Luận là một sĩ qua QLVNCH trước 30/04/1975 của miền nam Việt Nam, sau ngày Quốc Hận, anh đã trải qua một thời gian dài cải tạo 6 năm của phe thắng cuộc man rợ.
Đầu năm 1982 anh được trở về với gia đình. Năm sau, thấy khó sống nổi với cộng sản, gia đình thu xếp cho một mình anh đi vượt biên.
Anh nhớ rõ lần đầu tiên ra bến bãi, sau 2,3 ngày trốn lủi ở bờ cát Bà Rịa Vũng Tàu, anh lên được ghe ra tàu lớn.
Nhưng rồi chẳng may tàu lớn chạy được khoảng ½ giờ thì công chuyện đổ bể vì việc mua bến bãi của chủ tàu có trục trặc hay bị công an làm phản gài bẫy sao đó…
Có những tiếng súng nổ ầm ầm, tặc tặc, có những tiếng quát tháo la hét dữ dằn, có tiếng la khóc thảm thương…
Anh biết phận mình, vội bỏ chạy thục mạng không quay đầu lại, bơi, nhào, lặn, lủi… đành mất của, anh chạy riết men theo một xóm làng ở xa xa có chỗ cây cối thưa thớt, có chỗ rậm rì.
Có những bụi gai, anh chạy không kể đất trời và gai đâm, sỏi nhọn sóc dưới chân… có lẽ thoát thân nhờ can đảm khổ cực sau bao năm chiến tranh.
Anh thoát xa chỗ súng đạn, anh men theo xóm làng lạ lẫm vắng vẻ về quá Bà Rịa. Khá lâu có lẽ đã 3,4 giờ sáng. Anh không dám dừng lại dù ở một vài nơi thấy có ánh đèn leo lét.
Khi thấy mình đã vượt xa, thật xa chốn lâm nguy, anh Luận đi chầm chậm lại để thở và bất ngờ anh đụng Tam quan một ngôi chùa cổ quạnh hiu… bên trong tối om, anh ngồi tựa cổng chờ.
Một lúc lâu không nghe động tịnh gì nguy hiểm vây quanh, anh bạo dạn gõ cửa chùa, thôi đây là cửa Phật, anh tự nghĩ ta cùng đường rồi, phó thác thân vào chốn Từ Bi ! May ra…
Tiếp đón anh, sau một lúc lâu, cửa hé mở là một chú tiểu trẻ, năng nổ mau mắn dắt anh vô gặp thầy trụ trì.
Thầy đã khá đứng tuổi, phong độ chắc chắn hiền hòa qua ái ngữ… thầy nhìn anh 1,2 giây rồi từ tốn nói rằng :
– Thôi, đừng ngại, tôi biết anh là ai rồi, sa cơ lỡ vận, đã tới đây thì ở lại đây…
Anh yên tâm nghĩ ngơi ít ngày cho khỏe rồi tính sau.
Anh được thầy cho gối, chăn, chiếu ngủ nghỉ. Anh được thầy cho ăn uống thanh đạm tương, cơm, chao, nhưng no đủ.
Một tuần lễ trôi qua, anh theo thời khóa nhà chùa, dù ngủ ở một nơi kín đáo sau hậu liêu, nhưng mỗi sáng sáng mỗi tối tối nhà chùa công phu chuông mõ niệm phật… anh đều lồm cồm bò dậy, chỉnh trang gọn ghẻ áo quần, ra một góc trong chánh điện, quỳ mọp, nghe kinh.
Tiếng chuông thanh tịnh ngân nga, tiếng mõ dìu dặt độ niệm, tiếng thầy trụ trì vang vang nhịp nhàng :
… Quán tự tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…
Anh quỳ trong một góc tối của chánh điện lòng mơ hồ như cảm nhận xung quanh một niềm vui chan hòa tràn đầy nhân ái, không sợ hãi, không lo lắng, an nhiên tự tại… không có những ngụp lặn, trầm luân của cuộc đời xô đẩy đầy bão tố.
