Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

TÔN NGỘ KHÔNG HỌC ĐƯỢC 72 PHÉP BIẾN HÓA LÀ NHỜ MỘT NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG BÍ ẨN

Huu Danh
(@huu-danh)
Thành Viên
 

Tây Du Ký là tác phẩm văn học nổi tiếng, được xếp vào hàng “Tứ đại danh tác” của Trung Hoa. Câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người, từ những trang sách cũ cho đến màn ảnh rộng. Rất nhiều người yêu thích Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông chọc trời khuấy nước. Nhưng ai đã chỉ dẫn cho Ngộ Không tìm được đạo quán của Tổ Sư Bồ Đề mà tìm Tiên học Đạo? Chính là người tiều phu vô danh, xuất hiện ngay ở hồi đầu tiên của truyện.

Cuộc hội ngộ kỳ lạ

Tuy chỉ hiện diện trong một phân cảnh ngắn nhưng ngẫm kỹ ra thì đây quả là một nhân vật không hề đơn giản. Lai lịch của ông có vẻ như ẩn chứa những hàm nghĩa vô cùng thâm sâu khác. Nói không quá, ông lại cũng chính là một trong những nhân vật đóng vai trò truyền tải ý nghĩa, làm sáng rõ cốt truyện.

Chuyện kể rằng, Tôn Ngộ Không trải qua muôn vàn sóng gió, vượt qua bao nhiêu biển rộng sông dài, lưu lạc khắp nơi nhưng vẫn không tìm được Thần Tiên truyền đạo trường sinh bất lão cho mình. Sau, trong một lần vượt núi thẳm hang hoang, lạc vào sơn động, Thạch Hầu bỗng nghe được tiếng hát của người tiều phu.

Đó là một khúc ca có tên gọi là “Mãn đình phương”, theo lời người tiều phu thì do chính Tổ Sư Bồ Đề dạy cho mình. Mới nghe tiếng hát, Ngộ Không đã tưởng gặp Tiên, bèn thắc mắc hỏi tiều phu rằng cớ sao lại hát lên những lời thoát tục siêu trần đến vậy. Người tiều phu đáp:

- Chẳng giấu gì bác, bài hát đó tên là “Mãn đình phương” của một vị thần tiên dạy cho tôi. Vị ấy là hàng xóm của tôi. Ngài thấy tôi công việc vất vả, lại hay buồn phiền, bèn dạy cho tôi, và dặn rằng: “Khi nào buồn phiền thì hát bài ấy, một là giải trí, hai là hết khổ”. Hôm nay tôi có điều lo lắng, lòng dạ buồn phiền nên mới hát bài ấy, không ngờ bác lại nghe được.

Lúc những câu hát này cất lên, Đường Tăng vẫn là đệ tử của Phật Như Lai, Bát Giới vẫn còn là Thiên Bồng Nguyên Soái, tướng mạo khôi ngô, Sa Tăng vẫn còn ở trên thiên cung làm Quyển liêm đại tướng. Lời ca của người tiều phu nhẹ nhàng, thoát tục, như phá mê kiếp sống hồng trần, lại như thể có phép thuật vượt khỏi thời gian, không gian đi về quá khứ vị lai. Hãy cùng lắng nghe một chút:

Xem cơ mục cán rìu rồi
Chặt cây chan chát trên đồi cây xanh
Cửa hang lững thững mây lành
Bán củi mua rượu thỏa tình say sưa
Đêm thu trời biếc sao thưa
Gối cây nằm khểnh, hững hờ ngắm trăng
Vô tư đánh một giấc nồng
Sáng rồi ta lại vào rừng chặt cây
Chiều về một gánh trên vai
Nghêu ngao giữa chợ đổi vài thúng ngô
Thời giá vẫn rẻ như xưa
Lường thưng tráo đấu lọc lừa làm chi
Mặc vinh nhục, kệ thị phi
Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu
Gặp nhau: Phật đạo phép mầu
Bình tâm tĩnh tọa giảng câu “Hoàng đình”

Từng câu, từng chữ trong bài đều là phong thái của bậc Thánh nhân, đối với cuộc sống phàm trần đều vô dục vô cầu, tâm thân thanh tịnh, không tranh không đoạt, tuỳ kỳ tự nhiên. Đặc biệt có những câu nghe ra như của người đã đắc đạo: “Mặc vinh nhục kệ thị phi. Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu” hay như: “Gặp nhau Phật Đạo phép màu. Bình tâm tĩnh tọa giảng câu Hoàng đình”.

