1. Cơn đau không giảm khi thay đổi tư thế
Kiểm tra thay đổi tư thế có cải thiện được cơn đau không. Nếu có, đó có thể là cơn đau do tổn thương mô như đau cơ.
Ví dụ, đau thắt lưng do căng cơ hầu hết là do tư thế không đúng và lực không phù hợp, dẫn đến căng các cơ core (cơ cốt lõi) ở lưng. Thay đổi tư thế hoặc điều chỉnh cách dùng lực có thể làm giảm cơn đau.
Tuy nhiên, cơn đau thắt lưng do viêm thận gây ra dai dẳng và thậm chí có những cơn đau quặn thắt, không thể thuyên giảm bằng cách điều chỉnh tư thế.
Các triệu chứng của đau thắt lưng do các căn nguyên khác nhau sẽ khác nhau, và cần phải có phương pháp điều trị thích hợp thông qua bệnh sử.
2. Đau dữ dội khi chạm nhẹ vào lưng dưới
Đau thắt lưng do viêm thận, khi chạm thắt lưng người bệnh sẽ có cảm giác đau dữ dội như bị điện giật do tác động cơ học đến vị trí thận bị viêm.
Ngược lại, đau lưng hoặc đau thắt lưng do căng cơ thì khi chạm sẽ không có cảm giác đau rõ ràng mà chỉ thấy đau cục bộ khi ấn vào bộ phận bị đau. Thông qua một ‘phép thử’ đơn giản, có thể lập tức xác định được nguồn gốc của cơn đau.
3. Cơn đau thắt lưng diễn ra nhanh chóng và dữ dội
Bản chất của các cơn đau có thể được chia thành mãn tính và cấp tính. Đau mãn tính, chẳng hạn như căng cơ, thường liên tục với mức độ đau không cố định, trong khi đau thắt lưng do viêm thận thường cấp tính và đau dữ dội.
Khá nhiều bệnh nhân vì quá đau nên ‘thường đến thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện’. Vì vậy, những bệnh nhân khám ngoại trú do đau thắt lưng đa số là do căng cơ.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh thận là gì?
Có 3 nguyên nhân chính gây ra đau thắt lưng cấp tính liên quan đến thận, bao gồm sỏi thận, mạch máu bị tắc nghẽn và nhiễm trùng thận. Ba nguyên nhân này sẽ kết hợp với các triệu chứng khác nhau.
1. Sỏi thận
Trong số các bệnh gây đau do thận, sỏi đường tiết niệu là bệnh thường gặp nhất. Sỏi đường tiết niệu có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vị trí của sỏi bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Khi sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu, nước tiểu không thể chảy xuống và thận tiếp tục tạo ra nước tiểu. Lúc này, sỏi ngược dòng sẽ ngày càng phình to hơn, gây co thắt cơ trơn niệu quản gây ra tình trạng đau bụng.
Cơn đau do sỏi gây ra thường dữ dội, hoặc âm ỉ khó chịu và lan ra phía trước, xuống vùng sinh dục, kết hợp với đau ở háng và đùi trong. Cơn đau này sẽ không thuyên giảm khi thay đổi tư thế. Đồng thời xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn do đau.
Triệu chứng đau sẽ cải thiện sau khi uống thuốc giảm đau nhưng tình trạng tắc nghẽn không cải thiện có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, vì vậy nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng liên quan.
2. Tắc nghẽn mạch máu
Tắc mạch cấp tính do cục máu đông trong mạch máu của thận cũng có thể gây đau thắt lưng và tiểu ra máu. Phình mạch máu cũng có thể gây tắc nghẽn mạch, và dẫn đến cao huyết áp
Ngoài ra, các khối u ác tính có thể xâm lấn vào mạch máu hoặc gây tắc nghẽn đường tiết niệu trong quá trình phát triển và lớn lên.
Nếu khối u chảy máu, nó có thể gây ra máu trong nước tiểu hoặc hình thành cục máu đông có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và gây đau.
3. Nhiễm trùng thận
Một trong những biểu hiện hay gặp là cảm giác nóng rát và đau khi đi tiểu, kèm theo sốt. Bệnh nhân bị nhiễm trùng thận do tạp khuẩn cũng đau dữ dội khi ấn tay vào vùng thắt lưng.
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng thận là do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào thận từ đường tiết niệu. Nhiễm trùng do vi khuẩn thường bắt đầu từ nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, chẳng hạn như viêm niệu đạo.
Nếu điều trị chậm trễ, nhiễm trùng có thể lan lên bàng quang, thậm chí là bể thận, dẫn đến đau thắt lưng. Khi bệnh tiến triển, vị trí đau của bệnh nhân sẽ khác nhau, và triệu chứng sốt sẽ nặng hơn.
Cẩn thận với bệnh thận khi xuất hiện 4 triệu chứng này
Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể con người, vì vậy những cơn đau thắt lưng quả thực rất dễ khiến người ta có những liên tưởng khó chịu: Có phải thận có vấn đề gì không?
Trên thực tế, thận là một ‘cơ quan thầm lặng’, và trừ khi bệnh nặng đến mức trở thành bệnh thận mãn tính, nếu không thì rất khó phát hiện ra những bất thường.
Ngược lại, các bệnh liên quan đến thận gây ra cơn đau cấp tính có xu hướng giải quyết bằng cách điều trị.
Vì vậy, ngoài đau thắt lưng, bạn nên chú ý đến 4 triệu chứng của bệnh thận mãn tính và đi khám nếu chúng xuất hiện:
- Xuất hiện nước tiểu có bọt và tiểu máu.
- Lượng nước tiểu giảm đột ngột.
- Kết hợp với tăng huyết áp.
- Dễ mệt mỏi.
Những triệu chứng này chủ yếu là do thận bị tổn thương ở một mức độ nhất định, dẫn đến không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.
Các vấn đề về thận thường gặp trên lâm sàng phần lớn là do các bệnh mãn tính lâu năm (tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, béo phì,…).
Vì vậy, để chăm sóc thận, tốt nhất nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất: Nâng cao sức khỏe và lối sống lành mạnh.
Quang Minh