Anh, có lần, khi nghe kinh đã quên đi cảnh sa cơ lỡ bước, đang tạm trú ở thiền môn, cho đến một hôm đó, thầy trụ trì gọi anh ngồi cùng uống trà, rồi ngài từ tốn truyền dậy : « – Tôi nhắm là anh đã khỏe hơn đôi chút, có lẽ thời vận đưa đẩy, khuya nay có một chuyến vượt biên tôi quen, tôi gửi anh đi với họ, tôi đã nhắn họ tới đón anh, vào nửa đêm, đừng sợ, tôi biết họ lo chu đáo lắm… kỹ lưỡng và bảo đảm. Anh yên trí dùng cơm tối, khuya này, tôi đưa anh theo họ. »
Anh đang lưỡng lự, chần chờ, thì thầy lớn nói thêm, giọng chắc chắn từ tốn khoan hòa, mà như ra lệnh :
“Anh không nên ở một chỗ lâu hơn, đã tới lúc có cơ hội tốt thì anh nên ra đi, anh còn những bổn phận trách nhiệm ở ngoài đời. Tôi, chúng tôi ở nơi này luôn cầu nguyện cho anh. Can đảm lên…”
Khuya hôm đấy, trời tối mịt mùng nhưng êm ả, êm dị thường, hai thầy, một già một trẻ đi hai bên cùng anh ra cổng, cái cổng Tam Quan mà khi mới tới anh đã ngồi đó yên lặng hàng giờ… rồi có một người tới đón.
Trước đó thầy trẻ đã tặng anh một chung trà mạn sen thơm ngát như mọi ngày, nay có pha thêm vài lát sâm vị ngọt và dìu dịu… đắng.
Còn thầy trụ trì tới sát bên anh và trao cho anh một bọc nylon nhỏ trong có gói một bộ áo quần, một phong thư và một số tiền và vàng để anh phòng thân !
Thầy dặn cẩn thận :
“Tiền và vàng thì cất kỹ trong người, bộ áo quần bỏ gọn trong sắc tay và cả phong thư, phong thư thì lên tàu lớn hãy đọc, nhưng nếu bất cập thì liệng ngay bì và thư đi. Và khi đã đọc xong rồi, cũng vất bỏ lá thư đi và lòng đừng vướng bận…”
Thầy tiễn anh đi rất mau như gió thoảng, nhưng không quên chúc anh thượng lộ bình an và hứa với anh, các thầy sẽ ngày ngày niệm phật cầu nguyện cho anh thoát vòng lao lý.
Chuyến đi đó may mà như thầy dự đoán, đã bình an trót lọt. Sau một tuần lễ, hình như vậy, hơi lệch lạc giữa trời nước mênh mông, cuối cùng, anh và tất cả đồng cảnh đã đến được bến bờ tự do, trại tị nạn Hồng Kông… anh luôn nhớ về chùa, nhớ hai thầy ở nhà, đi, rồi lại mong ngày tái ngộ thầy, vì băn khoăn không hiểu cơ duyên nào đưa đẩy mà anh gặp thầy và được thầy chăm lo cho anh y cha mẹ chăm lo con cái, còn hơn thế nữa.. ?
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Xin nguyện từ bi thương gia hộ,
Nam mô giáng cát tường Bồ Tát”
Anh nhớ những bữa cơm đơn giản mà thoải mái… anh nhớ mãi cái chăn cái gối chùa cho anh nằm ngủ… nhớ từng lời nói của thầy… có lúc anh cứ tự hỏi sao thầy lo cho anh chu đáo quá… mà có khi anh đã quên khuấy, quên bẵng cả gia đình trong giây lát…
Để bớt suy nghĩ, anh xin học thêm anh văn, rồi ra ngoài làm việc.
Ở tạm trại tị nạn, người ta cũng cho anh làm việc, xứ sở Hồng Kông tự do năm 1980-1982 khá thoải mái, anh được làm ở một nhà hàng ăn lớn… Soái Kình Lâm II, tuy nhiều việc nhưng với một người tháo vát như anh đâu có vất vả chi lắm. Ngày qua mau và chiều tối, thu dọn xong quán ăn, người chủ rông rãi đã cho anh mang khá nhiều đồ ăn bán còn dư về trại, anh chịu khó mang sách về nơi tạm cư cho những đồng hương.
Anh tự bảo lòng phải luôn tu thân theo lời phật dậy, chia sẻ những gì ta có với tha nhân.
Anh nhớ lại, có những lần, thầy trụ trì đã kể là trong đời có người hay làm việc ác và họ thường xuyên làm ác. Có người làm việc thiện, và họ chỉ làm việc thiện theo thói quen… điều đó không sao, đó là quy luật bù trừ… để mọi người trong xã hội có thể sống được bên nhau, rồi tự nhiên có một lúc nào đó, sẽ có sự thay đổi, cứ chờ xem, cái gì rồi cũng đổi thay…
Cầm được tí tiền trong tay, anh yêu đời hơn và nguyện sẽ cố gắng làm việc cho mình, cho mọi người xung quanh.
Anh có bao nhiêu dự tính lúc bấy giờ, anh sẽ đi định cư tại Mỹ, một đất nước tự do và sẽ đi học đi kiếm tiền thoải mái… anh sẽ cưu mang gia đình vợ con, anh sẽ làm việc tích cực để có ít tiền bạc bội thu… anh sẽ trở vể khi có thể để gặp thầy, để cám ơn, để trùng tu lại ngôi Tam Bảo nhỏ bé, hoang tàn và thân thương đó…
Anh có bao nhiêu là dự tính và bên cạnh chương trình dự tính hồn nhiên đó, anh cũng không quên, mà cứ tiếc hùi hụi là đã làm mất, là không đọc được phong thư tiễn biệt của thầy…
Phong thư đó và bọc áo quần, trong lúc chao đảo từ thuyền nhỏ lên tàu lớn, anh đã rớt xuống nước, vội không vớt lên được… chả biết thầy căn dặn gì, hay có ghi cho anh một địa chỉ để liên lạc định cư không? Anh có phải tìm ai đó dùm thầy không?…
Anh hơi ray rứt, nhưng không sao, anh bảo lòng cố gắng học, vừa làm việc sớm, phải có tiền để ổn định thu xếp mọi hoàn cảnh… và để có thể trở về quê hương VN trong điều kiện sớm nhất.
Anh tâm niệm luôn cám ơn nước Mỹ đã cho anh tự do và cơ hội thực hành ý nguyện.
Mười ba năm sau, anh Luận đã ổn định công ăn việc làm và mang được gia đình vợ con sang.
Nước Mỹ thật là bao dung và công bằng nhân ái, nhờ những chương trình trợ giúp của chính phủ, nhờ những tích cực đóng góp của các hội thiện nguyện công và tư nhân… anh được sang Hoa Kỳ, về Oakland, gần gia đình người bảo trợ. Người bảo trợ ưu ái giúp đỡ năm đầu tiên, họ lo lắng cho anh nhà ở, việc học, việc làm… chẳng thua cha mẹ, chẳng thua thầy đã lo cứu mạng anh.
Anh đáp ứng chu đáo những tấm lòng vàng và vượt thắng hoàn cảnh khó khăn… trước mọi sự hài lòng, anh tạo dựng, trong không lâu, một cuộc sống mới tạm ung dung nơi đất khách quê người.
… Rồi một hôm đó, lòng lâng lâng thoải mái, anh trở về quê cũ, quê Việt Nam, anh tìm lại ngôi chùa xưa có phủ đầy rêu phong mát lạnh, cỏ phủ đầy kỷ niệm yêu thương: Chùa Thái Vân ở Bà Rịa Vũng Tàu, Chùa của thầy Thiện Niệm và thầy Tịnh Quang…
***
Anh gặp lại thầy trẻ, thầy Tịnh Quang ở cổng chùa, thầy nhận ra anh ngay, hơi vui mừng luống cuống, rồi thầy hoan hỉ dắt anh vô trong gặp thầy trụ trì, thầy Thiện Niệm, ân sư lớn ngày xưa đó…
Thầy già đi nhưng không thay đổi nhiều, một chút hao gầy và lưng còng xuống, nhưng thầy vẫn đầy ắp nét tự tại và khoan hòa kín đáo.