Chẳng trách Mỹ Hầu Vương mới chỉ nghe vài lời đã vội đến bên người tiều phu mà vái chào, gọi ba tiếng “Lão Thần Tiên” vậy. Ngộ Không bản tính linh thông, thác sinh từ tảng đá hội tụ linh khí đất trời nên bản năng rất mạnh. Nghe trong lời hát có mùi bất phàm, thoát tục, Ngộ Không lập tức nhận ra người cất giọng chẳng phải hạng thường:

- Ngài không phải thần tiên, thì sao lại nói ra những lời thần tiên như vậy?

Lai lịch không tầm thường

Từ khi Hầu Vương sinh ra, người tiều phu chính là nhân vật thần bí đầu tiên xuất hiện trong đời y, hơn nữa còn chỉ đường cho y đến chỗ Bồ Đề Tổ Sư. Tiều phu chẳng rõ tên tuổi, cũng không hay chỗ ở, chỉ biết ông là một người con chí hiếu, kiếm củi lấy tiền phụng dưỡng mẹ già. Theo lời tiều phu thì chính Bồ Đề Tổ Sư đã dạy mình bài hát, vậy cớ sao Tổ Sư không thu nhận luôn ông ta làm đồ đệ?

Hầu Vương cũng thắc mắc, băn khoăn, bèn hỏi:

- Nhà ông ở cạnh thần tiên, sao ông không chịu theo họ tu hành, để học lấy phép trẻ mãi không già, chẳng tốt lắm ư?

Người kiếm củi nói:

 - Tôi cả đời khổ cực, từ nhỏ, nhờ ơn cha mẹ nuôi nấng, đến năm tám, chín tuổi mới hơi biết việc đời. Chẳng may bố chết, mẹ ở góa, lại không có anh em, chỉ có một mình tôi, tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết sớm tối trông nom mẹ. Giờ đây mẹ tôi già rồi, tôi chẳng dám đi đâu. Ruộng vườn bỏ hoang, ăn mặc chẳng đủ, hàng ngày chỉ biết kiếm củi đem ra chợ bán lấy mấy đồng, đong vài đấu gạo, mang về thổi cơm nấu nước phụng dưỡng mẹ già. Vì thế, tôi không tu hành được.

Có thể thấy thân phận của người kiếm củi này không hề đơn giản. Là một người bình thường, nếu nhìn thấy một con khỉ đi bằng hai chân lại biết nói tiếng người thì lẽ ra đã phải hồn bay phách tán, ú ớ không nên lời. Nhưng ông ta không chút sợ hãi, điềm nhiên tiếp chuyện, lại còn chỉ đường cho Ngộ Không đến nơi ở của Bồ Đề Tổ Sư. Đó lẽ nào lại là nhân vật bình thường?

Có câu nói: “Chân nhân bất lộ tướng“, người có cảnh giới càng cao thì trông lại càng bình dị, tầm thường. Trong toàn bộ tác phẩm từ đó trở về sau, ta hoàn toàn không thể tìm ra lai lịch của người tiều phu nọ. Nhưng dựa vào những biểu hiện ấy thì có thể khẳng định ông đã là một người tu hành đắc đạo, xuất ra ngoài Tam giới, không còn trong Ngũ hành, rất có thể là một Chân Nhân đích thực.

Theo như lời kể của người tiều phu, do còn phải chăm sóc mẹ già nên mới không tìm Bồ Đề Tổ Sư học đạo tu hành. Nhưng nếu như ông ta đi theo Bồ Đề Tổ Sư học đạo thì chẳng phải cũng đã sớm hóa độ được cho mẹ mình, giúp bà trường sinh hưởng phúc sao?

Hơn nữa Bồ Đề Tổ Sư vốn là người yêu thích thu nhận đồ đệ, trong đạo quán có đến hàng trăm đệ tử nhưng tại sao lại không sớm nhận người tiều phu này? Chính là bởi người này đã là một cao nhân siêu xuất khỏi Tam giới nên đương nhiên không cần phải tu đạo của Bồ Đề Tổ Sư nữa.

Bồ Đề Tổ Sư truyền đạo cũng chính là dạy cho chúng đệ tử hiểu được bản ngã chân thực của mình, từ đó nhìn thấu được chân tướng trong kiếp nhân sinh, rồi tu hành siêu xuất ra ngoài Tam giới, thoát kiếp luân hồi chìm nổi. Còn dường như người đốn củi nọ sớm đã đạt cảnh giới bất sinh bất diệt rồi nên mới ung dung kiếm củi, sống đời thanh đạm, không chút tiếng tăm làm vậy.

Hầu Vương chính là linh vật được sinh ra từ tảng đá hấp thụ linh khí của trời đất hàng trăm nghìn vạn năm. Khi vừa nhìn thấy người tiều phu thì trên miệng lập tức buông luôn ba chữ “Lão Thần Tiên”. Đây chính là trực giác nguyên thuỷ nhất, cũng là trăm phần chính xác nhất.

Vả lại, theo những gì được miêu tả trong sách, người tiều phu này đối với chuyện tầm Tiên phỏng Đạo thì vô cùng thông hiểu, có thể nói là một bậc cao nhân. Còn một điểm mấu chốt nữa đó là người tiều phu này dám đốn củi trên núi Linh Đài thiêng liêng, có đạo quán của Bồ Đề Tổ Sư. Người bình thường chắc không có cái bản lĩnh ấy. Đây lẽ nào còn không phải một nhân vật có thực lực cao thâm?

Một giả thuyết nữa thuyết phục hơn: Người tiều phu chính là pháp lực biến hóa của Bồ Đề Tổ Sư. Là cao nhân đắc đạo, Tổ Sư thừa đoán trước được chuyện Ngộ Không vân du bốn biển tìm đạo, rồi lạc lên núi Linh Đài. Ấy cũng là cái cơ duyên được sắp đặt sẵn vậy. Người tiều phu có thể chính là một điểm hóa cho Ngộ Không, là nhân tố xúc tác cơ duyên kia trở thành sự thực. Nếu không có tiều phu nọ, Ngộ Không chắc cũng không biết đến núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh, không biết đến tu Bồ Đề Tổ Sư.

Tiều phu là một hình ảnh quen thuộc trong văn chương, thần thoại phương Đông. Đó là một trong bốn hình tượng kinh điển của văn chương, bao gồm: “Ngư – Tiều – Canh – Mục” (chỉ người đánh cá, đốn củi, làm ruộng, chăn nuôi). Thường thì các tiều phu luôn là hiện thân biến hóa của Thần Tiên, có thể đột ngột xuất hiện giữa đường để chỉ báo, điểm hóa cho người ta.

Trong Tây Du Ký, cũng có một lần Thần Tiên biến thành người đốn củi như vậy. Ở hồi thứ 32: “Núi Bình Đính Công Tào truyền tin, động Liên Hoa Bát Giới gặp tai“, khi thầy trò Đường Tăng đang rảo bước trên đường, mắt ngắm cảnh tiết xuân tươi đẹp thì gặp một người tiều phu chặn đường báo rằng trong núi có yêu ma ăn thịt người rất hung tợn, cần phải bảo trọng. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, Ngộ Không mới biết đó là vị Công Tào trực nhật, phụ trách trông coi, hộ vệ 4 thầy trò biến hóa mà thành.

Chiếc rìu trong tay người tiều phu nọ còn khiến người ta hình dung đến một nhân vật cực kỳ thần bí khác, có lai lịch vô cùng phi thường, đó là ông Bàn Cổ. Trong văn hóa truyền thống, Bàn Cổ chính là người đầu tiên trong vũ trụ này, là thuỷ tổ của loài người khi trời đất vẫn còn hỗn mang, chưa có ngày đêm, tất cả chỉ là một màu đen tăm tối.

Vừa sinh ra thì Bàn Cổ liền tập đi, tập chạy, tập nhảy, hít tinh hoa của trời đất mà dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái rìu ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ tay phải cầm búa, tay trái cầm rìu, ra sức mở mang cõi trần.

Thuở đó trời mờ mịt, Bàn Cổ ước có thể phân biệt được trời đất thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, trời đất chia rõ, sáng tỏ, vạn vật sinh ra đều có đủ cả. Ngài liền chỉ trời là Cha, chỉ đất là Mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi Ngài là “Thái Thượng Ðạo Quân”. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời, cai trị muôn dân, cũng là vị vua đầu tiên của cõi thế gian này.

Phàm những người cầm rìu trong tay đều là những tay kiệt xuất cả. Người tiều phu dù chỉ cầm rìu đốn gỗ, kiếm củi lấy tiền nhưng ngẫm kỹ ra thì lai lịch chẳng hề tầm thường như vẻ ngoài của ông chút nào. Lão Tử nói: “Đại trí nhược ngu“, kẻ hiểu biết, người có trí tuệ lớn thông thường vẻ ngoài lại rất tầm thường, ngu muội vậy!

(Nguồn: Vạn Điều Hay)

Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 30/01/2022 1:18 sáng
Chia sẻ: