Câu chuyện 10 năm trước…
Tiểu Đạt nhìn thấy mẹ mình xách hộp cơm và thức ăn ra ngoài, rồi một lúc sau bà lại trở về với hai bàn tay không. Tiểu Đạt thấy mẹ ngày nào cũng mang cơm cho ai đó nên thấy hiếu kỳ mới hỏi:
Mẹ mang cơm cho ai vậy?
Tuy nhiên mẹ cậu chỉ nói:
- Không cho ai cả, chỉ là mang để ở khu rừng nhỏ rìa thành phố thôi.
Lúc đầu Tiểu Đạt cũng không tin, cho rằng mẹ mình đang giúp đỡ người già cô đơn nào đó, chỉ là không muốn cho mình biết nên đành nói vậy.
Buổi trưa hôm sau, Tiểu Đạt lại thấy mẹ mang cơm đi tiếp, cậu quyết định muốn tìm hiểu xem mẹ mình rốt cuộc là mang cơm đi cho ai? Khi mẹ cậu vừa mang cơm đi, cậu liền bám theo sau, cậu thấy mẹ mình đúng là mang cơm đến khu rừng nhỏ bên rìa thành phố. Tới nơi, mẹ cậu để thức ăn ở đó rồi quay người bước trở về, thấy mẹ mình quay lại về hướng mình, Tiểu Đạt liền vội vàng chạy một mạch về nhà trước.
Sang ngày hôm sau, Tiểu Đạt cố tình đến khu rừng đó từ rất sớm để chờ mẹ mình đến, xem xem rốt cuộc mẹ mang cơm cho ai? Tuy nhiên đợi cả nửa ngày cũng chẳng có ai đến cả, cậu cho rằng có thể mẹ mình mang cơm cho chó hoang ăn.
Tiểu Đạt cảm thấy mẹ mình làm như vậy có chút lãng phí, nếu như đây là những thức ăn thừa trong nhà không dùng nữa thì đã đành, đằng này toàn là cơm canh mới nấu, tại sao mỗi ngày mẹ đều làm vậy, thật không hiểu.
Sau khi trở về nhà, Tiểu Đạt liền nói với mẹ mình, không ngờ mẹ cậu lại không chịu nghe, ngược lại còn bảo cậu không nên quản việc này. Cậu cảm thấy thật lạ, dường như mẹ đã biến thành một con người khác, vốn dĩ trước nay mẹ luôn là người chi tiêu tằn tiện, sao nay lại lãng phí như vậy?
Thấy mẹ muốn gì làm đấy, Tiểu Đạt cũng không muốn quản nữa, dù sao thì công việc hiện tại của cậu cũng đủ bận rồi, công ty của cậu hàng ngày có biết bao nhiêu là việc cần xử lý. Hơn nữa việc này mẹ cảm thấy vui mà làm cũng là việc tốt, đây cũng đều là việc thiện cả.
Sau một thời gian, cũng chẳng biết là bao lâu, đột nhiên Tiểu Đạt phát hiện mẹ mình không còn mang cơm đi nữa. Cậu cho rằng có lẽ mẹ đã hiểu điều cậu nói, không nên lãng phí như vậy nữa. Về phần mình, sau bao nhiêu năm gây dựng công ty, công việc làm ăn vẫn cứ bập bõm lên xuống thất thường….
Mười năm sau…
Sau bao nhiêu năm làm ăn chật vật, công ty của Tiểu Đạt gần đây mới bắt đầu có tiến triển đột phá. Trước lúc tưởng như công ty sẽ phải đóng cửa vì phá sản, nhưng thật may mắn gặp được một đối tác làm ăn lớn giúp đỡ. Giai đoạn đó, Tiểu Đạt ngày ngày mặt mày nhăn nhó khổ sở. Mẹ cậu thấy vậy nhưng cũng chẳng biết làm gì để giúp cậu, chỉ khuyên nhủ cậu làm gì cũng cần bình tĩnh mà làm, khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua, làm người quan trọng là tâm trong sạch, lòng liêm chính, đối xử thiện lương với mọi người thì trời cao ắt cũng sẽ tương trợ.
Rồi, một hôm, cậu về nhà sớm hơn mọi khi, mặt mày vui vẻ hớn hở Chưa kịp mở cửa vào trong nhà đã lớn tiếng gọi mẹ. Mẹ cậu trong nhà thấy cậu gọi vội vàng như vậy tưởng có chuyện gì, vội ra mở cửa, vừa nhìn thấy mẹ cậu đã nói:
- Nay mẹ làm vài món ngon ăn chúc mừng mẹ nhé!
Mẹ cậu thấy con vui như vậy mới hỏi:
- Có chuyện gì mà con vui thế?
Cậu trả lời:
- Có một ông chủ lớn chủ động tìm con hợp tác, không những vậy hợp đồng lại rất ưu đãi mẹ ạ!
Nghe cậu nói vậy, mẹ cậu cũng vui không tả xiết, quả đúng là người tìm tiền thì khó chứ tiền tìm người thì dễ. Tiểu Đạt hợp tác với ông chủ lớn này chưa đầy một năm mà kinh tế gia đình hoàn toàn thay đổi, không những nợ cũ bao năm được thanh toán mà còn kiếm được một món tiền lớn, đủ để gia đình cậu sống trong sung sướng.