Thầy trò đàm đạo thăm hỏi hồi lâu, anh hoan hỉ và cảm động là anh về cám ơn các thầy, nhất là ơn thầy đã lo lắng thu xếp cho anh đi.
Con cảm ơn thầy!
– Anh cám ơn tôi sau, tôi cảm ơn anh trước đã… thầy dõng dạc nói từng chữ, rõ ràng… không bối rối.
Anh không hiểu vì sao thầy lại cũng cám ơn anh? Anh tròn mắt, rồi thố lộ là đã lỡ làm rớt xuống biển lá thư của thầy… thầy bảo không sao, không có gì quan trọng, trong thơ thầy chỉ dặn anh bảo trọng lấy thân và ráng lo cho gia đình. Này nhé, tôi kể đây, rồi anh sẽ hiểu nhiều hơn, ngày xưa, 13 năm trước, giữa năm 1973 hay 1974 gì đó, tôi đã gặp anh, chúng ta đã gặp nhau trong một hoàn cảnh trái ngang, hai chúng ta ở hai chiến tuyến đối nghịch, giữa vùng hỏa tuyến tam giác Công Thanh, Dĩ An, Nhơn Trạch vào lúc chiến tranh Nam Bắc việt Nam bước vào lúc gay go nhất nhì, vâng, có thế, là chúng ta đã gặp nhau ở chùa chùa Phước Thanh, chùa nằm bên bờ sông Sâu (Nhơn Trạch)… trên bản đồ hành quân, sông Sâu sâu thiệt, bờ sông rất dốc và rất dài, lăn xuống đó nguy hiểm vô cùng… Dĩ An không xa nằm sát chiến khu D! Đêm đó, một đêm giáp rằm, trời khá sáng và trong. Anh và trung úy Lịch, dẫn đầu một trung đội tác chiến từ Đại Phước, muốn băng ngang lô cao su, vòng ngoài kho đạn để về Phú Hội, Xóm Hố, hành quân vào tuần lễ kế đó.
Từ chiến khu D, tôi là một cán bộ CS, đội áo nhà chùa, tôi đi ngược đường anh, tôi từ xóm Hố, Phú Hội xuống Đại Phước, tôi ôm theo một ôm hoa huệ thật lớn, hoa huệ Phú Hội đẹp, mang về để cúng chùa Phước Thanh, cùng với hoa, chủ yếu là tôi mang tài liệu hồ sơ mật, để do thám đường đi nước bước, lấy sơ đồ chôn rockets của kho đạn thành Tuy Hạ.
Thầy chợt ngưng kể, ngừng lại uống trà… và như cố ý để cho anh hồi tưởng, nhưng anh đó, anh chau mày bất lực:
“… Giữa bể dâu trong mưa nắng xoay vần,
Ta dốt nát, ta trần truồng như cọng cỏ”
Rồi thầy tiếp tục:
– Số là tôi có một cô em gái dạy học ở trường trung học quận lỵ, nên tôi đi về vùng đó không mấy khó khăn. Số là hôm 14/7 đó, tôi tới chùa Phước Thanh từ lúc chiều, lợi dụng ngày chùa tổ chức cầu siêu và tưởng niệm 5 vị Đại Đức bị sát hại ở Đà Lạt. Lúc làm lễ, có thiếu tá yếu khu trưởng ra truy điệu, tôi lẩn vào chùa và lấn lá ở lại đó qua một đêm. Chùa nằm sát cổng kho đạn trung ương. Đêm đó anh đóng quân tại chùa, vừa bảo vệ vị yếu khu trưởng ban ngày, vừa trách nhiệm an ninh ban đêm. Một, hai người lính của anh đã gặp tôi và dẫn tôi tới gặp anh. Trong túi sắc đeo ở vai, tôi có đầy tài liệu chỉ cách rình mò kho đạn và người, để len lỏi để liên lạc, tôi cũng có một cây súng lục nhỏ tự động và hãm thanh, vừa để tự vệ và tấn công khi cần, tất cả ấn sâu dưới chuông mõ và một bộ kinh Pháp Hoa. Lúc đó tôi rất lo sợ. Tôi thật sợ anh trong một thoáng, nhưng kịp trấn an khi nhìn ra dáng vẻ không một chút nào sát khí của anh. Anh rất bình thản khi hỏi tôi: từ đâu đến và thầy muốn đi đâu?
