạn tù vẫn còn vang vang trong đầu tôi: Văn nghệ sĩ có tội gì mà bị bắt?! Và cũng từ lâu lắm rồi, khi còn cắp sách tới trường, tôi đã đọc nhiều lần trong một cuốn sách nào đó câu: "Văn nghệ sĩ là tinh hoa nhân loại, là những người làm đẹp cho đời, không một ai có quyền - dù nhân danh này nọ - hãm hại họ". Rất tiếc qua hơn nửa thế kỷ tôi đã quên mất tên tác giả.
 

Thanh Thương Hoàng

Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 15/12/2021 2:26 sáng
Chia sẻ: