Sưng phù chân, một bên chân hay cả hai bên, là triệu chứng hay gặp khi nước tích tụ nhiều ở vùng chân, mắt cá, và cổ chân. Sưng phu chân có thể thường kèm theo sưng tay hay các vùng khác trên cơ thể. Bài viết này chỉ ra những lý do hay dẫn đến sưng phu chân như suy tim, bệnh gan, thận... và cách chữa trị.
# Sưng một bên chân khác với sưng hai bên chân
- Sưng một bên bàn chân thường do tổn thương hay bệnh lý xảy ra tại chỗ khác hẳn với sưng hai bên thường do bệnh lý ảnh hưởng cả cơ thể như bệnh suy tim, xơ gan, hay hư thận. Ví dụ như sưng một bàn bên thường do nhiễm trùng vùng mô cơ, bị thuyên tắc huyết khối (cục máu đông), hay bị bệnh gút hoặc sưng khớp. Quý vị quan sát vùng chân bị sưng và theo dõi một bên hay hai bên để kể cho BS quý vị nghe.
# Vì sao chân sưng?
- Vùng cổ chân và bàn chân sưng lên khi nước bên trong thành mạch máu li ti bị chảy ra (thẩm thấu) ra bên ngoài thành mạch máu, len lỏi vào các mô tích nước, gây ra sưng phù. Thông thường, áp suất thể tích (Oncotic pressure) và áp lực trong mạch máu ổn định và cân bằng do tỉ lệ giữa các protein và thành phần trong máu, nước bên trong mạch máu không chạy ra ngoài thành mạch và nước ở bên ngoài mạch máu cũng không thẩm thấu vào bên trong. Có nhiều lý do và bệnh lý dẫn đến đổi các áp suất hay áp lực này, dẫn đến sưng chân.
+ Các lý do gây sưng phù chân
- Ăn nhiều đồ mặn
- Gần đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai
- Ngồi một chỗ quá lâu gây ứ nước dưới vùng chân
- Tác dụng phụ của thuốc cao huyết áp, thuốc giảm đau NSAID, thuốc steroid, thuốc ngừa thai hay các thuốc khác
- Uống quá nhiều nước
# Sưng phù chân có thể là dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm
+ Bệnh suy tim: thường do tim yếu bơm không hiệu quả, dẫn đước máu bị tích tịch lại dưới dây. Ở người khỏe mạnh, tim đẩy máu từ dưới chân ngược lại tim bằng cách kết hợp các van một chiều. Khi tim yếu, khả năng bơm đẩy máu bị giảm do tác dụng của trọng lực. Ngoài ra tim yếu còn dẫn đến sưng phù nước ở bụng hay phổi, dẫn đến đau bụng hay khó thở. Vì vậy, sưng phù cả hai bàn chân có thể là dấu hiệu nguy hiểm của suy tim và các bệnh tim nguy hiểm khác.
+ Bệnh suy thận hay tổn thương thận: Khi thận yếu, giảm khả năng lọc và đào thải, muối và nước tích tự nhiều hơn trong vòng tuần hoàn, khiến cho nước thẩm thấu nhiều hơn ra ngoài dẫn đến sưng phù chân. Sưng phù chân do thận yếu còn có thể kèm theo sưng phù quanh quầng mắt. Khi thận tổn thương ngắn hạn, các màng lọc của thận yếu đi dẫn đến mất khả năng lọc giữ lại các protein, làm thay đổi áp suất thể tích, dẫn đến sưng phù chân.
+ Xơ gan: Bệnh xơ gan dẫn đến giảm khả năng sản sinh các protein quan trọng, làm thay đổi áp suất thể tích trong máu, dẫn đến nước tích tụ nhiều trong khoang bụng và vùng chân. Khi chọc lấy nước ra ở vùng bụng thì một vài ngày (hay vài tuần sau) nước sẽ tích tụ trở lại.
+ Suy giãn tĩnh mạch: Ở các tĩnh mạch dưới chân có nhiều các van 1 chiều để nước không bị chạy ngược lại do tác dụng của trọng lực. Khi bệnh nhân mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch, các van này yếu đi, không còn khít, dẫn đến nước trào ngược và ứ đọng dưới chân, dẫn đến sưng phù chân. Trường hợp sưng phù chân một bên do tắc huyết khối sâu (Deep vein thrombosis, DVT), máu cũng bị ứ đọng và dẫn đến sưng chân.
+ Tổn thương hệ hạch bệnh huyết. Hệ thống hạch bệnh huyết là hệ quan trọng của các mạng lưới mao mạch nhỏ để thu gom lượng nước dư thừa ở các cơ quan và mô đổ về mạch máu chính. Khi hệ thống này bị tổn thương do ung thư, nhiễm trùng, chấn thương thì các mạch bạch huyết không còn chảy tốt, dẫn đến ú đọng chất lỏng và dẫn đến sưng phù.
+ Suy duy dưỡng, thiếu protein cũng có thể dẫn đến sưng phù chân trong thời gian dài.
+ Suy tuyến giáp
# Chẩn đoán chân sưng
- Tùy vào lý do sưng chân mà BS sẽ có cách chữa cụ thể. Vì vậy, quan trọng nhất là tìm ra lý do chính gây sưng phù chân.
- Sưng phù chân có thể kèm theo đau nhức, một bên hay hai bên, xảy ra ngắn hạn hay lâu dài (nhiều tháng), ngứa hay không ngứa, vùng chân sưng có đổi màu hay không, có đau bụng, bụng trướng, hoặc khó thở hay không. Quý vị cần nói cho BS biết các triệu chứng khác xảy ra kèo theo sưng phù chân.
- Một số thuốc cũng sẽ làm quý vị bị sưng chân (ví dụ như thuốc cao huyết áp Amlodipine). Quý vị nhớ kể rõ các loại thuốc mình đang uống vì những thuốc này có thể ảnh hưởng đến cách chữa trị sưng phù chân.
- BS sẽ xét nghiệm máu quý vị, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm chân, siêu âm tim, chụp hình phổi để xem quý vị có các bệnh về tim mạch, thận, gan, hay các bệnh khác gân sưng chân.
# Chữa trị sưng phù chân
- Với các trường hợp sưng chân đơn giản do ngồi lâu hay suy giảm tĩnh mạch nhẹ thì BS sẽ hướng dẫn tập vật lý trị liệu hay thay đổi tư thế làm việc.
- Với bệnh sưng phù chân nặng hơn, BS có thể cho quý vị uống thuốc lợi tiểu (Diuretics) nhằm xuất nước ra khỏi cơ thể. Thuốc BS hay dùng là Lasix (Furosemide) hay Bumex (Bumetanide). Tùy vào từng bệnh nhân mà BS sẽ cho uống các loại thuốc khác nhau.
- Với các trường hợp sưng chân mãn tính và không hiệu quả khi dùng thuốc lợi tiểu, BS sẽ hướng dẫn quý vị cách chữa trị các bệnh mạn tính dẫn đến sưng chân như chữa bệnh suy tim, chữa xơ gan hay suy thận.
- Quý vị nhớ kết hợp với thay đổi cách sống như tập thể dục thường xuyên, hạn chế ngồi lâu một chỗ, giảm ăn mạnh, kê chân lên cao khi ngủ, hay massage bàn chân và cổ chân thường xuyên. Tôi có làm các video hướng dẫn tập trị liệu giảm đau sưng bàn chân và cổ chân trên youtube (video số 240).
# Biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị
- Mặc dù sưng phù chân có thể khiến quý vị khó chịu, một số quý vị không đi gặp BS và hy vọng việc sưng phù sẽ cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, để sưng phù chân càng lâu thì càng có những nguy hiểm do rủi ro dẫn đến các biến chứng
+ Viêm sưng và tổn thương da do các mạch máu bên dưới bị tổn thương
+ Tăng rủi ro nhiễm trùng vùng bàn chân do da dễ bị rách hay sưng
+ Đi đứng khó khăn do vùng chân bị sưng cứng
+ Thẹo vùng chân bị sưng
+ Giảm khả năng tuần hoàn của máu
+ Viêm xương khớp vùng cổ chân do tổn thương sụn, động mạch, và cơ bắp vùng cổ chân.
+ Các bệnh dẫn đến sưng phù chân càng nguy hiểm hơn nếu không được chữa kịp thời như suy tim có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim
# Tóm lại
-Bệnh sưng chân là bệnh hay gặp, xảy ra ở một hai bên bàn chân hoặc cổ chân. Bệnh có thể do nhiều lý do đơn giản như ngồi làm việc lâu đến lý do nguy hiểm như bệnh suy tim hay xơ gan.
- Bệnh sưng phù chân cần được chữa trị kịp thời nhằm bảo vệ các hệ cơ quan quan trọng và trách các biến chứng nguy hiểm.
BS Wynn Tran, Los Angeles, USA