Kể từ khi kiếm được nhiều tiền, Tiểu Đạt cũng bắt đầu thay đổi, hàng ngày tự cao tự đại, không còn là một con người khiêm tốn, hiếu thuận với mẹ như trước. Thấy cậu vì tiền mà trở thành như vậy, mẹ cậu nói:
- Con người khi giàu có cũng chớ nên quên lúc bần hàn. Con người đều có lúc thịnh lúc suy, có tiền rồi cũng đừng cao ngạo tự đắc, lúc không tiền cũng đừng cảm thấy thiếu thốn không bằng người.
Đương nhiên trong lúc thời đến, vận cao nên Tiểu Đạt không hề để tâm tới những lời nói đó của mẹ. Cậu cho rằng tất cả những thứ mình có được đều do tự thân nỗ lực mà có, là bản lĩnh của mình gây dựng mà nên.
Trong lúc hai mẹ con đang tranh luận đạo lý thiệt hơn về làm người thì đột nhiên bên ngoài có tiếng chuông cửa, Tiểu Đạt bước ra mở cửa xem ai đến nhà mình. Thật bất ngờ đó là ông chủ lớn, người đã giúp đỡ mình bấy lâu nay, điều bất ngờ hơn nữa là khi bước vào nhà, ông chủ lớn không hề nói chuyện với Tiểu Đạt mà lại bước đến chỗ mẹ cậu mà kính cẩn vái chào:
- Ân nhân vẫn khoẻ chứ? Nếu như không có sự giúp đỡ của ân nhân, mỗi ngày mang cơm đến cho ăn, nhất định tôi sẽ không có được ngày hôm nay.
Mẹ Tiểu Đạt nhận ra người mình giúp đỡ năm xưa, cũng bất ngờ hơn lại là đối tác giúp đỡ con mình bấy lâu nay nên quay sang nói với con trai:
- ,Con còn nhớ khoảng 10 năm trước, mỗi ngày mẹ đều mang cơm đến khu rừng nhỏ không? Không phải mẹ mang cơm cho thú hoang ăn mà là cho ông chủ đây. Năm đó, ông chủ đây cũng như con bây giờ, tuổi trẻ, lại nhiều tiền, sau dần dần kiêu ngạo tự mãn, cho rằng thế giới này đều ở dưới chân mình. Tuy nhiên cảnh đẹp thời may chẳng được là bao, chỉ trong một đêm bị người khác lừa sạch gia sản, ông chủ đây vì tuyệt vọng mà đến khu rừng nhỏ đó treo cổ. Cũng may là hôm đó mẹ đi tập thể dục ngang qua phát hiện kịp thời mà khuyên bảo, cũng là những lời mà mẹ từng nói với con. Ngoài ra mẹ cũng không muốn đánh mất đi sự tự tôn của tuổi trẻ các con nên hàng ngày mẹ mang cơm đến đó rồi đi về. Không ngờ người gặp nạn năm đó nay lại trở thành một đại ông chủ lớn như ngày nay; con người, khí thái cũng điềm đạm tự tôn hơn nhiều.
Tiểu Đạt nghe đến đây mới hiểu những việc mẹ mình làm trước đây, cậu hiểu ra rằng những gì mình có được hiện nay chẳng phải do bản thân tài giỏi, mà là nhờ vào thiện duyên hơn 10 năm trước mẹ mình đã gieo trồng. Điều này khiến cho cậu tỉnh ngộ, cậu thấy thật xấu hỗ với chính mình.
Mẹ Tiểu Đạt thấy bộ dạng hối hận của con mình thì vỗ vai cậu rồi nói với hai người:
- Hai người đều còn trẻ; còn ta, tuy ta già rồi, không có bản sự gì để kiếm tiền cả, nhưng ta hiểu rõ một điều rằng: "Làm người thì bất luận thế nào cũng không thể quên đi bản thân mình, khi có tiền thì không nên nhìn lên, khi hết tiền thì không nên nhìn xuống, bất luận cuộc đời có ra sao cũng đều phải nhìn về phía trước”.
***
Ở đời con người sinh ra thì đều cần phải học, có câu “Không thầy đố mày làm nên”, ngay cả con cái các bậc vương quân, vua chúa ngày xưa cũng phải mời thầy về dạy bảo.
Đối với cổ nhân, việc dạy bảo con cái, cũng như học trò, việc đầu tiên chính là dạy làm người, dạy nhân phẩm cho học trò, cho con cái. Tiếp đó rồi mới dạy kỹ thuật, dạy tài năng, làm thơ ra sao, học đạo thế nào…
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục chúng ta ngày nay đã khác hẳn, đối với nhân phẩm của một người đã không còn được coi trọng như trước. Khi trẻ, đến trường đa số đều chú trọng đến kiến thức khoa học, kỹ thuật hiện đại. Vậy nên ý nghĩa của nhân phẩm, đạo đức đã không còn được mấy người chú ý.
Có câu: "Làm người, muốn làm đại sự trước tiên phải làm được đại nhân cách". Người không nhân cách nói nhiều vô dụng, làm nhiều mất công. Ở đời thì tạo phúc làm lành chính là con đường làm giàu nhanh nhất, an toàn nhất.
(Nguồn: Vạn Điều Hay)