Tôi tự tin bảo là:
- Tôi ở một ngôi chùa gần đây, bên Giồng Ông Tố, tôi đi độ niệm đám tang trong ngày, về quá trễ, nước sông qua Giồng ròng xuống sâu quá, thuyền không bơi nổi, nên tôi xin ở lại đêm nơi này, mai, sớm mai tôi về bên đó!
Anh thoát ngó tôi từ đầu tới chân, rồi khoát tay bảo lính:
– Cho ổng một phần lương khô, chắc ổng đói bụng ! Để cho ổng ngủ ở góc kia đi, mai ông về bên Giồng, đuổi ra, đi đêm, sợ ông gặp vc là toi mạng !
Khỏi khám xét, được cho ăn, cho ngủ, sợ ra đi là bị chết ư ? Và cho cả các anh, cho cả chúng tôi ? Sự khác biệt giữa hữu thần và vô thần ló dạng, thái độ của anh lính cộng hòa độ lượng quá, làm cho thái độ cộng sản của tôi tự dưng biến đâu mất trong giây phút : tôi tự hỏi lòng: «Người ta không giết mình không lẽ mình đi giết ngời ta?». Tâm tôi buông vũ khí xuống, "lòng chợt từ bi bất ngờ».
Các anh mệt và ngủ say, có anh trằn trọc, có anh ngáy ó o … Tôi căm lặng và tôi đã không bắn anh nổi. Vì sao ư? Tôi tư lự, chợt tôi nghe văng vẳng ở xa xa, rồi thật gần, tiếng kim khánh lao xao quanh tháp Quan Âm, rồi có tiếng chuông lay động, ngọn khói hương thiết tha, gió đùa trên mái chùa, lá vẫn bay xào xạc…
Mà tại sao anh không giết tôi? Anh lại tha cho tôi đi? Dù anh là lính chiến được quyền sát thương kẻ thù, một kẻ thù nguy hiểm như tôi, là một cán bộ nằm vùng, là một người tu hành giả dạng ma quái? Dù là người tu hành lộng giả, tôi cũng nhớ ra đều răn thứ nhất của phái quy y ngũ giới là không sát sanh.
Tôi ngó nhìn tượng phật Quan Âm lần nữa, ánh mắt ngài mới dịu dàng làm sao, tôi hạ bớt căng thẳng, thì ra nhìn khuôn mặt dửng dưng đôn hậu và hiền hòa từ bi của anh khi ngủ, tôi nhớ tới câu hát hay nhất của nhạc sĩ TCS, mà người ta gọi là đầy tư tưởng phản chiến.
Ôi, chúng ta chém giết nhau mãi mà làm gì? Oan oan tương báo chằng chịt chồng chéo cắt không ra, gỡ không rời, thôi lúc này phải đến giờ tháo gỡ, hỉ xả, tôi đã mở ra được một cái nút thắt chặt bao lâu trông lồng ngực… anh, chính anh đã mở dùm tôi… cảm ơn!
Khi anh tha tôi đi và khi tôi tha anh tôi ra đi là lúc tôi và anh đã gặp nhau, hai ta gặp nhau trong một sát na từ bi của phật pháp…
Rồi mắt sáng rỡ, trái tim nồng ấm tình người, từ đó tôi ẩn dật, lui vào sám hối và thật sự quay đầu về làm con phật:
Trang nghiêm đài sen ngự tòa,
Đại hùng từ phụ Thích Ca
Đệ tử lắng lòng thanh tịnh,
Bàn tay chắp thành liên hoa,
Cunh kính hướng về điều ngự, dâng lời sám nguyện thiết tha.
Tôi bỏ địa bàn Nhơn Trạch, tôi lùi xa Long Thành, lùi xa hơn nữa, tôi về Bà Rịa, kiếm một am vắng vẻ, từ bỏ trần tục, chỉ xin được tu hành. Lúc mới quay về nương tựa Tam Bảo, họ cũng điều tra, hạch hỏi, hăm dọa, theo dõi tôi nhiều lắm, nhất là người đồng sự tính bắn tôi, phải lẫn trốn họ, có lúc tôi đã bị bắt giam và bị cách ly với mọi người. Nhưng từ khi thời mở cửa bắt đầu, thì may quá, họ bận lo kiếm tiền, họ đã chán hâm dọa và bỏ mặc cho tôi tu hành. Tôi không có thầy, không có bổn sư truyền giới, tôi tự học đạo theo kinh sách và dự các buổi hoằng dương chánh pháp của các vị chân tu để hiểu phật pháp qua chánh niệm giới định tuệ. Cũng có nhiều khó khăn lúc tự học, nhưng đó là con đường nhất quán và không có con đường nào khác ngoài tam bảo.
Khi anh thất bại vượt biên, anh chạy đến chúng tôi là tôi đã quy y phật pháp tăng được nhiều năm. Phải đó.
Câu chuyện từ trước nay, chuyện cá nhân, chuyện gia đình và xã hội và quốc gia trộn lẫn vào nhau xẩy ra đã lâu và anh đã đa đoan công việc, anh đã quên tôi. Nhưng tôi thì không làm sao quên được anh. Tôi không quên anh được vì nhờ anh tha mạng, cái tâm từ bi nơi anh khiến tôi thức tỉnh, tôi ra khỏi cơn ác mộng, làm một con người rất người và tìm thấy phật pháp. Cơ duyên này tôi mang ơn đời này và đời sau và đời đời không hết… A di đà phật.
Từ khi anh chạy giạt vào chùa Thái Vân này 13 năm trước, tôi nhận ra anh ngay, là ân nhân đời đời đã đến để mình đáp lễ một chút gì trong muôn một…
Thầy ngưng tìm nước uống. Anh sửng sốt đứng lên đáp lễ:
– Thầy dạy quá lời, đó chỉ là vô tình đưa đẩy, vì khi thầy nhủ lòng “người ta không giết mình, vô lẽ mình đi giết người ta ?” Nói ra câu đó, thì không phải là CS một chút nào!
Anh Luận, không, không có gì là vô tình trong cuộc đời, mọi sự việc xảy ra đều theo một trật tự sắp xếp, lắp ráp vào nhau như một cái puzzles coi như một cái khuôn đúc sẳn gồm nhiều mảnh, đóng khít khao vào nhau không một kẻ hở…
Tôi, tôi chỉ nghĩ tới câu nói then chốt đó, sau khi được anh tha mạng, cho ăn và tha cho đi… đã nói là chúng ta gặp nhau trong một sát na của từ bi mà! A di đà phật.
– Con đã hiểu, nay con về đây trước là do nhớ cảnh nhớ người. Sau là cũng để tạ ơn cảnh tạ ơn người.
– Lại vòng vo, văn hoa nữa, chạy sém chết, sém mất mạng… vẫn vòng vòng văn chương quá…
– Thiệt tình là con muốn tạ ơn nhà chùa, dù gì con cũng mang ơn thầy cứu giúp lúc sa cơ lỡ vận, nhất là lỡ độ đường vượt biên… nay con trở về, vui mừng thấy thầy còn khỏe, bạch thầy, con muốn cúng dường chút ít hiện vật hiện kim để trùng tu ngôi tam bảo nầy… để thầy hoàng dương chánh pháp, để Đàn Na Tín Thí quanh đây có chỗ nương tựa tâm linh. Thật sự ra con làm vậy, chỉ là mặt nổi, còn tự trong thâm sâu, con không biết con phải làm để báo đáp ơn thầy, ơn các thầy… ơn của tam bảo…
– Anh à, phải nói là ơn tam bảo, thì đúng hơn là ơn của tôi… tôi, chính tôi, bần tăng này, cũng mang ơn kia mà, nhiều lắm…